Những công nghệ nào quan trọng nhất trên xe hơi hiện đại?
Những công nghệ an toàn này thường xuất hiện trên các mẫu xe hạng sang, giờ đây đã được mang xuống các phân khúc thấp hơn.
Để đảm bảo an toàn cho tài xế, giảm tối đa những nguy cơ xảy ra va chạm và chấn thương, các nhà sản xuất ôtô đã trang bị trên những mẫu xe của mình nhiều công nghệ an toàn. Một vài trong số đó có thể kể đến như: hệ thống kiểm soát hành trình chủ động, tự động phanh khẩn cấp, cảnh báo chệch làn đường, cảnh báo điểm mù... Những công nghệ an toàn này thường xuất hiện trên các mẫu xe hạng sang, giờ đây đã được mang xuống các phân khúc thấp hơn.
Đối với những người đã sử dụng xe lâu năm, các công nghệ an toàn trên đã không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, không phải tài xế mới nào cũng hiểu rõ về tác dụng và cách thức hoạt động của các tính năng này. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các công nghệ an toàn hữu ích thường được trang bị trên các mẫu xe.
Hệ thống kiểm soát hành trình Cruise Control
Cruise Control là chức năng điều khiển ga tự động trên đường trường. Cruise Control cho phép các tài xế cài đặt tốc độ di chuyển của xe theo ý muốn mà không phải đạp chân ga, nhằm giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi khi di chuyển trên những cung đường dài.
Mỗi mẫu xe sẽ được thiết kế nút bấm khởi động Cruise Control ở các vị trí khác nhau. Thông thường, Cruise Control sẽ thường được kích hoạt bằng nút bấm ngay phía trên vô lăng, cần gạt sau vô lăng hoặc nút bấm điều khiển trên bảng taplo, gần hệ thống điều khiển trung tâm.
Để cài đặt tốc độ mong muốn cho xe, tài xế sử dụng các nút SET+ hoặc SET- để tăng hoặc giảm tốc độ của hệ thống ga tự động. Trong trường hợp gặp chướng ngại vật, chỉ cần nhấn phanh, Cruise Control sẽ tự động tắt. Tương tự như vậy, khi cần vượt xe khác cũng chỉ cần đạp ga, xe sẽ tăng tốc sau đó trở về tốc độ đã cài đặt. Nút RES sẽ giúp chiếc xe trở lại tốc độ đã được cài đặt sẵn của hệ thống Cruise Control, trong khi nút Cancel là để dừng kích hoạt chức năng này.
Khi Cruise Control được kích hoạt, ECU sẽ tự động tính toán được lượng xăng, ga phù hợp và tối ưu nhất so với tốc độ đã cài đặt, giúp tiết kiệm xăng đáng kể so với việc tài xế tự chủ động tăng giảm chân ga.
Ngoài ra, trên một số mẫu xe hiện đại còn được trang bị công nghệ kiểm soát hành trình chủ động (Adaptive Cruise Control), hệ thống này không những cho phép tài xế cài đặt tốc độ di chuyển của xe theo ý muốn, mà còn có khả năng tự giảm tốc khi gặp chướng ngại vật phía trước và tăng tốc trở lại khi đường thoáng. Hệ thống này được hoạt động thông qua cảm biến và radar gắn phía trước đầu xe để quét khoảng cách và xác định vật cản. Đây là một công nghệ nâng cấp và hữu ích hơn so với Cruise Control thông thường.
Phanh tự động khẩn cấp - Automatic Emergency Braking (AEB)
Hệ thống phanh tự động khẩn cấp AEB là hệ thống an toàn có khả năng ngăn chặn một vụ tai nạn từ phía sau hoặc giảm thiểu tốc độ va chạm từ phía trước. Hệ thống này đang ngày càng trở nên phổ biến và đã được trang bị trên rất nhiều mẫu xe, bao gồm cả các dòng xe phổ thông. Một số nước trên thế giới đã coi AEB là trang bị bắt buộc trên các mẫu xe mới bán ra thị trường.
Phanh tự động khẩn cấp AEB hoạt động dựa trên cảm biến radar, laser hoặc camera để giám sát các nguy cơ và phát hiện tiềm năng va chạm với xe khác, người đi bộ hoặc các mối nguy hiểm.
Khi xảy ra tình huống bất ngờ, hệ thống sẽ cảnh báo thông qua màn hình hiển thị, giọng nói hoặc rung tay lái, đồng thời giúp tài xế phanh xe với một lực tối đa. Trong trường hợp phát hiện nguy hiểm, phanh khẩn cấp AEB có thể tự động phanh xe một cách độc lập để tránh va chạm.
Hệ thống AEB có thể chia làm 3 loại chính, tùy thuộc vào mỗi mẫu xe sẽ được trang bị các phiên bản khác nhau, hoặc cả 3 phiên bản, bao gồm:
Hệ thống tốc độ thấp: Thường được sử dụng khi lái xe trong thành phố, với phiên bản này, cảm biến radar có thể quét trong phạm vi từ 8-10 m, có khả năng ngăn ngừa va chạm khi xe chạy ở tốc độ từ 30-50 km/h.
Hệ thống tốc độ cao: Phiên bản này thường sử dụng radar tầm xa có thể phát hiện xe khác ở phía trước cách xa 200 m ở tốc độ 80 km/giờ.
Hệ thống tránh va chạm với người đi bộ: Phiên bản này sử dụng camera kết hợp với radar nhằm phát hiện người đi bộ thông qua hình dáng và đặc điểm. Bằng cách tính toán tốc độ, xe sẽ xác định xem có mối nguy hiểm xảy ra không.
Cảnh báo chệch làn đường/Hỗ trợ giữ làn - Lane Departure Warning/Lane Keep Sytem
Cảnh báo chệch làn đường và hỗ trợ giữ làn là hai thuật ngữ để chỉ công nghệ giúp tài xế tập trung vào việc giữ cho chiếc xe không băng qua làn đường khác. Hệ thống cảnh báo chệch làn đường báo hiệu người lái biết khi chiếc xe chạy lấn sang làn đường khác, trong khi hỗ trợ giữ làn đường giúp người lái giữ cho chiếc xe không rời khỏi làn đường.
Hệ thống cảnh báo chệch làn đường sử dụng các radar và camera gắn ở đầu xe để phát hiện phần dải phân cách màu trắng hoặc vàng. Trong trường hợp xe chạy đè lên các dải phân cách này mà không có tín hiệu xi-nhan, hệ thống sẽ cảnh báo tài xế thông qua hình ảnh, âm thanh hoặc rung nhẹ vô lăng…
Cũng dựa vào các radar và camera nói trên, hỗ trợ giữ làn lại có khả năng tác động nhẹ vào vô lăng trong trường hợp các tài xế điều khiển xe đi lệch khỏi phần dải phân cách, nhằm giữ chiếc xe luôn đi đúng trong làn đường cho phép.
Khi lái xe chủ động bật đèn xi-nhan hoặc tăng tốc để vượt xe khác, hai hệ thống này sẽ tạm ngắt.
Đây là hệ thống an toàn hữu ích cho các tài xế, tuy nhiên vẫn còn khá nhiều hạn chế bởi khả năng nhận diện làn đường sẽ không hoàn toàn chính xác trong những trường hợp thời tiết xấu, khi di chuyển trên các tuyến đường đang thi công hoặc vạch kẻ phân làn bị mờ.
Cảnh báo điểm mù - Blind Spot Detection
Điểm mù là những vùng không gian bên ngoài xe bị che khuất và không nằm trong tầm nhìn của tài xế. Điều này gây ra những nguy hiểm khi tài xế chuyển làn, rẽ ở ngã tư hoặc đưa xe vào bãi đỗ.
Chính vì vậy mà các nhà sản xuất ôtô đã nghiên cứu và cho ra đời hệ thống cảnh báo điểm mù, nhằm giúp các tài xế nhận biết được các phương tiện hay chướng ngại vật nằm khuất tầm quan sát.
Hệ thống này hoạt động dựa trên các cảm biến gắn quanh thân xe, và cảnh báo tài xế thông qua tín hiệu trên gương chiếu hậu. Đối với những mẫu xe cao cấp hơn, cảnh báo sẽ được thể hiện bằng âm thanh, rung vô lăng hoặc hiển thị trên màn hình trung tâm.
Hệ thống này đặc biệt hữu ích đối với những mẫu xe có kích thước lớn, có nhiều điểm mù hoặc đối với những tài xế thường dành nhiều thời gian di chuyển trên cao tốc. Với những tài xế mới, việc kiểm soát khu vực điểm mù của xe còn hạn chế, thì cảnh báo điểm mù thực sự hữu ích.