Những con số biết nói trong thảm kịch ở Itaewon
Trong số 154 nạn nhân thiệt mạng ở Itaewon, 2/3 là phụ nữ, 80% là người dưới 30 tuổi và có 26 công dân nước ngoài đã được xác định danh tính.
Ít nhất 154 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương trong một đám đông quá khích tại lễ hội Halloween ở khu phố Itaewon (Seoul, Hàn Quốc) tối 29/10, theo CNN.
Theo các nhân chứng và nhiều chuyên gia, thảm kịch bắt đầu khi số lượng người quá đông đổ dồn về những con hẻm chật hẹp trong khu phố.
G. Keith Still, chuyên gia về an toàn đám đông và là giáo sư thỉnh giảng về khoa học đám đông tại Đại học Suffolk ở Anh, cho rằng đây không phải là một vụ giẫm đạp vì các nạn nhân kẹt cứng trong không gian chật hẹp, không thể di chuyển. Khi một người ngã xuống kéo theo cả đám đông sụp đổ như hiệu ứng domino. Đa số người chết do ngạt thở.
100.000 người trong những con hẻm chật chội
Theo Yonhap, khoảng 100.000 người đã đến Itaewon để tận hưởng lễ hội Halloween tối 29/10. Dòng người tập trung về một con hẻm hẹp và dốc cạnh khách sạn Hamilton, nơi nối liền lối ra ga tàu điện ngầm với khu phố Tây sầm uất.
Nhân chứng tên Moon Ju Young nói rằng từ trước khi vụ việc diễn ra, nhiều người đã dự đoán trước được sự cố do lượng người đến Itaewon đông đúc một cách bất thường. "Đông gấp 10 lần so với bình thường", anh nói với Reuters.
Câu hỏi đặt ra là tại sao số người tham dự lễ hội lại tăng vọt như vậy, nhất là khi Halloween không phải là một dịp lễ quá lớn với người Hàn Quốc. Nhiều người cho rằng sức hút nằm ở chỗ đây là sự kiện giải trí lớn nhất tại xứ kim chi kể từ khi các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được nới lỏng vài tháng trước.
Nhiều người tham dự lễ hội Halloween ở Itaewon bởi vì họ đã bị hạn chế quá lâu, trong suốt 2 năm đại dịch.
Đại đa số những người thiệt mạng và bị thương trong thảm kịch là thanh niên trong độ tuổi 18-30, Choi Seong Beom, người đứng đầu sở cứu hỏa Yongsan, Seoul, cho biết hôm 30/10.
"Itaewon là điểm đến nổi tiếng nhất trong dịp Halloween ở Seoul. Halloween 2022 còn là sự kiện ngoài trời lớn nhất kể từ khi đại dịch bùng phát và các quy định nghiêm ngặt về tụ tập được thực thi. Chính phủ Hàn Quốc đã nới lỏng các hạn chế trong những tháng gần đây và đây là cơ hội lớn đầu tiên để ra ngoài và tiệc tùng cho nhiều người trẻ tuổi", The Washington Post nhận định.
2/3 nạn nhân là phụ nữ
Trong số 154 người tử vong ở Itaewon, gần 2/3 là phụ nữ. Tính đến 31/10, 98 phụ nữ được xác nhận đã thiệt mạng trong vụ chen lấn, so với 56 nam giới.
Khoảng cách giới đáng kể khiến nhiều người tự hỏi tại sao thảm kịch lại gây tử vong cho phụ nữ nhiều hơn nam giới.
Tỷ lệ giới tính của đám đông tại thời điểm xảy ra vụ việc hiện vẫn chưa rõ ràng, nhưng một số chuyên gia y tế cho biết những người có cơ thể nhỏ hơn và thể lực kém hơn sẽ dễ bị thương hơn trong tình huống đám đông dày đặc và quá khích.
Vì hô hấp đòi hỏi sự chuyển động liên tục của cơ hoành và các cơ hô hấp khác, những người có thể chất yếu hơn có thể trở thành nạn nhân khi mọi người bị mắc kẹt bắt đầu chen lấn, xô đẩy vì sự sống còn của chính mình.
Park Jae Sung, giáo sư phòng chống hỏa hoạn và thảm họa tại Đại học Soongsil Cyber, cho biết: "Sức mạnh để chống lại áp lực cũng như khả năng hồi sức của phụ nữ nói chung yếu hơn nam giới, vì vậy đó có thể là lý do có nhiều nạn nhân nữ hơn".
Theo Viện Y tế Hàn Quốc, đàn ông xứ kim chi trung bình cao 170,6 cm và nặng 72,7 kg, trong khi phụ nữ nước này cao trung bình 157,1 cm và nặng 57,8 kg.
Kim Won Young, giáo sư y học cấp cứu tại Trung tâm Y tế Asan, nói rằng mọi người khoanh tay theo bản năng để tạo chỗ thở khi vùng ngực của họ bị áp lực. Điều đó khó khăn đối với những người yếu hơn trong một đám đông.
G. Keith Still, giáo sư khoa học đám đông tại Đại học Suffolk, nói với New York Times rằng nhìn chung phụ nữ có cơ thể nhỏ hơn nhưng phần ngực lớn hơn nam giới. "Nếu có áp lực tác động tại đó, sẽ có nhiều lực đẩy vào trong hơn, gây bất lợi cho phụ nữ".
Ông Still cũng lưu ý rằng đàn ông có nhiều sức mạnh phần trên cơ thể hơn nên có thể tìm cách thoát khỏi tình huống theo đúng nghĩa đen.
Các nhân chứng và lời khai của những người sống sót cho thấy một số nam giới đã có thể thoát khỏi hiện trường vào các cửa hàng liền kề, trong khi phụ nữ không thể.
Hong Ki Jeong, giáo sư y học cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, người tham gia các hoạt động cứu hộ, cho biết hầu hết trường hợp tử vong dường như đều do bị ngạt và ngừng tim. Nói một cách đơn giản, con người bị ngạt thở đến chết, bị đè chặt đến mức không thể thở được.
"Khi các nhân viên cứu hộ đến, hầu hết nạn nhân không còn phản ứng với hô hấp nhân tạo, đã bị ngạt thở dẫn đến tử vong. Nhiều người đã bị tổn thương não do ngạt thở, vì vậy các biện pháp cấp cứu không có nhiều tác dụng".
Giờ vàng để cứu các nạn nhân là trong vòng 5 phút đầu tiên, sau khoảng thời gian này nhiều khả năng xảy ra tổn thương não. Sau 10 phút, tổn thương sẽ trở thành vĩnh viễn. Trong trường hợp ở Itaewon, thời gian quan trọng như vậy đã trôi qua đối với hầu hết nạn nhân vì phải mất rất nhiều thời gian để kéo họ ra khỏi đám đông hỗn loạn.
26 công dân nước ngoài thiệt mạng
Trung tâm cộng đồng Hannam-dong ở quận Yongsan, nơi có hơn 4.442 trường hợp mất tích đã được bạn bè và gia đình báo cáo, đã cung cấp bản dịch tiếng Anh để triệu tập người nước ngoài trong các tình huống khẩn cấp.
Tính đến ngày 31/10, 153 trong số 154 người thiệt mạng tại Itaewon đã được xác định, trong đó có 26 công dân nước ngoài.
Những người thiệt mạng bao gồm 5 người Iran, 4 người Trung Quốc, 4 người Nga, 2 người Mỹ, 2 người Nhật Bản và một công dân Pháp, Australia, Na Uy, Áo, Việt Nam, Thái Lan, Kazakhstan, Uzbekistan và Sri Lanka.
Quá trình nhận dạng cũng không dễ dàng đối với người nước ngoài. 18h chiều 30/10, trụ sở đối phó thảm họa và an toàn trung ương (CDSCH) báo cáo 20 người nước ngoài tử vong, trong khi cảnh sát thông báo con số là 26. Một số người nước ngoài bị nhận dạng nhầm là người Hàn do ngoại hình giống nhau. CDSCH đã sửa chữa số liệu khá muộn.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Park Jin cho biết đang phối hợp chặt chẽ với các đại sứ quán tại Hàn Quốc để liên lạc với gia đình của những công dân nước ngoài đã qua đời. Các đại sứ quán tại Hàn Quốc đang nỗ lực giúp đỡ những người đang tìm kiếm người thân bị mất tích và gia đình nạn nhân.
Keith Yi, người Mỹ gốc Hàn ở Seoul và là trợ giảng tại Đại học Inha, đã đăng hình ảnh của hai nạn nhân Mỹ tại khu tưởng niệm ở ga Itaewon và để lại một bông hoa trắng chia buồn.
Mặc dù không biết các nạn nhân khi còn sống, Yi cho biết anh rất đau lòng trước cái chết của hai người trẻ. Anh cũng có con trạc tuổi họ.
"Itaewon là một nơi rất đặc biệt. Đó là địa điểm đa văn hóa, quốc tế, thu hút rất nhiều người nước ngoài. Tôi cảm thấy rất buồn vì điều này đã xảy ra", Yi nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-con-so-biet-noi-trong-tham-kich-o-itaewon-post1370647.html