Những cống hiến thầm lặng chốn học đường

PTĐT - Nói đến những con người trong một môi trường sư phạm, ta thường nghĩ đến các thầy, cô dạy cho học sinh từng con chữ. Nhưng ít ai nghĩ đến, cũng dưới mái trường, luôn có những con người thầm lặng, ...

PTĐT - Nói đến những con người trong một môi trường sư phạm, ta thường nghĩ đến các thầy, cô dạy cho học sinh từng con chữ. Nhưng ít ai nghĩ đến, cũng dưới mái trường, luôn có những con người thầm lặng, đóng góp rất nhiều để có một môi trường giáo dục sạch đẹp, để những ngày đi học của con trẻ được vui và khỏe. Tại trường Phổ thông Chất lượng cao Hùng Vương (thành phố Việt Trì) đó là những con người đang làm công việc lao công, nấu ăn – những “người thầy” không đứng trên bục giảng.

Khi được hỏi về kỉ niệm đáng nhớ trong học kỳ đầu tiên tại ngôi trường mới, em Đỗ Thị Thùy Dương, học sinh lớp 6D, trường Phổ thông Chất lượng cao Hùng Vương đã chia sẻ câu chuyện về một bác lao công mà em chưa kịp biết tên, đã dạy cho em nhiều điều bổ ích. Đó là vào một lần bác lao công đang làm việc ngoài hành lang lớp học, có nhóm bạn mải nô đùa mà không để ý những vết chân của mình đã dây bẩn khắp hành lang mà bác đang lau dở. Những tưởng bác sẽ giận lắm, nhưng bác chỉ mỉm cười nhẹ nhàng và nhắc nhở đừng chạy nhảy trên hành lang vừa nguy hiểm lại dễ trơn trượt. Bác còn dặn thêm: Nếu thấy người lớn đang lau dọn, thì nhớ tránh ra chỗ khác bởi chỗ vừa lau còn ướt sẽ dễ ngã, cũng dễ dây bẩn khiến người khác phải lau lại. Qua việc đó, Dương bắt đầu biết để ý đến mọi việc hơn, nhất là có thói quen quan sát sự cẩn thận, tỉ mỉ trong công việc của các cô bác lao công để nhắc nhở các bạn cùng giữ gìn vệ sinh chung, cũng là không phụ công sức họ.

Bác lao công mà Dương chưa biết tên ấy, là một trong 6 người đảm nhận công tác tạp vụ trong nhà và cảnh quan của trường. Với độ tuổi từ 30-50 tuổi, các cô bác lao công trong bộ đồng phục màu vàng luôn xuất hiện ở mọi nơi trong khuôn viên trường học, đảm bảo cho các học sinh có một môi trường học tập sạch, đẹp nhất. Họ làm việc từ khi chưa có giáo viên hay học sinh đến lớp và ra về khi cả trường đã tan học. Chị Nguyễn Thị Thu Dung, nhân viên tạp vụ của trường chia sẻ: “Gắn bó với ngôi trường từ khi mới thành lập, ngay từ đầu mình đã xác định làm việc ở đây sẽ vất vả hơn những nơi khác bởi quy mô rộng lớn của nhà trường và số lượng học sinh nhiều, nhưng khi làm việc thì không phải vậy, các em rất có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, nhất là trong lớp học. Ngoài ra cũng rất lễ phép, đôi khi còn trò chuyện, hỏi han xem mình có cần giúp đỡ gì không”.

Cùng chung suy nghĩ đó với chị Dung, cô Châu Thị Lan – phụ bếp của trường đã rất vui và phấn khởi khi hàng ngày được chăm lo bữa cơm trưa cho các em học sinh để các em có sức khỏe tốt cho học tập. Cô chia sẻ: “Nhìn những đứa trẻ vui vẻ ăn hết suất cơm trưa do mình chuẩn bị, rồi lại tràn đầy năng lượng sau những giờ học tập vất vả, tôi thấy công sức mình bỏ ra, tâm huyết trong từng món ăn thật rất đáng.”

Ngoài niềm vui và phấn khởi, câu chuyện nhỏ dưới đây của em Nguyễn Hải Long, đang theo học lớp 10B tại trường có lẽ sẽ khiến cô và những người đang làm công việc nấu ăn trưa cho học sinh tại trường thấy cảm động. Đó là vào một ngày đầu năm học, khi chưa bắt kịp được nhịp độ của một năm học mới, Long hơi mệt và đã có ý định bỏ dở suất ăn trưa của mình. Nhưng khi nhìn qua ô cửa sổ của căn bếp, em bắt gặp hình ảnh cô, bác nấu bếp sau khi chuẩn bị xong bữa ăn cho ca này lại tất bật nấu nướng để kịp ca ăn sau. Em chợt nghĩ, các cô chú làm việc từ sáng sớm đến giờ trong gian bếp nóng nực, đầy dầu mỡ, chỉ để cho em một bữa cơm đủ dinh dưỡng, vậy mà chỉ vì một chút mệt mỏi mình bỏ phí thức ăn, cũng là bỏ phí bao tâm sức của các cô các bác. Em cũng kể câu chuyện này với các bạn cùng lớp và muốn các bạn cùng trân trọng mỗi bữa ăn giống như em, cũng là trân trọng công sức của các cô, các bác đầu bếp.”

Trường học là nơi dạy kiến thức, tuy nhiên có rất nhiều bài học lại không đến từ thầy, cô giáo. Thầy Bùi Gia Nội - Hiệu trưởng trường Phổ thông Chất lượng cao Hùng Vương cũng đồng tình với quan điểm đó: “Việt Nam là một đất nước có truyền thống trọng thầy trọng chữ, trong suốt quá trình lịch sử, người thầy luôn được xã hội coi trọng và đề cao. Ông cha ta có câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nhưng hai chữ “tự” và “sư” đến nay cũng đã cần thay đổi. Có những người không dạy chữ, nhưng dạy cách sống đẹp, cách cư xử hay thì cũng rất xứng đáng để ta học tập. Tại trường Phổ thông Chất lượng cao Hùng Vương, việc học chữ luôn được trú trọng và học làm người luôn được đề cao. Chính bởi vậy, chúng tôi luôn tâm niệm, đã làm trong môi trường giáo dục, dù là những người lao động chân tay hay trí óc đều phải có nhân cách tốt, lối sống lành mạnh, thái độ sống tích cực, đó chính là những tấm gương cho học sinh, kính trọng, noi theo. Và sự kính trọng này là bài học mà không phải trong sách vở nào cũng có.”

Phương Thúy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/201911/nhung-cong-hien-tham-lang-chon-hoc-duong-168015