Những công trình kiến trúc vĩ đại 'chết yểu'
Đây đều là những công trình đầy tham vọng và tiềm năng trở thành một trong những tòa nhà hoành tráng nhất thế giới nếu được hoàn thành.
Hotel Attraction (1908)
Năm 1908, hai doanh nhân người Mỹ Edward T. Carlton và William Gibbs McAdoo yêu cầu kiến trúc sư nổi tiếng Antoni Gaudi thiết kế một khách sạn sang trọng tại khu Hạ Manhattan.
Gaudi đã đề xuất một công trình cao từ 980 đến 1.100 feet (298,7 - 335,3 m), gồm sáu tầng phòng hội nghị, một nhà hát, các nhà hàng và nhiều phòng trưng bày, với các tháp hình nón và một khối cầu hình ngôi sao.
Tuy nhiên, tòa nhà này chưa bao giờ được khởi công vì bị cho là không thực tế vào thời điểm đó và mãi mãi không trở thành hiện thực. Có người kể rằng Gaudi lâm bệnh vào năm 1909, nên ông hủy bỏ dự án.
Một câu chuyện khác cho rằng các giá trị cộng sản của Gaudi mâu thuẫn với mong muốn của các nhà đầu tư, những người muốn phục vụ giới thượng lưu.
Tháp Tatlin (1919)
Tháp Tatlin là một dự án không tưởng được kiến trúc sư người Nga Vladimir Tatlin đề xuất vào năm 1919, để làm trụ sở và đài tưởng niệm cho Quốc tế Cộng sản lần thứ ba. Tháp có chiều cao dự kiến 1.300 feet (396,2 m), vượt trội so với tháp Eiffel (312 m) ở Paris.
Sau cuộc Cách mạng Bolshevik năm 1917, tháp Tatlin được lên kế hoạch xây dựng bằng các vật liệu công nghiệp như sắt, kính và thép, với tầm nhìn trở thành biểu tượng của tiến bộ và hiện đại.
Hình dáng chính của tháp được thiết kế như một dạng xoắn kép. Kết cấu khung của tòa nhà sẽ chứa các cấu trúc hình học lớn treo lơ lửng, với các khối lập phương ở phần đế quay ở tốc độ khác nhau, và toàn bộ cấu trúc sẽ hoàn thành một vòng quay trong vòng một năm. Tuy nhiên, dự án đã bị hủy bỏ do các vấn đề kỹ thuật không được giải quyết, và tháp vẫn mãi chỉ nằm trên bàn giấy.
Cung điện Xô Viết (1933)
Liên Xô từng tạo ra một số công trình kiến trúc tham vọng và ấn tượng nhất trong lịch sử. Thời bấy giờ, Moskva là trung tâm của kiến trúc hiện đại, và Cung điện Xô Viết được định sẵn để trở thành một kiệt tác của chủ nghĩa hiện đại.
Dưới thời nhà lãnh đạo Stalin, vào năm 1931, một cuộc thi thiết kế được tổ chức để chọn mẫu cho tòa nhà hành chính và hội trường quốc hội gần điện Kremlin.
Kiến trúc sư Boris Iofan giành chiến thắng với bản thiết kế kim tự tháp tân cổ điển cao 415 mét, được tạo thành từ bảy khối trụ đồng tâm thu nhỏ dần, trông như một chiếc bánh cưới nhiều tầng khổng lồ. Ở đỉnh tháp đặt bức tượng lãnh tụ Vladimir Lenin cao 100 mét như chạm tới bầu trời.
Đáng tiếc, lịch sử đã đi theo một hướng khác. Việc xây dựng bắt đầu từ năm 1937 nhưng phải dừng lại vào năm 1941 sau cuộc tấn công của Đức vào Liên Xô và bùng nổ Thế chiến II.
Năm 1942, khung thép của công trình được tái sử dụng để xây dựng các công sự và cầu. Dự án chính thức bị hủy bỏ vào năm 1957 và khu vực này được chuyển đổi thành bể bơi ngoài trời lớn nhất thế giới. Ngày nay, nơi đây là vị trí của nhà thờ Chính thống giáo cao nhất thế giới.
Tháp Illinois
Tháp Illinois là dự án tòa nhà chọc trời cao 1.609 m ở trung tâm thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ, do kiến trúc sư Frank Lloyd Wright thiết kế. Tháp tổng cộng 528 tầng và nếu được xây dựng thì đây sẽ là tòa nhà cao nhất thế giới, gấp đôi chiều cao của Burj Khalifa ở Dubai.
Tuy nhiên, dự án không khả thi về mặt tài chính và thậm chí là một số điểm thiết kế. Và The Illinois đã không bao giờ được xây dựng.
Vòm Manhattan (1960)
Vòm Manhattan là một trong những công trình thiết kế nhà kỳ lạ và không theo quy ước nhất từng được hình thành. Đây là đứa con tinh thần của Buckminster Fuller và Shoji Sadao, những người đã đề xuất một mái vòm kính bao toàn bộ khu vực các tòa nhà phía bắc Manhattan.
Mục đích của vòm là giảm ô nhiễm không khí và điều hòa điều kiện thời tiết. Các nhà thiết kế cho biết mái vòm sẽ "gần như vô hình". Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất trong thiết kế là ô tô hay phương tiện động cơ đều bị cấm để tránh làm đổi kính màu.
Dù đầy táo bạo nhưng thiết kế này chưa bao giờ rời khỏi bản vẽ và gần như không có cơ sở để khởi công. Fuller nhận thức thực tế và tuyên bố rằng dự án của ông là “thất bại thành công nhất thế giới”.
Grace thứ 4 (2002)
Dự án Grace thứ 4 được thiết kế nhằm tái phát triển khu vực Liverpool, Anh, nằm liền kề với ba tòa nhà lịch sử hiện có là Liver Building, Cunard Building và Port of Liverpool Building.
Kiến trúc sư Will Alsop đã giành chiến thắng với thiết kế mang tên “The Cloud” (Đám Mây), một công trình hình cầu cao 10 tầng. Tòa nhà được thiết kế kết hợp không gian thương mại và văn phòng, bao gồm một khách sạn 107 phòng, một quầy bar, nhà hàng và một phòng trưng bày triển lãm.
Tuy nhiên, dự án đã bị hủy bỏ vào năm 2004 do chi phí tăng cao, thách thức trong thiết kế và các vấn đề quy hoạch, dẫn đến dự án không thể thực hiện.
Kim tự tháp Shimizu
Dự án Kim tự tháp Shimizu mô phỏng kim tự tháp khổng lồ, lớn gấp 14 lần kim tự tháp Giza của Ai Cập và có sức chứa khoảng 750.000 người. Shimizu bao gồm 55 kim tự tháp “con” và mỗi cấu trúc này có kích thước cỡ khách sạn Luxor ở Las Vegas.
Ngay từ đầu, dự án đã gặp vướng mắc vì những vật liệu siêu nhẹ và siêu cứng, đáp ứng nhu cầu xây dựng của dự án tới nay vẫn chưa được phát minh ra.
Nakheel Harbor (2008)
Dự án Nakheel Harbor tại Dubai được khởi công vào năm 2008 và dự kiến đạt chiều cao 1.005,84 m, trở thành tòa nhà chọc trời đầu tiên cao hơn 1 km. Dự án này được công ty kiến trúc Woods Bagot thiết kế cho tập đoàn Nakheel.
Tuy nhiên, do suy thoái kinh tế toàn cầu, dự án này ngừng thi công vào năm 2009, rồi chính thức bị hủy bỏ 18 tháng sau đó.
Sân vận động Olympic Tokyo
Kiến trúc sư Zaha Hadid đã thiết kế nhiều công trình ấn tượng trong sự nghiệp của mình, nhưng sân vận động Olympic Tokyo là một trong những thiết kế không bao giờ được hiện thực hóa.
Công trình với kiểu dáng cong hiện đại này được thiết kế dành cho Thế vận hội Olympic 2020. Tuy nhiên, dự án đã bị hủy bỏ do chậm trễ trong việc thi công, chi phí vượt dự toán, cùng với những chỉ trích từ các kiến trúc sư khác và vận động viên.
Họ đã ký đơn kiến nghị yêu cầu hủy bỏ dự án vì quy mô khổng lồ của dự án được cho là sẽ gây tác động tiêu cực đến khu vực xung quanh.
Dự án được thay thế bằng thiết kế khiêm tốn hơn của kiến trúc sư Kengo Kuma, đáp ứng các yêu cầu về thời gian xây dựng và ngân sách.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-cong-trinh-kien-truc-vi-dai-chet-yeu-ar922556.html