Những công nghệ ô tô tiên tiến nhưng không có 'đất sống' ở Việt Nam
Có những công nghệ ô tô tiên tiến trên thế giới nhưng khi về Việt Nam lại bị tháo bỏ do không phù hợp với điều kiện thời tiết, giao thông.
Hệ thống treo khí nén điện tử (Electronic Air Suspension - EAS)
Khi ô tô chuyển động trên đường không bằng phẳng, xe thường chịu tải trọng dao động do bề mặt đường mấp mô sinh ra. Những dao động này ảnh hưởng xấu tới tuổi thọ của xe và đặc biệt là gây cảm giác không thoải mái đối với người ngồi trong xe.
Ra đời từ năm 1950, Hệ thống treo khí nén điện tử (EAS) được coi là bước cải tiến mạnh mẽ của hệ thống treo. Hiện nay các hãng xe cao cấp đang và đã nghiên cứu phát triển EAS có thể kể đến như Lexus, Audi, BMW, Mercedes-Benz…
Thay thế các bộ phần đàn hồi lò xo và nhíp lá là hệ thống khí nén (bóng hơi cao su) tiên tiến. Hệ thống này giúp người lái chủ động điều chỉnh độ cao thấp của khung gầm, độ cứng bộ phận đàn hồi tùy thuộc vào chế độ lái và mặt đường di chuyển.
Hiện đại như vây nhưng khi được trang bị tại thị trường Việt Nam, hệ thống này đang vấp phải nhiều vấn đề. Với môi trường bụi bẩn và hạ tầng giao thông, mặt đường chất lượng kém thì EAS gặp rất nhiều lỗi.
Các lỗi thường gặp là thủng bóng hơi khí nén, tắc van chia hơi, hỏng bơm chia khí nén và rất nhiều lỗi khác liên quan tới hệ thống.
Nguyên nhân chính là do điều kiện thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao đẩy nhanh quá trình lão hóa cao su khiến những chi tiết này nhanh chóng bị hư hỏng. Một nguyên nhân khách quan khách tới từ bên “thứ ba” là do chuột chui vào khoang động cơ và cắn phá làm hệ thống gặp lỗi.
Chi phí sửa chữa và thay thế cao khiến nhiều chủ xe “đau ví” mỗi khi hệ thống gặp hư hỏng. Theo một chủ xe Mercedes-Benz C300, chi phí thay thế các bộ phận treo khí nén gồm những chi tiết bóng hơi, giảm chấn, cụm chia hơi, bơm nâng hạ gầm và những chi tiết liên quan khác có thể lên tới 250 triệu đồng.
Với những nhược điểm trên, không ít chủ xe đã chọn “cải lùi” cho chiếc xe của mình. Trao đổi với anh Tùng, chủ một gara chuyên sửa chữa dòng xe châu Âu có địa chỉ tại Hà Nội, hiện nay một số chủ xe có trang bị hệ thống treo khí nén đã lựa chọn chuyển đổi về hệ thống treo lò xo với mục đích tiết kiệm chi phí và độ bền cao.
Bước “cải lùi” này không chỉ xuất hiện ở người tiêu dùng mà ngay chính hãng xe cũng nhận thấy và thực hiện. Đơn cử là trường hợp của những chiếc Mercedes-Benz C300 và GLC300.
Những phiên bản đời 2016-2019 được trang bị treo khí nén nhưng nhận thấy sự không phù hợp với môi trường, đường sá Việt Nam nên bắt đầu từ năm 2020, Mercedes-Benz đã quyết định trang bị treo lò xo thích ứng cho những mẫu xe trên.
Chống ồn hốc bánh xe
Chỉ số tiếng ồn là một tiêu chí chọn xe của nhiều người tiêu dùng. Vì vậy các hãng luôn tìm cách cải thiện chất lượng cách âm cho sản phẩm. Một trong những tiếng ồn khó xử lý là tiếng lốp xe tiếp xúc với đường dội vào khoang lái.
Để khắc phục tình trạng này, nhiều hãng xe đã trang bị lòng vè ốp cua lốp với chất liệu là nỉ để đảm bảo độ cách âm tốt nhất. Hiện nay, chi tiết này thường có trên những mẫu xe sang như Lexus, Audi, BMW, Mercedes-Benz hoặc những mẫu xe phổ thông cao cấp như Hyundai SantaFe, Vinfast LuxA 2.0…
Nhưng điều này lại không phù hợp với thời tiết nhiệt đới của Việt Nam. Những cơn mưa hay những ổ gà chứa đầy nước đã vô tình làm cho chi tiết này lúc nào cũng ẩm ướt. Dẫn đến tình trạng bốc mùi và gây hư hỏng cần phải thay thế.
Nhiều chủ xe đã chọn cải lùi là hóa cứng lòng vè cua lốp. Với việc này thì chi tiết sẽ trở nên hóa nhựa giúp chống nước tốt hơn và bền hơn. Nhưng điều này đã đi ngược lại hoàn toàn mục đích của nhà sản xuất và làm mất tác dụng của nó.
Tuy nhiên để tiết kiệm chi phí thay thế, vẫn có rất nhiều khách hàng chọn phương án “cải lùi” như trên.
Cửa sổ trời toàn cảnh Panorama
Vốn chỉ được trang bị trên các xe sang, hiện nay đã có rất nhiều xe phổ thông đã được trang bị hệ thống này, có thể kể đến như Hyundai Tucson, Kia Sorento, Kia Carnival, Hyundai SantaFe…
Với mong muốn đem lại sự tiện nghi và sang trọng, nhiều chủ xe đã lựa chọn trang bị này cho xế cưng của mình. Nhưng sau một thời gian sử dụng đã ngao ngán về nó.
Thời tiết Việt Nam vào những ngày hè, nhiệt độ ngoài trời có thể lên tới 40 độ C, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chiếc xe. Lý do bởi cửa sổ trời toàn cảnh gây nên hiệu ứng nhà kính, khiến nhiệt độ trong xe có thể lên tới 60 độ C. Điều này gây sự khó chịu cho người lái và làm giảm hiệu quả của hệ thống điều hòa gây hao tốn nhiên liệu.
Chưa kể là vào mùa mưa, khói bụi gây tắc rãnh thoát nước, nước mưa không thoát kịp đã ngấm ngược vào trong xe khiến chiếc xe vô tình bị ngập nước.
Có trường hợp của anh B.V.Đ (Hà Đông, Hà Nội), khi di chuyển xe để thông thoáng anh đã mở cửa sổ trời, nhưng khi ra khỏi xe thì quên đóng lại. Không may hôm đó trời mưa và xe bị nước mưa làm ướt nội thất. Sau đó, chủ xe đã phải chi một khoản khá lớn để dọn nội thất. Ngoài ra, nước mưa còn làm ảnh hưởng xấu tới chất lượng nội thất xe.
Nhiều người tiêu dùng sau khi sử dụng một thời gian thì chuyển từ yêu thích thành lo lắng vì độ phiền phức của cửa sổ trời toàn cảnh. Không ít trong số đó đã lựa chọn bịt kín hệ thống này.
Nhìn chung, môi trường đô thị và hạ tầng giao thông, đường sá Việt Nam có những điểm đặc thù nhất định, nên nhiều mẫu xe dù trang bị các tính năng công nghệ tiên tiến nhưng bị “cải lùi” đang dần trở nên phổ biến.