Những công trình giao thông tạo điểm nhấn cho thành phố ven biển
Do đầu tư phù hợp, những công trình giao thông trọng điểm đã và đang tạo ra sự khác biệt, riêng có của thành phố bên bờ vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) sau 30 năm thành lập.
Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông cho thành phố thủ phủ
Nằm ven bờ vịnh Hạ Long, TP Hạ Long là một trong 4 thành phố và là thủ phủ, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, thương mại, dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh.
Hạ Long có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực đông bắc Việt Nam, gần hai đô thị lớn là Thủ đô Hà Nội, TP Hải Phòng và tương đối gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Cuối năm 2019, TP Hạ Long sáp nhập với huyện Hoành Bồ. Sau sắp xếp, điều chỉnh, TP Hạ Long mới có diện tích tự nhiên 1.121,322 km2, diện tích mặt biển khoảng 402 km2, dân số trên 30 vạn người, với 33 xã, phường.
Với những điều kiện trên, từ nhiều năm nay, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông cho thành phố ven bờ vịnh này.
Điển hình, là tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả được triển khai từ cuối năm 2018, có chiều dài toàn tuyến là 18,7km, điểm đầu tuyến giao với đường Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long) và điểm cuối tuyến là ngã ba cảng Km6 (phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả).
Sau hai giai đoạn, tới ngày 30/4/2023, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả đã có quy mô 6 làn xe, kéo dài từ cầu Bãi Cháy, TP Hạ Long đến trung tâm TP Cẩm Phả, tạo thành trục đường cảnh quan đẹp, ấn tượng, hai bên tuyến là núi đá, biển và các khu đô thị hiện đại.
Một công trình giao thông trọng điểm khác ở thành phố ven biển là cầu Tình Yên được khởi công cuối 4/2020, hoàn thành vào ngày 26/1/2022. Dự án có chiều dài 4.569m, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, 6 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 60km/h.
Đặc biệt, lấy ý tưởng kiến trúc là "Cánh chim biển trên vịnh Hạ Long", công trình có kiến trúc độc đáo, mang tính thẩm mỹ cao. Trong đó, cầu chính dài 885m được thiết kế 5 nhịp vòm bằng ống thép nhồi bê tông kết hợp với bê tông cốt thép dự ứng lực; hai bên cầu có vỉa hè cho người đi bộ, sàn vọng cảnh và bồn hoa tạo cảnh quan du lịch.
Ngày 1/1/2024, cầu Bình Minh cũng bắc qua vịnh Cửa Lục được khánh thành. Cây cầu bắc qua sông Diễn Vọng đổ ra vịnh Cửa Lục và vịnh Hạ Long có chiều dài hơn 2,6km, thiết kế 6 làn xe, kết cấu bê tông cốt thép, điểm đầu đấu nối tuyến đường trục chính Khu đô thị FLC tại phường Hà Khánh, điểm cuối giao với quốc lộ 279, thuộc địa phận xã Thống Nhất, TP Hạ Long.
Tạo kết nối nội vùng, phát triển vùng khó khăn
Ngay sau khi sáp nhập với huyện Hoành Bồ, TP Hạ Long có thêm nhiều xã vùng đồng bào dân dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng cao, khó khăn.
Chính vì thể, để kết nối giữa trung tâm với vùng sâu, vùng xa, TP Hạ Long đã nghiên cứu, đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm những công trình giao thông.
Điểm nhấn nổi bật trong chính sách phát triển cho vùng cao, đồng bào dân tộc là TP Hạ Long đã đầu tư tuyến đường nối Sơn Dương - Đồng Lâm có chiều dài 10,12km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, đường rộng 15,5m với 4 làn xe.
Điểm đầu tuyến đường này nối với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn tại thôn Trại Me, xã Sơn Dương; điểm cuối tại thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm. Dự án khởi công từ tháng 9/2022, đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2024.
Cũng từ tháng 9/2022, TP Hạ Long đã đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường nối Sơn Dương - Đồng Sơn có chiều dài 19,1km. Điểm đầu tuyến đường từ ngã ba thôn Mỏ Đông, xã Sơn Dương đến trung tâm xã Đồng Sơn.
Tuyến đường được thiết kế quy mô cấp 5 miền núi với 2 làn xe, hiện đã cơ bản hoàn thành, sắp đưa vào sử dụng.
Mới đây, TP Hạ Long còn khởi công hai dự án giao thông huyết mạch, có giá trị kết nối liên vùng. Đó là dự án đường nối từ tỉnh lộ 342 đến quốc lộ 279 qua trung tâm xã Sơn Dương và dự án đường liên khu vực và một phần đường chính khu vực thuộc tiểu khu 13.2 tại thôn An Biên, xã Lê Lợi (đường vào đền thờ Vua Lê) giai đoạn 1.
Dự án đường nối từ tỉnh lộ 342 đến quốc lộ 279 qua trung tâm xã Sơn Dương có quy mô gần 11km, theo quy hoạch được phê duyệt là 6 làn xe. Dự án có tổng mức đầu tư 818 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Dự án sẽ được thi công trong khoảng 1 năm và dự kiến đến hết năm 2024 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.
Dự án cải tạo, mở rộng đền thờ Vua Lê và hệ thống hạ tầng, kỹ thuật, giao thông kết nối. Tuyến đường có quy mô 4 làn xe, chiều dài 610m, tổng mức đầu tư 55 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thi công, hoàn thành dự án trong 6 tháng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Phan Thị Hải Hường, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long khẳng định: Khi đưa vào khai thác, các dự án này không chỉ tạo điều kiện đi lại thuận lợi các xã vùng cao đến khu vực trung tâm TP Hạ Long mà còn từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu thúc đẩy liên kết vùng.
Cùng với các cơ chế thu hút đầu tư, hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng đã mở ra không gian phát triển cho TP Hạ Long. Nổi bật là kinh tế của địa phương này luôn duy trì mức tăng trưởng cao, đóng góp gần 50% tổng thu mỗi năm của Quảng Ninh, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 14.000 USD, tăng gần 10 lần so với năm 2002; tỷ lệ đô thị hóa đạt 87%, cao gấp hai lần bình quân chung của cả nước...