Những con số 'biết nói' về công tác dân tộc và tôn giáo
Báo cáo chính trị có tính tổng kết, khái quát cao. Nhưng phía sau những nhận định, đánh giá ngắn gọn, súc tích trong văn kiện là bức tranh khá đầy đủ về kết quả thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của nhiệm kỳ 2020-2025.
Báo cáo chính trị là một trong những văn kiện trung tâm, có ý nghĩa then chốt đối với Đại hội Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030 - bước ngoặt lịch sử trên hành trình phát triển của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo.
Điều này được Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định trong diễn văn khai mạc đại hội sáng ngày 14/7.
“Đại hội Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030 đánh dấu sự khởi đầu nhảy vọt trong tiến trình phát triển công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, tôn giáo; gắn liền với dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên Trung ương thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Y Vinh Tơr trình bày Báo cáo chính trị tại đại hội sáng 14/7. Ảnh: Phạm Hải
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030 là văn kiện được tích hợp từ báo cáo công tác của 3 Đảng bộ: Ủy ban Dân tộc, Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Dân tộc và Tôn giáo.
Vì vậy, văn kiện này đã cơ bản khái quát được công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của 3 cơ quan. Phía sau những nhận định ngắn gọn, súc tích trong văn kiện là bức tranh khá đầy đủ về kết quả thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của nhiệm kỳ 2020-2025.
Đối với Ủy ban Dân tộc, theo văn kiện, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành 13 văn bản, gồm: 2 nghị quyết của Quốc hội, 2 nghị định của Chính phủ, 9 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ban hành theo thẩm quyền 9 thông tư của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; nổi bật là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: 2021-2025 theo Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình MTQG 1719).
Để triển khai chương trình MTQG đầu tiên dành riêng cho đồng bào DTTS, đến nay, đã có 89 văn bản đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng ban hành/trình ban hành.
Trong đó, Ủy ban Dân tộc - cơ quan chủ quản chương trình, đã chủ trì tham mưu trình Thủ tướng ban hành 14 quyết định; chủ trì xây dựng ban hành 5 thông tư, 10 văn bản quy định, hướng dẫn về cơ chế chính sách phục vụ triển khai chương trình.
Thực hiện giai đoạn I, tính đến 31/5, tổng vốn ngân sách trung ương đã giao thực hiện chương trình MTQG 1719 là hơn 89.728 tỷ đồng, đạt 85,5% kế hoạch vốn; trong đó hơn 49.163 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển (đạt 98,3% so với kế hoạch vốn được duyệt) và gần 40.565 tỷ đồng vốn sự nghiệp (đạt 75% so với kế hoạch vốn được duyệt).
Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nguồn lực được bố trí kịp thời, dự kiến đến hết năm 2025, chương trình MTQG 1719 giai đoạn I có 6/9 nhóm mục tiêu cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra. Với 3 nhóm mục tiêu chưa đạt, theo đánh giá của Bộ Dân tộc và Tôn giáo, đây là những nhóm mục tiêu đòi hỏi mức độ tập trung và thời gian thực hiện dài hơn so với nhiều nội dung nhiệm vụ khác.
Đối với Ban Tôn giáo Chính phủ, theo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ nhất, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan tham mưu sơ kết, tổng kết các văn bản của Đảng về công tác tôn giáo và trình Ban Bí thư ban hành 6 kết luận và 1 thông báo trong lĩnh vực tôn giáo.

Đại hội Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030 là bước ngoặt lịch sử trên hành trình phát triển của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo. Ảnh: Lê Anh Dũng
Nhiệm kỳ qua, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tham mưu sơ kết 3 năm thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo; trên cơ sở đó đã đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định 95/2023 thay thế Nghị định số 162/2017; tham gia góp ý sửa đổi các nội dung của Luật Đất đai liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo…
Những nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc và Ban Tôn giáo Chính phủ đang được Bộ Dân tộc và Tôn giáo triển khai sau khi chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/3.
Tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất, Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo đặt mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống đồng bào DTTS, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.