Bố trí trụ sở dôi dư sau sáp nhập cho giáo dục: Tính đúng để dùng hiệu quả

Trong xây dựng phương án xử lý tài sản công sau sáp nhập đơn vị hành chính theo mô hình hai cấp, các địa phương đề xuất ưu tiên chuyển đổi công năng thành cơ sở giáo dục phổ thông, y tế, thiết chế văn hóa, thể thao, sinh hoạt cộng đồng dân cư.

Học sinh Trường Mầm non A Xing (Quảng Trị) tham gia ngày hội đọc sách. Ảnh: Đăng Đức

Học sinh Trường Mầm non A Xing (Quảng Trị) tham gia ngày hội đọc sách. Ảnh: Đăng Đức

Rà soát toàn diện, phân loại rõ ràng

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, số lượng trụ sở cần rà soát lên tới 86. Trong đó, chỉ 30 trụ sở tiếp tục giữ lại sử dụng, còn 56 trụ sở thuộc diện dôi dư. Để tránh tình trạng lãng phí tài sản công, địa phương đã phân loại theo nhóm đối tượng sử dụng và mục tiêu chuyển đổi.

Cụ thể, có 11 trụ sở được bàn giao cho lực lượng công an cấp xã, 9 trụ sở cho Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, 1 trụ sở hoán đổi cho tòa án nhân dân khu vực. Đặc biệt, có 17 trụ sở được chuyển đổi công năng để phục vụ cộng đồng làm cơ sở giáo dục, trạm y tế, trung tâm văn hóa - thể thao. Phần còn lại chuyển giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh để quản lý và khai thác theo đúng quy định.

Tỉnh Quảng Bình vừa xây dựng phương án và lộ trình sắp xếp, xử lý tài sản công sau khi sáp nhập với tỉnh Quảng Trị. Qua rà soát trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp tại 2 tỉnh có tổng cộng 810 trụ sở. Trong đó, tỉnh Quảng Bình có 420 trụ sở và tỉnh Quảng Trị có 390 trụ sở.

Theo dự kiến, 729 trụ sở tiếp tục sử dụng, 2 trụ sở có phương án riêng và dôi dư 79 trụ sở. Sau khi phương án sáp nhập được phê duyệt, UBND tỉnh mới căn cứ phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của đơn vị hành chính để xác định cụ thể tiêu chuẩn, định mức sử dụng đối với các trụ sở nói trên.

Theo đó, tỉnh mới ưu tiên bố trí trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sáp nhập cho đơn vị hành chính cấp tỉnh nơi đóng trụ sở. Đối với 79 trụ sở dôi dư sẽ ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục; sử dụng cho các mục đích công cộng khác của địa phương.

Một số trụ sở khác được thu hồi để giao tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà của địa phương quản lý, khai thác để phục vụ mục tiêu lâu dài của Nhà nước; bảo quản, bảo vệ tài sản; bố trí cho các cơ quan, đơn vị sử dụng tạm thời; cho thuê nhà gắn với đất...; giao tổ chức phát triển quỹ đất của địa phương quản lý, phát triển và khai thác.

 Lễ khánh thành Trường Mầm non Cẩm Vân, được xây dựng trên đất vốn là trụ sở của Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Lễ khánh thành Trường Mầm non Cẩm Vân, được xây dựng trên đất vốn là trụ sở của Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Nguồn lực mới từ tài sản cũ

Tại TPHCM, hiện có 22 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 16 quận, 1 thành phố và 5 huyện) và 273 đơn vị hành chính cấp xã (210 phường, 5 thị trấn, 58 xã). Trong thời gian tới, thành phố bỏ cấp huyện và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, giảm xuống còn 102 phường, xã. Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được, trong bối cảnh thiếu trường học và bệnh viện, các trụ sở dôi dư sẽ ưu tiên chuyển đổi thành cơ sở y tế, giáo dục cấp phường, xã, phục vụ trực tiếp cho người dân.

Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Đỗ Đăng Ái thông tin, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị rà soát toàn bộ nhà, đất công. Những trụ sở không còn sử dụng sẽ ưu tiên bố trí cho cơ quan, đơn vị mới thành lập. Trường hợp vẫn dôi dư, thành phố giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất (thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường) tổ chức đấu giá, cho thuê hoặc giao Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng (thuộc Sở Xây dựng) quản lý, khai thác theo quy định.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định điều chuyển cơ sở nhà đất của UBND xã Lìa (thôn A Máy, xã Lìa, huyện Hướng Hóa) cho Trường Mầm non A Xing quản lý. Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa cho biết, trước mắt Trường Mầm non A Xing tiếp nhận, quản lý cơ sở này. Về lâu dài, tùy theo nhu cầu sử dụng có thể cải tạo, thay đổi công năng sử dụng phù hợp.

Tại huyện Đakrông (Quảng Trị), chia sẻ của ông Nguyễn Sỹ Huấn - Trưởng phòng GD&ĐT, địa phương chưa có phương án cụ thể về sắp xếp, bố trí trụ sở dôi dư cho các đơn vị giáo dục. Nhưng chủ trương tận dụng trụ sở dôi dư sau sáp nhập để giao cho các đơn vị giáo dục, y tế tiếp tục sử dụng rất ý nghĩa, tránh lãng phí, nhất là với địa bàn miền núi, cơ sở vật chất khó khăn.

“Nếu được bố trí các trụ sở dôi dư cho trường học sẽ góp phần mở rộng diện tích, đỡ tốn kém chi phí đầu tư xây dựng mới. Những cơ sở này chỉ cần nguồn lực cải tạo, sửa chữa, nâng cấp có thể đưa vào sử dụng”, ông Nguyễn Sỹ Huấn cho hay.

Đối với trụ sở cơ quan cấp xã sau sắp xếp, Quảng Nam dư khá lớn. Hiện Quảng Nam có 247 trụ sở, trong khi sau sắp xếp còn 78 xã, phường. Dự kiến các trụ sở dôi dư sẽ chuyển đổi công năng làm trụ sở công an, ban chỉ huy quân sự, trạm y tế cấp xã, các cơ quan, đơn vị cấp thành phố, cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, kể cả sử dụng làm nhà công vụ cho giáo viên khu vực miền núi, thiết chế văn hóa, thể thao khối phố, sinh hoạt cộng đồng dân cư.

Tính công năng sử dụng và hiệu quả

Theo kế hoạch rà soát, sắp xếp các trường, điểm trường, lớp học gắn với bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục của UBND tỉnh Quảng Nam đến năm học 2029 - 2030 dự kiến có 726 trường mầm non, phổ thông công lập; giảm 1 trường mầm non và 1 trường tiểu học, tăng 1 trường THCS, 1 trường THPT, hình thành mới 1 trường tiểu học và THCS.

Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam thông tin, theo quy hoạch sẽ thành lập một trường THPT mới đáp ứng nhu cầu học tập tại vùng Đông thị xã Điện Bàn. Địa phương này có Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc và Cụm công nghiệp An Lưu. Đồng thời, các khu đô thị được hình thành nên tăng nhanh về dân số, số học sinh tại khu vực này tăng lên đáng kể dẫn đến quá tải.

Hiện nay, để giảm bớt áp lực cho Trường THPT Lương Thế Vinh, UBND thị xã Điện Bàn đề xuất phương án phân tuyến tuyển sinh để một phần học sinh vùng Đông thị xã Điện Bàn học tại các trường lân cận như Trường THPT Nguyễn Khuyến (thị xã Điện Bàn) và Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Hội An).

Trong cuộc làm việc với các ngành liên quan để xây dựng Đề án chuẩn hóa cơ sở vật chất các trường THPT giai đoạn 2026 - 2030, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam lưu ý rà soát vấn đề quy hoạch. Các cơ sở giáo dục cần xây dựng và phê duyệt quy hoạch mặt bằng tổng thể khuôn viên nhà trường, đảm bảo các công trình được đầu tư xây dựng đúng quy hoạch, tránh việc đầu tư manh mún, chắp vá, không đồng bộ, hiệu quả thấp. Đầu tư xây dựng mới phải toàn diện, phân kỳ đầu tư đảm bảo hợp lý, phục vụ yêu cầu trường chuẩn và nâng cao chất lượng dạy học.

Ông Tường cho biết, chủ trương thành lập trường THPT mới ở khu vực vùng Đông thị xã Điện Bàn không thay đổi. “Đối với việc chuyển đổi công năng các trụ sở làm việc sau sáp nhập hành chính, nếu sử dụng cho trường học, cần rà soát, tính toán phù hợp. Đơn cử như diện tích đất của một trụ sở UBND xã hiện nay so với tiêu chuẩn diện tích trường học có đáp ứng được hay không, cải tạo phòng ốc phù hợp với mục đích sử dụng chứ không phải dôi dư là có thể bố trí ngay lớp, trường học”, ông Tường phân tích.

Tháng 3/2023, UBND quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) tiếp nhận cơ sở 2 của Bệnh viện Y học cổ truyền cũ (số 342 Phan Châu Trinh) để xây dựng Trường Mầm non Cẩm Vân. Địa điểm này trước đây là trụ sở của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng. Công trình Trường Mầm non Cẩm Vân được đầu tư xây dựng mới và đưa vào sử dụng từ tháng 3/2025. Bà Võ Thị Mỹ Diệp - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước đây trường nằm trong kiệt hẻm, cơ sở vật chất không bảo đảm theo tiêu chuẩn. Sau đó, trường được đầu tư xây mới với kinh phí 30,6 tỷ đồng, quy mô 4 tầng, 12 phòng học và nhiều phòng chức năng.

Ông Lê Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh, việc sắp xếp, xử lý tài sản công sau khi sáp nhập đơn vị hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các sở, ngành và địa phương. Ông đề nghị các đơn vị tiếp tục rà soát, thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo không để xảy ra lãng phí, thất thoát tài sản công, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và ổn định hoạt động của bộ máy hành chính sau sắp xếp.

Nhóm PV

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bo-tri-tru-so-doi-du-sau-sap-nhap-cho-giao-duc-tinh-dung-de-dung-hieu-qua-post730881.html