Nghệ thuật múa Lân-Sư-Rồng giúp thu hút du khách
Múa Lân-Sư-Rồng là môn nghệ thuật dân gian có từ lâu đời, gắn liền với đời sống văn hóa, phong tục, tập quán và các dịp lễ hội quan trọng của cộng đồng người Hoa. Cuối tháng 3 vừa qua, loại hình nghệ thuật này đã được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Biểu diễn Lân-Sư-Rồng tại Quận 5, cái nôi của loại hình nghệ thuật này tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh HOÀNG VIỆT TRUNG)
Để điệu múa Lân-Sư-Rồng hấp dẫn người xem, đầu tiên hình hài phải đẹp; đầu Lân, Sư, Rồng khi chế tác phải được chế tạo công phu, tỉ mỉ, có loại có sừng, có loại không sừng, thân thì hoàn toàn bằng vải với những họa tiết thêu đẹp mắt.
Nghệ nhân múa Lân-Sư-Rồng cũng phải có kỹ năng điêu luyện thì mới có thể truyền đạt được cung bậc cảm xúc trong khi múa: Hỉ, nộ, ái, ố, động, tịnh, kinh, nghi, thị, tỉnh. Riêng múa Rồng còn đòi hỏi những nghệ nhân cần phải biết phối hợp nhịp nhàng với nhau để thể hiện được những động tác thống nhất đồng bộ khi Rồng uốn lượn, đảo quanh, phóng lượn. Bởi không giống như múa Lân và múa Sư chỉ cần hai người, múa Rồng là sự kết hợp của nhiều người.
Theo một nghệ nhân cao niên, chỉ riêng múa Lân, mỗi môn phái có mỗi cách múa riêng, cách thể hiện riêng. Có môn phái múa mô phỏng theo con hổ hoặc con báo (cách múa "hổ báo hình"). Có môn phái lại chọn miêu hình (hình dáng con mèo) làm cơ bản. Có môn phái khác lại chọn cách múa Hạc Sơn hình, một kiểu múa của người ở Hạc Sơn (Trung Quốc)…
Thế nhưng những động tác cơ bản của múa Lân như: Lân móc chân (hai hoặc nhiều con lân móc chân lại với nhau), Lân nhảy lên đùi (người sau cho người đầu đứng lên đùi), Lân nhảy lên mừng (người sau cho người đầu đứng lên đùi), Lân nhảy lên đầu (người sau cho người đầu ngồi lên đầu), Lân kẹp bụng (người sau cho người đầu kẹp hai chân qua bụng), Lân đứng lên vai (người sau cho người đầu đứng lên vai)… luôn thu hút người xem; chưa kể những động tác khó như Lân leo cột, Lân đi Hoa Mai Thung…
Nói đến nghệ thuật trình diễn Lân-Sư-Rồng, không thể không nhắc đến vai trò của các hội quán người Hoa, các đoàn nghệ thuật và các nghệ nhân người Hoa, nhất là Liên đoàn Lân-Sư-Rồng Thành phố Hồ Chí Minh.
Liên đoàn đã thực hiện nghiên cứu, khảo sát, tư liệu hóa về lịch sử, nguồn gốc, các kỹ thuật biểu diễn, trang phục, đạo cụ và các yếu tố văn hóa liên quan đến Lân-Sư-Rồng; thu thập, ghi hình, chụp ảnh và lưu trữ các tư liệu về các buổi biểu diễn, các nghệ nhân, các câu lạc bộ và các sự kiện nhằm giới thiệu và bảo tồn loại hình nghệ thuật này.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lân-Sư-Rồng thành phố Nguyễn Ngọc Tú cho biết, Liên đoàn được thành lập năm 2020, hiện có 129 hội viên. Liên đoàn là nơi quy tụ, tập hợp, đoàn kết các đoàn múa lân của cộng đồng người Hoa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Liên đoàn tổ chức các lớp huấn luyện nghiệp vụ về bộ môn nghệ thuật-võ thuật này; phối hợp cùng các đơn vị tổ chức các giải thi đấu… Trong năm 2024, Liên đoàn còn tổ chức tham quan trao đổi và học tập kinh nghiệm với Học viện Thể dục Thể thao Quảng Châu (Trung Quốc) về chương trình liên kết dài hạn đào tạo thạc sĩ, cử nhân; đào tạo huấn luyện viên, trọng tài;… phục vụ cho kế hoạch phát triển lâu dài bộ môn Lân-Sư-Rồng tại thành phố.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 5 Nguyễn Võ Xuân Kỳ, trên thực tế, nhiều năm qua, Quận 5 đã có sản phẩm du lịch văn hóa địa phương Lân-Sư-Rồng mang tên "Về Chợ Lớn xem múa Lân" để đón tiếp người dân đến với các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và tinh hoa văn hóa ẩm thực, thu hút đông đảo khách quốc tế và trong nước đến tham quan, thưởng thức biểu diễn. Ðây là chương trình văn hóa độc đáo và đầy màu sắc, được tổ chức định kỳ mỗi tháng không chỉ phục vụ đời sống tinh thần cho người dân địa phương mà còn mang đến một không gian trải nghiệm nghệ thuật truyền thống thú vị cho du khách. Từ năm 2023-2025, chương trình đã phát triển thành một sản phẩm du lịch định kỳ, được tích hợp vào tour của các công ty lữ hành, trở thành một điểm nhấn đẹp trong hành trình khám phá Thành phố Hồ Chí Minh.
Với hơn 9.000 lượt khách tham gia (tính đến tháng 11/2024), "Về Chợ Lớn xem múa Lân" từng bước khẳng định vai trò là một sự kiện văn hóa tiêu biểu của thành phố, đưa Quận 5 trở thành điểm đến nổi bật và đặc sắc, thu hút du khách quốc tế và tạo nên ấn tượng văn hóa độc đáo trong lòng du khách.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nghe-thuat-mua-lan-su-rong-giup-thu-hut-du-khach-post870751.html