Những 'cơn gió lạ' đưa hạt gạo Nam Định 'bay xa'

Trên cánh đồng rộng hơn 20 ha ở xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, anh Lương Văn Trường cùng các thành viên HTX thanh niên Nam Đại Dương tổ chức liên kết, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để phát triển mô hình trồng lúa hiện đại, gặt hái thành công lớn.

Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Lương Văn Trường tham gia dự án quốc gia 600 Phó chủ tịch xã trẻ, và trở thành cán bộ phụ trách, thực hiện thành công hàng loạt dự án nông lâm tại Si Ma Cai (Lào Cai), trước khi quyết định trở về vùng “đất lúa” quê hương để khởi nghiệp.

Thêm hàm lượng công nghệ

Anh Trường cho biết, trong thời gian làm cán bộ nông lâm, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, cùng sự hiểu biết sâu sắc về các loại cây trồng, sự đồng cảm với những khó khăn của người nông dân.

Vì vậy, ngay khi trở về quê hương, anh Trường đã bắt tay xây dựng cánh đồng lớn tại xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng. Nhưng dù đã có sự chuẩn bị kỹ càng, sự khởi đầu bao giờ cũng phải đối diện với vô vàn khó khăn. Vụ mùa năm 2018, cánh đồng lúa hữu cơ của anh gần như mất trắng.

“Vụ đó mưa nhiều, vì không có giải pháp ứng phó kịp thời nên 5 tấn lúa giống sau khi gieo xuống gần như thối hết. Tổng thiệt hại hơn 1 tỷ đồng, cùng bao công sức bỏ ra”, anh Trường kể lại.

Hàng loạt HTX ra đời đã và đang góp phần đưa thương hiệu gạo chất lượng cao tỉnh Nam Định đi xa hơn.

Hàng loạt HTX ra đời đã và đang góp phần đưa thương hiệu gạo chất lượng cao tỉnh Nam Định đi xa hơn.

Nhưng chính những thất bại đã thôi thúc anh Trường lao vào nghiên cứu và cuối cùng tạo ra một loại lúa giống đặc biệt, có khả năng “ngủ đông”. Cụ thể, hạt lúa giống sau khi nảy mầm được đưa về trạng thái khô, dễ bảo quản, giảm tỷ lệ bị thối, gãy. Khi sử dụng chỉ cần gieo trực tiếp xuống ruộng.

Theo tính toán, quy trình sản xuất giống “ngủ đông” có chi phí khoảng 2.000 đồng/kg, trong khi sản xuất theo cách ngâm ủ hạt mầm tươi sẽ mất tối thiểu 10.000 đồng/kg (gồm công, vật tư, nước, điện…).

Với những thành công ban đầu, năm 2021, anh Trường tổ chức liên kết, thành lập HTX thanh niên Nam Đại Dương, hướng tới nhân rộng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, gia tăng hàm lượng khoa học – kỹ thuật trên cánh đồng lớn, tăng lợi nhuận cho nông dân địa phương.

Đến nay, HTX đang phát triển cánh đồng lớn rộng hơn 21 ha, xây dựng chuỗi liên kết, đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ để tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo. Doanh thu hàng năm của HTX đạt trên 3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 50 -70 lao động.

Không chỉ là những “cánh chim” đơn lẻ, huyện Nghĩa Hưng với thế mạnh về sản xuất lúa đang có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp tham gia, nâng cao hiệu quả.

Đơn cử, tại xã Nghĩa Tân, những năm qua, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Tân đã liên kết với một doanh nghiệp chế biến nông sản tại địa phương có hệ thống máy sấy, dây chuyền đóng gói công suất 15 tấn/ngày tổ chức sản xuất gạo nếp thơm Giáo Lạc theo chuỗi giá trị.

Hình thành chuỗi giá trị

Hiện, hơn 50 hộ dân liên kết với HTX Nghĩa Tân đang tham gia vào chuỗi sản xuất, gieo cấy trên cánh đồng lớn rộng 30ha, được áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch đến chế biến, cùng với quy trình đóng gói, bảo quản sau thu hoạch được chuẩn hóa.

Các quy trình sản xuất từ bón phân, phòng trừ sâu bệnh cũng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật chung, sử dụng các loại vật tư trong danh mục Bộ NN&PTNT cho phép để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt nhất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến tay người tiêu dùng.

Để mở đường cho hạt gạo đi xa hơn, HTX Nghĩa Tân đã đăng ký tham gia chương trình OCOP “Gạo nếp thơm Giáo Lạc”. Qua các lần thẩm định, đánh giá, sản phẩm “Gạo nếp thơm Giáo Lạc” đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh từ năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Thiết, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, cho biết sau khi được gắn sao OCOP, sản phẩm gạo nếp thơm của địa phương được dán nhãn mác, có truy xuất nguồn gốc và được giới thiệu qua các hội chợ của tỉnh, huyện nên nhiều người tiêu dùng biết đến, thị trường tiêu thụ cũng thuận lợi hơn.

“Hiện, sản phẩm OCOP “Gạo nếp thơm Giáo Lạc” có giá bán 28-30 nghìn đồng/kg, cao gấp 1,4-1,5 lần so với gạo cùng loại đại trà. Mỗi năm, các hộ dân cung cấp trên 30 tấn gạo OCOP cho thị trường các tỉnh, thành phố Nam Định, Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng…”, ông Thiết chia sẻ.

Không kém cạnh, ở xã Nghĩa Bình, sản phẩm gạo nếp Bắc Nghĩa Bình cũng được công nhận đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Với chất lượng vượt trội, thương hiệu gạo nếp Bắc Nghĩa Bình ngày càng được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến.

Ông Phạm Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình, cho biết để đạt được kết quả này, HTX đã xây dựng thành công vùng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm gạo nếp Bắc đạt tiêu chuẩn VietGAP quy mô 15ha với hơn 50 hộ dân tham gia.

“Nhờ xây dựng thành công các sản phẩm gạo OCOP đã nâng cao giá trị hạt gạo Nghĩa Bình lên 10-15% so với gạo sản xuất đại trà, tăng thu nhập cho nông dân. HTX cũng đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP “Gạo lứt huyết rồng Nghĩa Bình” hạng 3 sao”, ông Chiến phấn khởi nói.

Có thể thấy, việc xây dựng thành công các sản phẩm OCOP là đòn bẩy để huyện Nghĩa Hưng tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân. Qua đó, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu.

Giao Ánh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/nhung-con-gio-la-dua-hat-gao-nam-dinh-bay-xa-1092626.html