Những công trình cấp thiết được triển khai kiểu... rùa bò

Thông tin về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm giai đoạn 2021-2025, ngày 9/5 vừa qua ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (Ban dân dụng và công nghiệp) cho biết tình trạng chậm tiến độ, chậm giải ngân vốn trong đầu tư những công trình, dự án cấp thiết vẫn đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh…

Để phục vụ điều trị cho người dân trước tình trạng bệnh viện các tuyến đồng loạt bị quá tải trong nhiều năm qua, ngày 19/9/2023 HĐND TP Hồ Chí Minh đã ra nghị quyết phê duyệt Dự án mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức. Thời gian, tiến độ thực hiện dự án được HĐND thành phố “chốt” trong giai đoạn 2023-2025 với tổng mức đầu tư hơn 1.450 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.

Số vốn trên đã được bố trí đủ từ nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025, nhưng phải hơn 1 năm sau, ngày 8/11/2024 UBND thành phố mới có thể phê duyệt dự án mua sắm này. Ngày 18/11/2024, UBND thành phố tiếp tục có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, ngày 25/4 vừa qua kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã phải điều chỉnh. Sau đó Ban dân dụng và công nghiệp đưa ra kế hoạch rà soát cấu hình và tính năng kỹ thuật chi tiết trang thiết bị thuộc dự án. Nhưng hiện còn phải phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn chỉnh hồ sơ mời thầu để phát hành trước ngày 25/5.

Đánh giá về việc thực hiện dự án mua sắm trang, thiết bị y tế này, ông Nguyễn Văn Trường thừa nhận chậm tiến độ và nêu ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công tác rà soát, thống nhất cấu hình, tính năng kỹ thuật cần nhiều thời gian để thực hiện. Đã vậy, kế hoạch giải ngân vốn cho dự án trong năm nay là 1.250 tỷ đồng, nhưng đến hết ngày 9/5 vừa qua dự án chưa giải ngân được đồng nào.

Tòa nhà Trung tâm triển lãm quy hoạch thành phố hơn 10 năm chưa làm xong.

Tòa nhà Trung tâm triển lãm quy hoạch thành phố hơn 10 năm chưa làm xong.

Dự án mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi với số vốn hơn 1.365 tỷ đồng cũng được HĐND thành phố ra nghị quyết về chủ trương đầu tư cùng ngày 19/9/2023 và vẫn còn trên giấy. Hiện dự án mới chỉ được Ban dân dụng và công nghiệp phát hành hồ sơ mời thầu vào ngày 7/5 vừa qua.

Chung tình trạng được ngân sách bố trí sẵn tiền nhưng không thể chi tiêu ngay là Dự án mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn với tổng mức đầu tư 1.491 tỷ đồng cũng đã được HĐND thành phố ra nghị quyết phê duyệt cùng ngày với 2 dự án trên, nhưng hiện còn phải chờ sang đến tháng 6 tới mới có thể phát hành hồ sơ mời thầu.

Là công trình cấp thiết để phục vụ tái định cư tại chỗ cho người dân bị giải tỏa phục vụ triển khai Dự án rạch Xuyên Tâm hơn chục nghìn tỷ, nên ngay từ tháng 12/2023 HĐND thành phố đã ra nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư công trình nhà ở xã hội tại số 4 Phan Chu Trinh, quận Bình Thạnh với tổng mức đầu tư hơn 997 tỷ đồng. Chờ 1 năm sau, Sở Xây dựng mới ra được quyết định phê duyệt dự án và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trong khi đó, báo cáo với các sở ngành liên quan, ông Nguyễn Văn Trường cho biết hiện chưa có pháp lý về việc bàn giao khu đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án. Đồng thời mặt bằng khu đất có các công trình tạm với diện tích khoảng 5.000m2 nhà tôn để xe, 6 sân bóng đá mini cùng các công trình tạm khác do doanh nghiệp quản lý.

Được HĐND thành phố ra nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 19/9/2023 còn có Dự án xây dựng Cung Thiếu nhi thành phố với tổng mức đầu tư 1.124 tỷ đồng. Đến ngày 29/4 vừa qua UBND thành phố mới có thể ra quyết định phê duyệt dự án. Về tình trạng chậm tiến độ của dự án này, đại diện Ban dân dụng và công nghiệp cho rằng, nguyên nhân chậm tiến độ là do quy trình thực hiện các thủ tục pháp lý phát sinh nhiều nội dung và mất nhiều thời gian để thực hiện. Liên quan đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho Thanh, thiếu niên, công trình Nhà văn hóa Thanh niên với tổng mức đầu tư 2.240 tỷ đồng cũng rơi vào tình trạng chậm triển khai. Lý do, phải chờ điều chỉnh phương án kiến trúc và điều chỉnh quy hoạch 1/2000 và hiện Ban dân dụng và công nghiệp đang phải kiến nghị UBND quận 1 phê duyệt quy hoạch chi tiết đô thị rút gọn tỷ lệ 1/500.

Điển hình của tình trạng chậm triển khai, đội vốn còn có công trình Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch đã được HĐND thành phố ra nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018 với tổng mức đầu tư 1.508 tỷ đồng. Do không được triển khai, nên hiện tiến độ của dự án được phê duyệt trong giai đoạn 2018-2022 đã được đề xuất chuyển sang giai đoạn 2025 - 2030 và tổng mức đầu tư cũng được đề xuất tăng lên thành 1.998 tỷ đồng.

Bảo Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/nhung-cong-trinh-cap-thiet-duoc-trien-khai-kieu-rua-bo-i768190/