Những con sóng ngôn từ của tác giả Nobel Văn chương 2023 Jon Fosse
Bọc trong trùng điệp những ngôn từ đơn giản, văn chương của Jon Fosse ẩn chứa nhiều tầng nghĩa sâu sắc, gợi nhiều suy tư, chiêm nghiệm.
Đây là nhận định của nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu và Phó đại sứ Na Uy tại Việt Nam Mette Moglestue tại buổi giao lưu "Jon Fosse và những con sóng ngôn từ" diễn ra vào sáng nay tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP.HCM).
Ánh sáng trắng là tác phẩm đầu tiên của tác giả người Na Uy đoạt giải Nobel Văn chương năm 2023 Jon Fosse được xuất bản tại Việt Nam, được đánh giá là tiêu biểu cho "phong cách tối giản Fosse". Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất thuật lại một ngày cuối thu, anh lái xe đến vùng nông thôn, bị mắc kẹt ở cuối con đường dẫn vào rừng, trong khi trời tối dần, tuyết rơi và rồi anh nhìn thấy ai đó giống cha mẹ của mình, và ánh sáng... Với lối viết mộc mạc, gần gũi và bình dị nhất, tác giả kể về trải nghiệm mà ai cũng có thể liên tưởng đến.
Những con sóng ngôn từ trùng điệp, dồn dập
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhận định: Jon Fosse có lối viết đơn giản, ông không sử dụng những ngôn từ hàn lâm. Ông viết những câu như "Tôi thấy cha", "Tôi thấy mẹ" đầy tự nhiên nhưng cái "thấy" của ông không phải là cái thấy của tục nhãn, của mắt trần. Mà đó là thấy quá khứ, thấy dĩ vãng, thấy bằng hồi ức.
"Quá khứ là hiện tại nối dài, Fosse gọi quá khứ về liên tục để quá khứ sống tiếp cái hiện tại". Nhật Chiêu gọi điều này là mối dây nối kết ta và nghìn năm trước. Bằng việc lặp đi lặp lại những câu từ đơn giản như thế, "từ ngữ tối giản tư tưởng thì bao la", Fosse trình hiện ra "một hiện tại trùng phức".
"Fosse dùng ngôn từ đơn giản để truyền đạt những tầng nghĩa tàng ẩn sâu sắc, phức tạp hơn rất nhiều, đào sâu mối quan hệ giữa người với người và giữa con người với tự nhiên", bà Moglestue chia sẻ với Tri thức - Znews.
Trong các sáng tác của Fosse như Trilogy (Ba màn kịch) vẫn thường gồm những cảnh huống nghiệt ngã, những chuyện khổ đau tột cùng của kiếp làm người, nhưng cũng như những bi kịch của các tác gia vĩ đại nhất, ông đưa độc giả đến với trạng thái "catharsis" - một sự gột rửa tâm hồn. "Đọc Fosse là tắm táp, thanh tẩy trong văn chương, trong cái đẹp", nhà văn Nhật Chiêu nói.
Triết lý Đông - Tây hội ngộ
Là một người yêu thích các tác phẩm của Fosse, bà Moglestue bày tỏ rằng các sáng tác của ông, bao gồm Ánh sáng trắng, đều khơi gợi trong bà những kỷ niệm trong trẻo khi được đắm mình trong những cánh rừng hay đứng trước biển cả, trong sự tĩnh lặng để trôi trong dòng suy nghĩ của chính mình. Đây là điều mà một người ở xứ lạnh Bắc Âu sẽ thấy đồng cảm, gần gũi.
Song những áng văn chương lớn thì luôn vượt mọi rào cản biên giới, thời gian và cả ngôn ngữ, văn hóa. Sáng tác của Fosse mượn nhiều hình ảnh, chi tiết từ Kinh thánh, bản thân ông là một tác gia châu Âu, một người Công giáo sùng đạo. "Nhưng văn chương của ông đầy tính 'thiền', gần gũi với triết lý phương Đông, với Phật giáo", nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhận xét.
Về Ánh sáng trắng, nhà văn Nhật Chiêu diễn giải rằng ánh sáng này không mang tính biểu trưng cụ thể cho một hình tượng nào như ánh trăng hay bất cứ gì khác. Ánh sáng ấy ban đầu hoàn toàn bên ngoài chủ thể tự sự, nhưng đến một lúc nào đó nó và "tôi" hòa nhập, như trở thành một.
"Ban đầu anh mang vác nhiều thứ trên người nhưng sau đó anh lột bỏ hết để 'chân không' đi vào chân không". Đó chính là sự buông bỏ để quay về với bản thể thuần nhất, không gồng gánh gì nữa ngoài chính mình.
Bà Mette Moglestue kể rằng Ánh sáng trắng gợi nhiều suy nghĩ về điểm giao nhau, sự chuyển tiếp giữa "sự sống và cái chết". Tác phẩm cũng được nhiều nhà phê bình trên thế giới nhận định là thấm đẫm các giá trị tâm linh.
Phó đại sứ cho biết tại quê hương mình, giống các nước châu Âu khác, tên tuổi của Jon Fosse được biết đến nhiều nhất qua các vở kịch. Nynorsk - ngôn ngữ mà Fosse dùng để sáng tác, là ngôn ngữ viết chính thức thứ hai của Na Uy (khoảng 15% dân số sử dụng chữ viết này, nhưng đa phần người Na Uy đều có thể đọc hiểu). "Giống với tiếng Việt, đó là một ngôn ngữ giàu tính nhạc, đậm chất nghệ thuật và mang âm hưởng thi ca", bà so sánh.
Vì nhiều tác phẩm của Fosse là kịch, hoặc được dựng lại trên sân khấu kịch, bà kỳ vọng rằng một ngày không xa các tác phẩm của ông sẽ được trình diễn tại các sân khấu tại Việt Nam. Việc các tác phẩm của ông đã và đang được giới thiệu đến bạn đọc Việt, theo bà, là một cơ hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Na Uy rất đáng trân quý.