Những công trình 'đi trước mở đường'
Sau 50 năm Giải phóng, từ một đô thị nhỏ, mạng lưới hạ tầng giao thông ít ỏi và xuống cấp, Đà Nẵng đã vươn lên trở thành một đô thị hiện đại, văn minh, hạ tầng giao thông phát triển ngoạn mục, thần kỳ.

Một đoạn đường Điện Biên Phủ có công trình kiến trúc Tượng đài Mẹ Nhu – Biểu tượng về sự bất khuất, dũng cảm của người dân Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975).
Khó có thể kể hết các công trình tiêu biểu của Đà Nẵng, nhưng 3 công trình trọng điểm dưới đây đã trở thành biểu tượng cho một giai đoạn phát triển đột phá, đặc biệt là mang dấu ấn về sự năng động, sáng tạo, thần tốc và đồng tâm đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng.
Đường Điện Biên Phủ - Khởi đầu của một chủ trương lớn
Sau ngày Giải phóng 29-3-1975, đường Điện Biên Phủ từ ngã ba Huế đến ngã ba Cai Lang là lối đi chính và là độc đạo bằng đường bộ từ hướng Bắc vào khu vực trung tâm Đà Nẵng. Mang tiếng là tuyến đường cửa ngõ ra, vào trung tâm TP nhưng đường Điện Biên Phủ vào thời điểm đó chật hẹp, chỉ rộng chừng 7 - 9m, không có vỉa hè, cống thoát nước, điện chiếu sáng, đầy ổ gà, đất cát tràn ra cả mặt đường, nhà cửa hai bên đường đa phần cấp 4, cũ kỹ, xập xệ đến nao lòng… Thực trạng đó khiến cho tuyến đường này không những không đáp ứng về giao thông mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của TP. Do đó, cấp thiết nâng cấp và mở rộng đường Điện Biên Phủ.
Tuy nhiên, vào những năm đầu thập niên 80, TP Đà Nẵng còn là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, ngân sách chỉ là ngân sách cấp huyện, không có đủ kinh phí để đầu tư nâng cấp và mở rộng đường Điện Biên Phủ vốn cần rất nhiều tiền. Nhưng để chậm trễ việc nâng cấp và mở rộng tuyến đường này ngày nào thì Đà Nẵng chậm phát triển ngày ấy. Trước mối bận tâm này, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ đã vắt óc suy tính và đề ra chủ trương nâng cấp và mở rộng đường Điện Biên Phủ theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tức Nhà nước bỏ tiền ra làm hạ tầng, người dân hiến đất hoặc đóng góp công sức, kinh phí mở đường. Vì sự phát triển của TP, hàng nghìn hộ dân dọc hai bên đường Điện Biên Phủ đã đồng thuận, ủng hộ, hiến hàng trăm nghìn mét vuông đất để mở đường.
Thế là năm 1983, tuyến đường Điện Biên Phủ được khởi công nâng cấp và mở rộng lên hơn 25m (kể cả vỉa hè) và 2 năm sau đó, đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm Giải phóng Đà Nẵng 29-3-1985, tuyến đường này được khánh thành và đưa vào sử dụng, mở đầu cho một giai đoạn Đà Nẵng cùng với đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, cất cánh đi lên.
Từ chủ trương sáng tạo đó, sau này, khi Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc Trung ương, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã kế thừa, phát huy và đến nay đã triển khai thành công chủ trương này trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông với hàng nghìn công trình từ thành thị cho đến nông thôn, miền núi, trong đó, có rất nhiều công trình trọng điểm như: đường Điện Biên Phủ (mở rộng lần 2 lên 45m với 8 làn xe chạy), Lê Duẩn, Đống Đa, Quang Trung, Trần Cao Vân, Núi Thành, Hoàng Diệu, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Tri Phương, Ngô Quyền, Lê Văn Hiến, Trần Đại Nghĩa, Cách Mạng Tháng Tám, Trường Sơn, Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lường Bằng, Âu Cơ, cầu Sông Hàn…

Cầu Sông Hàn đẹp lung linh, quyến rũ khi màn đêm buông xuống.
Cầu Sông Hàn - Chứng nhân của sự “thay da đổi thịt”
Đôi bờ sông Hàn cách đây mấy mươi năm về trước khác nhau một trời một vực. Nếu như ở bờ Tây là phố xá nhộn nhịp, đông đúc thì ở bờ Đông là “nước xanh như tàu lá”, với những xóm nhà chồ tạm bợ ven sông cùng những phận người nhọc nhằn mưu sinh bằng các công việc quăng lưới bắt cá, lái đò chở khách qua sông. Ngày đó, chuyện đi từ khu vực Sơn Trà vào trung tâm Đà Nẵng dù chỉ cách một con sông nhưng cực kỳ khó khăn, xa xôi cách trở vì không có cầu, chỉ đi bằng các con phà, đò ngang hoặc đi đường bộ hàng chục cây số vòng qua cầu Nguyễn Văn Trỗi, đến mức người dân ở khu vực này khi vào trung tâm TP đều quen gọi là đi Đà Nẵng. Buồn nhất là những cô gái tuổi mới đôi mươi ở thời đó được ví là “con gái quận Ba bằng bà già quận Nhất”…
Chỉ có xây cầu bắc qua sông Hàn nối liền trung tâm TP với khu vực Sơn Trà mới xóa đi sự xa xôi cách trở, “thay da đổi thịt” khu vực bờ Đông sông Hàn vươn lên, sánh vai cùng với khu vực bờ Tây. Đó cũng chính là ý Đảng lòng dân để làm nên công trình cầu quay Sông Hàn độc nhất vô nhị cả nước, được khánh thành vào dịp kỷ niệm 25 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3-2000.
Cầu Sông Hàn đã góp phần mang lại sức sống mới cho bờ Đông sông Hàn, các chuyến phà ì ạch, trễ nải chở khách qua lại đôi bờ sông Hàn được dẹp bỏ, thông thương từ khu vực Sơn Trà với khu vực trung tâm TP được thuận lợi, kinh tế phát triển, tạo nguồn lực để TP tiếp tục đầu tư thêm các cây cầu mới bắc qua sông Hàn, đặc biệt giải tỏa các xóm nhà chồ ven sông ở bờ Đông sông Hàn…

Một đoạn “cung đường tỷ đô” Võ Nguyên Giáp.
Là một trong những nguyên lãnh đạo tâm huyết của TP Đà Nẵng, ông Đặng Việt Dũng- Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho rằng việc Đà Nẵng chọn xây nhiều cây cầu bắc qua sông Hàn nói riêng, chọn phát triển hạ tầng giao thông “đi trước mở đường” nói chung thể hiện sự năng động, sáng tạo, đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP, đã tạo động lực to lớn giúp kinh tế- xã hội Đà Nẵng có những bước phát triển thần kỳ, đặc biệt là sự phát triển chóng mặt của đô thị phía Đông sông Hàn, đô thị hướng biển.
Đường Sơn Trà Điện Ngọc - Đánh thức tiềm năng du lịch biển
TP Đà Nẵng có hàng trăm ki-lô-mét bờ biển, nhất là khu vực từ bán đảo Sơn Trà đến giáp tỉnh Quảng Nam, có rất nhiều bãi biển đẹp, cát vàng mịn cùng làn nước trong xanh, đặc biệt là biển Mỹ Khê được Tạp chí danh tiếng thế giới Forbes ca ngợi là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh. Tuy nhiên, từ năm 1997 trở về trước, các bãi biển ở khu vực này hoang vắng, thưa thớt dân cư, rất ít khách du lịch… Một trong những nguyên nhân khiến cho các bãi biển đẹp ở Đà Nẵng như “nàng tiên ngủ quên” là do hạ tầng giao thông kém. Vì vậy, lãnh đạo TP Đà Nẵng lúc bấy giờ đã nghĩ đến chuyện phải hình thành những đường dẫn xuống biển, nhất là con đường ven biển để đánh thức tiềm năng du lịch biển, kỳ vọng đưa du lịch thành mũi nhọn phát triển kinh tế TP.
Năm 2002, công trình tuyến đường du lịch ven biển Sơn Trà- Điện Ngọc (nay là 3 tuyến đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa) dài 27km, rộng 45m với 8 làn xe chạy từ bán đảo Sơn Trà đến giáp tỉnh Quảng Nam được khởi công. Sau khoảng 5 năm xây dựng, công trình được hoàn thành và đưa vào khai thác, đã góp phần làm bùng nổ du lịch biển Đà Nẵng. Hiện tuyến đường này được ví là “cung đường tỷ đô” với hàng chục khu nghỉ dưỡng, sân golf cao cấp cùng hàng trăm khách sạn chọc trời tiêu chuẩn quốc tế nằm dọc hai bên tuyến đường với nhiều thương hiệu du lịch - khách sạn danh tiếng trên thế giới như: Pullman, Hyatt, Movenpick, Melia, Radisson, Sheraton, Marriott…, đặc biệt là “viên ngọc trắng” InterContinental Danang Sun Peninsula Resort với kỳ tích nhiều năm liên tiếp là “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới”, là nơi diễn ra Hội nghị Cấp cao APEC - 2017.
Ông Ngô Quang Vinh- nguyên Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng nhìn nhận, quyết định đầu tư tuyến đường du lịch ven biển này là một chủ trương rất sáng suốt. Con đường chính là công cuộc khai phá một vùng bờ biển hoang sơ với nhiều bãi tắm tự nhiên rất đẹp, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trên bản đồ du lịch không chỉ trong nước mà cả thế giới. Cách đây vài ngày, có dịp đến Đà Nẵng du lịch, nhìn phố biển Võ Nguyễn Giáp đoạn từ nút giao Võ Văn Kiệt đến nút giao Trần Đình Đàn, anh Eric Tài (một Việt kiều Mỹ), đã thốt lên “Đà Nẵng không khác gì Miami, địa danh du lịch biển nổi tiếng ở bang Florida của Mỹ”.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nhung-cong-trinh-di-truoc-mo-duong-post310873.html