Những công trình bằng tre độc lạ nổi tiếng thế giới
Tre nứa nhiều năm qua là nguồn cảm hứng cho nhiều kiến trúc sư quốc tế tạo hình và thiết kế. Tạp chí kiến trúc Dezeen đã chọn ra 10 công trình bằng tre độc đáo, trong đó có đại diện của Việt Nam.
Arc at Green School
Đây là dự án mới nhất nằm trong khuôn viên của ngôi trường tư nhân Green School ở Bali, Indonesia, do công ty kiến trúc Ibuku thiết kế và mất 8 tháng để hoàn thành. Công trình sử dụng vật liệu tre mang đến những góc nhìn ấn tượng và trở thành một tài liệu tham khảo cho cấu trúc nhẹ hoàn toàn trong kiến trúc cũng như xây dựng.
Arc được xây dựng từ một loạt các vòm tre cao 14 mét giao nhau, kéo dài tới 19 mét và được kết nối với nhau bằng các tấm lưới chống đàn hồi uốn cong theo hai hướng ngược nhau tạo ra sức mạnh của vật liệu. Nơi này hứa hẹn sẽ là không gian dành cho mục đích chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng tập thể dục.
Mái che “Impression Sanjie Liu”
Những người thợ thủ công địa phương tại Trung Quốc đã tạo nên một mái che dài 140 m bằng tre được thiết kế bởi công ty kiến trúc Illab cho buổi trình diễn ánh sáng "Impression Sanjie Liu" ở Li Giang (Dương Sóc, Trung Quốc). Nhìn từ xa công trình này như đang lơ lửng trong không khí cho thấy sự kết hợp tuyệt vời giữa nghệ thuật kiến trúc với cảnh sắc thiên nhiên ngoạn mục của vùng núi đá vôi.
Nhà thi đấu thể thao ở Panyaden (Thái Lan)
Địa điểm này được xem là nét nổi bật trong ngôi trường quốc tế của xứ sở chùa vàng với chất liệu hoàn toàn bằng tre và mang thiết kế theo hình ảnh hoa sen cách điệu đại diện cho Phật giáo ở Thái Lan.
Giàn tre đúc sẵn dài 17m của công trình không cần đến những thanh thép để gia cố nhưng vẫn đảm bảo được độ vững vàng nhờ đáp ứng các tiêu chuẩn trong xây dựng. Vì vậy, nhà thi đấu có thể chịu được gió lốc và động đất thường xuyên xảy ra ở địa phương.
Lều tre ở Đài Loan
Zuo Studio đã thiết kế công trình này với cảm hứng từ dãy núi trung tâm của Đài Loan (Trung Quốc) để chứng minh cách vật liệu xây dựng các-bon thấp có thể mang lại "một môi trường dễ sống hơn cho thế hệ tiếp theo của chúng ta".
Căn lều được tạo thành từ tổng số 320 cây tre, trong đó các thanh tre Moso dày, rỗng được kết nối qua các đoạn tre Makino đan xen nhỏ hơn. Vật liệu xanh của công trình tạo cảm giác cho du khách như đang đi bộ trong rừng tre.
Vòng tre của Kengo Kuma
Kiến trúc sư Kengo Kuma đã mô tả tre là "vật liệu của tương lai" và kết hợp nó với sợi carbon để tạo ra một cấu trúc tự hỗ trợ, có độ bền cao được lắp đặt tại V&A for London Design Festival 2019.
Theo Kuma, kiểu xây dựng này có thể giúp tạo ra những tòa nhà có khả năng chống chọi với các thảm họa thiên nhiên như trận động đất ở Đông Nhật Bản năm 2011. "Đây là một công trình mới mà chúng tôi có thể cố gắng mang lại cho thành phố", ông nói với Dezeen.
Rising Canes
Đây là hệ thống kết cấu hoàn toàn làm từ tre cùng sợi mây được thiết kế bởi công ty kiến trúc Penda và trình diễn ở tuần lễ thiết kế 2015 tại Bắc Kinh. Không bu lông hay đinh ốc nào, kể cả các liên kết, công trình được làm hoàn toàn từ vật liệu tái chế là tre và dây mây liên kết chúng lại, nên các thanh tre có thể tái sử dụng sau khi công trình được dỡ bỏ.
Điểm nhấn của công trình chính là hệ thống vườn treo trên kết cấu chính, khuyến khích người xem gieo những hạt giống và sau đó sẽ dùng kết cấu của công trình tạo ra một khu vườn trên cao. Đó cũng chính là thông điệp của công trình: “khiến thế giới xanh hơn”.
Mái che của Toshiko Mori
Công trình này là một tấm che nhấp nhô bao phủ và gấp lại trên các tòa nhà quét vôi trắng của trung tâm văn hóa ở Senegal, do kiến trúc sư Nhật Bản Toshiko Mori thiết kế. Cấu trúc tre linh hoạt của nó giúp tạo ra một sự tái hiện hiện đại, uyển chuyển của mái tranh truyền thống, bao quanh khu vực ngoài trời.
Nhà hát Hardelot
Nhà hát Hardelot được thiết kế bởi studio Andrew Todd. Các cọc tre cao mười hai mét bao quanh công trình hình trụ gần Calais (Pháp), tạo ra bề ngoài giống như một cái lồng và hoa văn tỏa ra từ mái nhà của nó.
Cấu trúc lưới này được phản chiếu trong tấm gỗ lát của nhà hát và mang thiết kế gợi nhớ đến Nhà hát Globe của Shakespeare thời trung cổ cũng như các ngôi đền ở Nhật Bản. Đây cũng là tòa nhà đầu tiên ở Pháp sử dụng tre làm vật liệu ốp tường.
Nhà hàng Vedana
Nhà hàng Vedana là trung tâm của khu phức hợp nghỉ dưỡng Vedana, được xây dựng tại bìa rừng Cúc Phương.
Mái nhà cao chót vót của nhà hàng Vedana dường như được hình thành từ ba lớp giằng chống bằng tranh, nhưng thiết kế vòm này thực chất là một cấu trúc duy nhất tạo ra bởi 36 khung tre, cao 16 m và diện tích bằng mái hơn 1.000 m2.
Sự thật này chỉ được tiết lộ ở bên trong, nơi các thanh giao nhau để lộ ra ngoài và tạo thành một mô hình “mandala” xoắn ốc trên trần hang lấy cảm hứng từ kiến trúc truyền thống Việt Nam.
Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa cho biết: “Không dễ để tạo ra những không gian đẹp bằng cách sử dụng tre vì đây là vật liệu không đồng đều nên chúng tôi cố gắng kiểm soát độ chính xác của công trình bằng cách áp dụng đúc sẵn khung đơn.”
Đền Luum
Luum được xem như một nơi thực hành Yoga nằm trong khu rừng nhiệt đới Tulum. Công trình hình thành từ năm mái vòm đan với nhau bằng một cấu trúc hình tam giác và được kết dính bởi hai lớp lưới để tạo ra một tổng thể có khả năng chống lại những cơn gió mạnh ở ven biển Mexico.
Văn phòng thiết kế CO-LAB cho biết: “Do tre hấp thụ carbon trong chu kỳ thu hoạch nhanh chóng và tỷ lệ độ bền trên trọng lượng cao nên là vật liệu bền vững hàng đầu với những tiềm năng đáng kinh ngạc”.
Dự án là biểu tượng cho sự phát triển bền vững khi kết hợp giữa nét hiện đại và vật liệu hữu cơ truyền thống.