Những con người thầm lặng chống dịch
Giữa thời điểm cả nước căng mình 'chống dịch như chống giặc'; thì những 'chiến sĩ áo trắng' hằng ngày, hằng giờ đối mặt với 'cuộc chiến sinh tử' đầy cam go và căng thẳng. Họ là những y, bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên nơi tuyến đầu, đã thầm lặng giành giật sự sống cho người bệnh, từng bước đẩy lùi dịch bệnh, để mang lại cuộc sống bình yên.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, bác sĩ Nguyễn Đình Toàn, Trung tâm Y tế huyện Mường Lát thường xuyên xuống cơ sở tư vấn cho người dân các biện pháp phòng, chống dịch.
"Cơn bão” COVID-19 ập đến vào những ngày cuối cùng của năm Kỷ Hợi, khi cái tết đoàn viên đầm ấm đã chộn rộn khắp nẻo. Gác lại bữa cơm đoàn tụ và cả đêm giao thừa sum họp gia đình, đội ngũ y bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã “trực chiến”, tiếp nhận nữ bệnh nhân N.T.Tr (25 tuổi, quê xã Định Hòa, huyện Yên Định), vừa trở về từ Vũ Hán (Trung Quốc) và có biểu hiện sốt cao, ho, khó thở. Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới đã thực hiện biện pháp cách ly, theo dõi và cùng cơ quan chuyên môn tiến hành lấy mẫu và gửi đi xét nghiệm. Đến ngày 30-1 (tức mùng 6 Tết Canh Tý), kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định, bệnh nhân N.T.Tr có kết quả dương tính với nCoV. Lúc này, “cuộc chiến” giành giật sức khỏe, thậm chí là tính mạng cho người bệnh chuyển sang giai đoạn mới, đầy thách thức.
Với việc tập trung cao độ cả về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất và đặc biệt là nêu cao tinh thần trách nhiệm của cả ê kíp, sau 10 ngày căng sức “chiến đấu”, cuối cùng niềm vui đã vỡ òa với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, đội ngũ y bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới, tập thể Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và cả hệ thống y tế Thanh Hóa. Đó là ngày 3-2-2020, bệnh nhân N.T.Tr đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và chính thức được xuất viện.
Nhớ lại thời điểm căng thẳng ấy, bác sĩ Đỗ Xuân Tiến, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới vẫn không khỏi bồi hồi. Anh chia sẻ: Dù đã có kinh nghiệm “chiến đấu” với nhiều loại bệnh dịch nguy hiểm, nhưng chưa bao giờ công việc lại áp lực như trong đợt phòng chống dịch bệnh COVID-19. Khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên liên quan đến vi rút nCoV đúng vào dịp tết, chúng tôi không khỏi băn khoăn, lo lắng. Song, xác định mình không làm thì ai làm, nên chúng tôi đã động viên anh em trong khoa cố gắng, khắc phục khó khăn, tăng ca trực, tăng số lượng người đi làm. Mặc dù phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, khi phải tiếp xúc thường xuyên với người bệnh, song hơn ai hết, chúng tôi xác định, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế phải chăm lo và tư vấn, động viên để mọi người an tâm, cùng chung tay chống dịch. Trong thời gian đó, khoa còn tiếp nhận điều trị, chăm sóc và theo dõi cho nhiều bệnh nhân có nghi ngờ nhiễm virus Corona chủng mới. Sau đó, tiếp tục thu dung, cách ly, điều trị, chăm sóc các bệnh nhân nghi ngờ và xác định nhiễm COVID-19. Ngoài ra, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh và sự hoang mang của người dân về chủng virus mới này, nên số lượng bệnh nhân đến khám viêm đường hô hấp tăng đột biến. Thực trạng ấy buộc đội ngũ cán bộ trong khoa cố gắng làm gấp đôi công việc, để khám, sàng lọc, tư vấn, giải thích cho bệnh nhân không có yếu tố nguy cơ có thể tự điều trị, theo dõi tại nhà...
Không trực tiếp tham gia khám, chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân, nhưng các y, bác sĩ, cán bộ làm công tác y tế dự phòng luôn là những người đi đầu trong “trận chiến”, sẵn sàng xông pha vào các vùng tâm điểm để dập dịch nhanh chóng và hiệu quả. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, dù nắng hay mưa, thời gian cao điểm dịch hay không bùng phát dịch... thì những cán bộ làm công tác y tế dự phòng vẫn kiên trì bám địa bàn, tích cực hướng dẫn Nhân dân phòng chống dịch bệnh. Họ được ví như những “chiến sĩ thầm lặng” trên mặt trận phòng, chống bệnh tật, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Đình Toàn, Trưởng Khoa An toàn vệ sinh thực phẩm – y tế công cộng và dinh dưỡng, Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, chia sẻ: Thời điểm ấy, chúng tôi cũng rất lo lắng. Song xác định, mình là nhân viên ngành y, khi mọi người cần mình thì phải cố gắng hết sức. Để kịp thời ứng phó với dịch COVID-19, trung tâm đã cùng với các lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh vào địa bàn, để khoanh vùng và xử lý kịp thời. Đặc biệt, khi phát hiện trường hợp nghi ngờ có yếu tố dịch tễ, tổ chức khám sàng lọc, phân loại, cách ly và áp dụng kịp thời các biện pháp phòng, chống, nhằm hạn chế sự lây lan của bệnh, đem lại sự bình yên cho vùng biên cương của Tổ quốc.
Đặc biệt, từ đầu mùa dịch COVID-19 đến nay, các cán bộ, nhân viên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vẫn luôn căng mình trên khắp các mặt trận, thực hiện công tác giám sát và phòng chống dịch. Trong số đó không thể không kể đến những cán bộ làm công tác xét nghiệm, luôn chạy đua với thời gian, làm việc trong môi trường đầy rủi ro, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, để có được kết quả xét nghiệm đáp ứng khẩn cấp công tác phòng chống dịch. Thạc sĩ, bác sĩ Lê Phụng Đại, Trưởng Khoa Xét nghiệm – chẩn đoán hình ảnh – thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chia sẻ: Từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, khoa đã tiếp nhận hàng chục ngàn mẫu bệnh phẩm. Với số lượng mẫu bệnh phẩm lớn, nên các cán bộ trong khoa luôn tập trung cao độ để có kết quả xét nghiệm nhanh và chính xác nhất. Việc sớm có kết quả xét nghiệm có vai trò quan trọng, là căn cứ xác định bệnh dịch để khoanh vùng, nhanh chóng triển khai các phương pháp cách ly và điều trị, từ đó dập dịch COVID-19 kịp thời.
Hay những “chiến sĩ phản ứng nhanh phòng, chống dịch” của Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh luôn sẵn sàng lên đường bất kỳ lúc nào có thông tin về trường hợp liên quan tới dịch COVID-19. Mỗi khi nhận được thông tin về dịch bệnh, dù ở bất cứ đâu, nhân viên của khoa cũng lập tức đến để điều tra dịch tễ học, lấy mẫu bệnh phẩm để làm các xét nghiệm; phối hợp triển khai thực hiện vệ sinh môi trường, xử lý ổ dịch... Nhiều lúc, chỉ cần sơ sẩy một chút là chính họ có thể bị nhiễm bệnh. Song nhờ được tập huấn phòng dịch bệnh kỹ càng, họ đã động viên nhau vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ.
Đại dịch COVID-19 là một thách thức lớn, đã đặt đội ngũ y, bác sĩ giữa hai sự lựa chọn: hy sinh sức khỏe bản thân để giành giật tính mạng người bệnh khỏi bàn tay tử thần; hoặc ngược lại. Và, họ đã chọn vế thứ nhất – đó là sự lựa chọn của trái tim, lương tri, y đức người thầy thuốc. Và hơn hết, những cống hiến, hy sinh thầm lặng mà cao cả của họ, đã một lần nữa làm sáng thêm “Lời thề Hippocrates” về thực hành y tế và đạo đức!
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nguoi-tot/nhung-con-nguoi-tham-lang-chong-dich/131497.htm