Những con người nỗ lực vươn mình sau đại dịch
Đại dịch Covid-19 ập đến và lấy đi nhiều thứ trong cuộc sống của người dân trên khắp cả nước. Những giọt nước mắt, nỗi đau trong những tháng ngày qua là điều không ai có thể quên nhưng khi có những thứ mất đi, cũng là lúc những điều đẹp đẽ đang được sinh ra.
Đời người ngắn ngủi, hãy sống biết quý trọng từng phút giây
Tuýt… tuýt… tiếng hú còi của xe cứu thương chở bệnh nhân đi điều trị và cấp cứu vì nhiễm Covid-19 vang vọng trên những con đường, từng ngõ hẻm. Ngày TPHCM mở cửa cho phép người dân được ra đường trở lại, đâu đó vẫn còn những tổn thương chưa được chữa lành. Nhịp sống của thành phố khó có thể tiếp diễn bình thường như trước.
Gia đình chị Trần Ngọc Khanh, sinh năm 1999, quận Gò Vấp, từng mắc Covid-19 trong những ngày giãn cách vừa qua ở Sài Gòn. Chuỗi ngày bắt đầu ở nhà, cậu của Khanh bỗng trở thành F0. Cả gia đình lo lắng vô cùng vì lúc đó chưa ai được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, nhà lại có thêm ông bà đã lớn tuổi.
Chỉ khoảng một tuần sau, Khanh, mẹ và ông xét nghiệm nhanh đều cho ra kết quả dương tính, còn bà thì không sao. Đúng như thủ tục, cả nhà được đưa đến bệnh viện dã chiến để xét nghiệm rồi chuyển vào khu cách ly.
Khanh nhớ lại lúc đó: “Khi đọc tin và biết rằng xung quanh mình có rất nhiều hoàn cảnh phải đi cách ly, tôi vẫn chưa mường tượng được chuyện đó tồi tệ đến mức nào. Khi điều đó xảy ra với gia đình mình, trực tiếp chứng kiến và trải qua cảm giác đó mới thấy đáng sợ. Trong bệnh viện, xung quanh tôi rất đông và hầu hết ai cũng nhận kết quả dương tính, có những người già, bà bầu và cả trẻ em. Tôi nhớ mãi một đứa bé chỉ mới học cấp 2 ngồi bơ vơ nhận kết quả trên tay mình”.
Khanh và mẹ may mắn có triệu chứng nhẹ và sau hai tuần đã có thể hồi phục tốt trở lại, nhưng ông của Khanh thì không. Đến ngày thứ 5, thứ 6 ông bắt đầu trở nặng, mất ngủ 2-3 ngày liền và bác sĩ phải tiêm thuốc và giúp ông thở oxy.
Sau đó, cụ ông hơn 80 tuổi phải chuyển viện lên tuyến trên để điều trị vì bệnh tiến triển ngày một nặng. Nhưng không may về sau, ông cũng không vượt qua khỏi.
Dẫu cả nhà Khanh đều đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng vào lúc nhận tin, cảm giác vẫn thật sự rất buồn. Khanh kể rằng: “Đó là cảm giác bất lực khi gia đình tôi không thể ở bên cạnh và chăm sóc cho ông. Muốn nấu cho ông một bữa cơm nhỏ nhưng cũng không thể gửi vào. Biết ông cần người quan tâm nhưng không thể kề bên”.
Nỗi đau thì vẫn ở đấy, chúng ta thì vẫn phải bước tiếp. Những ngày sau đó ở nhà đối với Khanh là những ngày cảm thấy cô đơn, thất vọng vô cùng. Nhưng chính thời gian này đã đem đến cho Khanh nhiều sự thay đổi không ngờ đến.
Quan trọng nhất, dich bệnh đã cho chúng ta thấy cuộc sống này thật đáng quý và trân trọng biết bao. “Đại dịch này làm cho tôi nhận ra cuộc sống này ngắn lắm, vô thường lắm. Thời gian ta có không nhiều. Nếu tôi muốn làm bất cứ điều gì mà không làm ngay bây giờ, thì nhiều khả năng chỉ một giây, một phút sau thôi, tôi cũng không thể làm nó nữa!”, Khanh động viên chính mình.
Vững tin bước qua sóng gió
Tôi tìm đến quán cà phê KJ Project trên con đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận vào buổi trưa oi ả, ngay lúc quán vừa mở cửa. Trong đợt dịch vừa rồi, hàng loạt các quán ăn, nhà hàng, dịch vụ, khách sạn là nguồn thu nhập chính của nhiều người đã phải đóng cửa triền miên mấy tháng liền. Gượng dậy để vượt qua không phải điều dễ dàng.
KJ Project là một trong những quán còn may mắn trụ lại và tiếp tục hoạt động đến tận nay sau hơn 4 năm mở cửa.
Không khí giáng sinh len lỏi vào từng ngóc ngách trong căn tiệm ấm cúng. Tuy vậy, lượt khách đến quán vẫn rất thưa thớt và chỉ có hai người quản lý chăm sóc quán.
Tôi trò chuyện cùng chị Dương Ngọc Quỳnh Như, sinh năm 1992, chủ quán KJ Project, để nghe chị chia sẻ về quãng thời gian đóng cửa vừa qua của quán. Dịch bệnh đã tác động đến quán trong thời gian từ lâu. Năm ngoái, do chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ và ảnh hưởng từ dịch bệnh, tốn rất nhiều chi phí nên chị phải chuyển quán sang một nơi khác bé hơn rất nhiều.
Trong không gian nhỏ của quán, chị Như đầu tư xây thêm một gian bếp để nướng bánh và mở một thương hiệu nhỏ đi kèm chỉ chuyên bán bánh. Không gian trên lầu được tu sửa lại để tổ chức những buổi workshop dạy vẽ tranh, thêu thùa… hay trưng bày các sản phẩm thủ công là dự định mà Như đang ấp ủ trong những tháng sắp tới.
Khó khăn là thế nhưng chị Như chia sẻ: “Động lực thôi thúc tôi bước tiếp đó là tôi đang được làm điều mình yêu. Khi làm một việc gì đó đem lại ảnh hưởng tích cực đến người khác, điều đó nuôi dưỡng tôi để mình tạo nên những giá trị ý nghĩa, đúng đắn. Suy nghĩ đó giúp tôi duy trì quán đến tận bây giờ. Phần khác, tôi chưa bao giờ có ý nghĩa sẽ dừng lại mà sẽ cố gắng tồn tại nên ngày qua ngày, tôi sẽ cố gắng tiếp tục trong khả năng. Không hứa trước sẽ đi mãi mãi nhưng hiện giờ sẽ không dừng lại”.
Thương yêu trao đi bằng cả trái tim
Người Sài Gòn bao đời có phải vẫn nhớ về nhau nhiều nhất bởi hai chữ “hào sảng”. Tình yêu thương có lẽ là điều đẹp đẽ nhất, nở rộ như những mùa hoa trong những tháng chống dịch vừa rồi.
Đã có hơn hàng nghìn các bạn sinh viên tình nguyện tham gia chống dịch hỗ trợ các nhân viên y tế từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước, những chuyến xe yêu thương miễn phí chở người dân về quê… Người với người, bên nhau cùng vượt qua khó khăn bằng thương yêu chân thành.
Những ngày qua, rất nhiều người biết đến một cô gái được gọi thân thương là “cô tiên” Sài Gòn. Suốt 6 tháng qua, cô đạp xe vòng quanh thành phố mỗi ngày để giúp đỡ những nghèo. Cô gái đó là Huỳnh Thị Trúc Ly, 30 tuổi quê ở Phú Yên.
Những ngày đi phát quà từ thiện trong mùa dịch, các phần quà Ly chuẩn bị tuy không lớn nhưng cô tin, sẽ rất có giá trị đến các cô chú vì lúc đó hoàn cảnh mọi người rất khó khăn.
Có người còn phải uống nước cầm cự qua ngày nên giúp được họ dù ít thôi, đó cũng đã là một niềm vui. “Quyết định đi phát quà trong mùa dịch với tôi lúc đó cũng cần một sự can đảm. Nếu mình không làm, bà con sẽ thiệt thòi và khó khăn lắm nên tôi cứ quyết định sẽ cứ làm thôi, dù chỉ có một mình”, Ly tin vào điều mình thực hiện.
Sau giãn cách, Ly vẫn ngày ngày đạp xe trên mọi nẻo đường để giúp đỡ người nghèo. Chẳng hạn như có cụ ông mỗi ngày chỉ nấu 9 ly chè nhưng chỉ bán được một nửa, sau khi được cô chia sẻ hoàn cảnh lên mạng xã hội, đã có rất nhiều người đến ủng hộ và hỗ trợ ông. Và còn nhiều những mảnh đời khác, nhờ cô gái nhỏ mà họ đã có thể sống một cuộc đời, đủ đầy hơn và nhiều niềm vui hơn.
Ly chia sẻ: “Niềm vui lớn nhất trong mùa dịch vừa rồi là tôi đã kết nối lại được rất nhiều tấm lòng yêu thương những người khó khăn. Thật sự quá hạnh phúc, mình có thể là cây cầu nối của nhiều tấm lòng đối với những người thật sự cần nó”.
Đại dịch đã lấy đi của chúng ta nhiều thứ không thể bù đắp. Nhưng có lẽ, những lúc khó khăn ấy là phép thử để con người nhận ra cuộc sống này mỏng manh, đáng trân quý biết bao. Có mất mát để vượt qua những thương tổn trở nên mạnh mẽ, có bấp bênh để tin vào chính mình mà vững chãi bước tiếp, có khó khăn để nhận ra tình người vẫn luôn ở đấy, còn mãi trong đời… Đó là những sự sống kiên cường không chết bao giờ.
Phương Nghi
Bài viết trên là một trong số 30 bài thi xuất sắc lọt vào vòng Bán kết Cuộc thi Báo chí DEEP ZOOM do CLB Phóng Viên Trẻ, Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Theo đó, thông điệp của cuộc thi là sự thật phản ánh trên báo chí không chỉ là những gì diễn ra trên bề mặt vấn đề mà người làm báo phải thâm nhập, tìm hiểu để từ đó mang đến những thông tin trung thực nhất cho công chúng.
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/nhung-con-nguoi-no-luc-vuon-minh-sau-dai-dich/