Những con số ấn tượng ngành vận tải biển giữa 'bão' Covid-19
Giữa 'bão' Covid-19, lĩnh vực vận tải biển vẫn hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch bệnh an toàn, vừa ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo Tổng công ty Hàng hải VN (VIMC), sau khi chính thức chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần, VIMC cùng các doanh nghiệp thành viên đã trải qua 1 năm với không ít khó khăn, thách thức từ "bão" Covid-19 với các biến thể Delta và Omicron.
Đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, VIMC và các doanh nghiệp thành viên đã chủ động triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm chủ động, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới để hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch bệnh an toàn, vừa ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Cụ thể: Sản lượng vận tải biển toàn VIMC ước đạt 22,85 triệu tấn (đạt 102,2% so với cùng kỳ 2020 và 121,2% so với kế hoạch năm 2021).
Trong khi đó, sản lượng hàng thông qua cảng toàn VIMC ước đạt 125,9 triệu tấn (đạt 113,7% so với cùng kỳ 2020 và đạt 105,4% so với kế hoạch năm 2021); sản lượng container ước đạt 5,4 triệu TEU (đạt 105% so với cùng kỳ và 105,2% so với kế hoạch năm 2021).
Doanh thu toàn VIMC ước đạt 18.319,07 tỷ đồng; lợi nhuận ước đạt 3.363,35 tỷ đồng.
Đặc biệt, lần đầu tiên sau nhiều năm thua lỗ kéo dài, khối vận tải biển của VIMC đã ghi nhận lợi nhuận dương trong năm 2021 (lợi nhuận ước đạt 694,3 tỷ đồng, tăng 332,2% so với kết quả thực hiện năm 2020).
Một số đơn vị đạt kết quả nổi trội như: Công ty VIMC Shipping (đơn vị HTPT) ước lợi nhuận 496,8 tỷ đồng (kế hoạch 2021 cân bằng lợi nhuận), Công ty Vosco ước lợi nhuận 185,5 tỷ đồng (kế hoạch 2021 cân bằng lợi nhuận), Công ty Vinaship ước lãi 164,8 tỷ đồng (kế hoạch 2021 lãi 15 tỷ đồng), Công ty Biển Đông ước lãi 37 tỷ đồng.
Hiện tại, đội tàu biển của VIMC gồm 64 chiếc với gần 4.000 thuyền viên vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ "bão" Covid-19, đặc biệt là đối với các thuyền viên khi thời gian làm việc trên tàu quá dài (12-18 tháng) nhưng không thể thay thế do dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý thuyền viên. Một số doanh nghiệp vận tải biển đã có thuyền viên bị nhiễm Covid-19 trên các tàu đang hoạt động tại nước ngoài (Vitranchart, Đông Đô).
Mặc dù vậy, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án khi có ca F0 đã triển khai rất tốt công tác chữa bệnh cho thuyền viên ngay cả khi không được lên bờ nên hoạt động của các tàu không bị gián đoạn hải trình. Các tàu đều được trang bị đầy đủ các trang thiết bị phòng tránh dịch bệnh, thuốc y tế và cấp bổ sung máy tạo oxy, máy đo nồng độ oxy.
Theo tìm hiểu, trước tác động của dịch bệnh Covid-19, VIMC và các doanh nghiệp thành viên đã theo sát diễn biến thị trường, nắm bắt cơ hội và linh hoạt trong điều chỉnh phương án khai thác cũng như trong đàm phán hợp đồng để nâng giá cước vận tải và giá cho thuê tàu nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.
Các tàu hàng khô của VIMC trong năm 2021 đều tận dụng được cơ hội thị trường để cải thiện hiệu quả. Ngoại trừ một số tàu đã ký hợp đồng dài hạn từ đầu năm, các tàu ký hợp đồng ngắn hạn đều nhanh chóng bắt kịp đà tăng của thị trường từ giữa năm 2021, đặc biệt là tăng mạnh trong quý 3.
Tuy nhiên, một số tàu của các đơn vị vẫn đang cho thuê hoặc tự khai thác với mức giá cách xa với giá thị trường và thấp hơn đáng kể so với tàu cùng cỡ khác, chủ yếu là các tàu của Vitranschart, Đông Đô, Vinaship, Biển Đông, OSTC.
Một số tàu ký hợp đồng dài hạn trước thời điểm thị trường bùng nổ nên trong giai đoạn thị trường tăng trưởng tốt, mặc dù các đơn vị đã nỗ lực đàm phán nhưng giá cho thuê được điều chỉnh rất hạn chế và theo ý chí của người thuê tàu, trong đó có tàu của các đơn vị như Vosco, VIMC Shipping, OSTC, Đông Đô, Vitranschart.
Tình trạng tàu phải offhire tại một số đơn vị vẫn còn khá cao, chủ yếu do tình trạng kỹ thuật của các tàu không được đảm bảo dẫn đến sự cố, tiêu thụ nhiên liệu quá định mức.
Bước sang năm 2022, dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tăng trưởng toàn cầu đạt 4,9% và thương mại hàng hóa toàn cầu đạt 4% và dự báo GDP Việt Nam khoảng 6%, hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến tiếp tục khởi sắc khi các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, đặc biệt các hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP, ... sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, từ đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh.
Trên cơ sở đó, Tổng Công ty Hàng hải VN xác định một số nhiệm vụ trọng tâm để vận tải biển tiếp đà tăng trưởng. Trong đó, để mở rộng và phát triển hoạt động vận tải container, VIMC sẽ đóng vai trò kết nối với các hãng tàu lớn để tiếp tục triển khai các tuyến, dịch vụ mới tại khu vực và quốc tế.
Đẩy mạnh hợp tác để phát triển thêm hạ tầng cảng thủy nội địa và hệ thống ICD nhằm hoàn thiện tổng thể chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút và tăng trưởng khách hàng, nguồn hàng.
Cùng đó, tăng cường công tác phát triển thị trường, khách hàng, lan tỏa mạnh mẽ văn hóa "Lấy khách hàng làm trung tâm", tận dụng tối đa cơ hội thị trường để nâng cao hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh phát triển dịch vụ chuỗi trên nền tảng hệ sinh thái cảng biển - vận tải biển - dịch vụ hàng hải.