Những CTCK đầu tiên công bố lợi nhuận quý I: Có công ty lãi giảm 2 chữ số

Báo cáo tài chính quý I/2025 của một số công ty chứng khoán đã cho thấy sự phân hóa. Trong khi nhiều đơn vị ghi nhận lãi tăng mạnh, thậm chí đạt kỷ lục thì cũng có công ty lãi giảm 2 chữ số.

Trong quý I, chứng khoán MBS ghi nhận doanh thu hoạt động ghi nhận giảm nhẹ 1% xuống 669 tỷ đồng. Riêng lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt 127 tỷ đồng. Tương tự, doanh thu môi giới sụt giảm 28% xuống 133 tỷ đồng. Lãi từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) cũng giảm 16% xuống 42 tỷ.

Ngược lại, lãi từ cho vay và phải thu tăng 7% so với quý 1/2024 lên 277 tỷ và lãi từ các TSTC sẵn sàng để bán (AFS) tăng 32% lên 57 tỷ.

Tuy nhiên, chi phí hoạt động của MBS trong quý I giảm mạnh hơn doanh thu, ghi nhận mức giảm 59% so với cùng kỳ năm trước xuống 108 tỷ đồng. Trong đó MBS được hoàn nhập hơn 77 tỷ chi phí dự phòng TSTC, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi và lỗ suy giảm; chi phí đi vay. Chi phí môi giới giảm 14% xuống 117 tỷ.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế quý I của MBS đạt 339 tỷ đồng, lãi ròng 269 tỷ, cùng tăng 48% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của CTCK này.

Năm 2025, công ty lên mục tiêu tổng doanh thu đạt 3.370 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.300 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 40% so với thực hiện năm ngoái. Như vậy sau 3 tháng, MBS đã hoàn thành 26% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Chứng khoán KAFI ghi nhận doanh thu hoạt động tăng gần 170% so với cùng kỳ năm trước lên mức 380 tỷ đồng. Trong đó hơn 216 tỷ đồng là lãi từ tài sản FVTPL, ngoài ra gần 132 tỷ đồng lãi từ cho vay và phải thu.

Chi phí hoạt động của KAFI gấp 4 lần, đạt 120 tỷ. Kết quả, CTCK này báo lãi trước thuế 91 tỷ trong quý I, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước.

Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securities - TCBS) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận trước thuế 1.310 tỷ đồng, tăng 40% so với quý trước và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2024.

Doanh thu từ hoạt động môi giới và lưu ký chứng khoán đạt 73 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Kết quả này chủ yếu đến từ mảng phân phối chứng chỉ quỹ, với doanh số hơn 5.900 tỷ đồng, gấp 6,7 lần so với quý I/2024.

Thu nhập từ lãi cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán trong quý đạt gần 718 tỷ đồng, tăng 5% so với quý trước và tăng 28% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 31/3, dư nợ cho vay đạt 30.472 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối quý IV/2024. Tỷ lệ dư nợ cho vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 1,1 lần.

Chứng khoán DSC (Mã: DSC) ghi nhận doanh thu hoạt động quý I đạt 131 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước. Mảng tự doanh đem về 44 tỷ đồng lãi từ FVTPL, giảm 4%.

Lãi từ HTM giảm mạnh 51%, chỉ còn 3 tỷ đồng. Trong khi đó, mảng cho vay và phải thu tăng trưởng tích cực 20%, đạt 57 tỷ đồng, nhưng doanh thu môi giới lại sụt giảm 41%, chỉ còn 20 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động trong kỳ được tiết giảm đáng kể, giảm 29% xuống 25 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, DSC báo lãi sau thuế 54 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty đã thực hiện khoảng 23% kế hoạch doanh thu và 26% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2025.

Cũng ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi trong quý I, Chứng khoán HD ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 244 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính do doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán giảm sâu từ mức 470 tỷ từ quý I/2024 xuống còn hơn 15 tỷ, tương ứng giảm gần 97%.

Khấu trừ chi phí, Chứng khoán HD lãi trước thuế 98 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ về dự báo kết quả kinh doanh một số ngành nghề trong quý I, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích ngành và cổ phiếu của VPBankS đánh giá bức tranh vĩ mô quý I mang màu sắc tích cực, tăng trưởng GDP dự báo tốt hơn năm trước. “Thăm dò” kết quả kinh doanh quý I cho thấy nhiều ngành như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép hay điện có sự tăng trưởng và mang lại nhiều kỳ vọng.

“Với nhóm chứng khoán, quý I có thể là một quý rực rỡ, động lực chính đến từ hoạt động margin. Nhìn vào tăng trưởng dư nợ trong năm 2024 khoảng 36%, các công ty chứng khoán sẽ thu được lợi nhuận đáng kể từ số dư nợ này trong quý I/2025 so với cùng kỳ. Dự báo lợi nhuận trước thuế quý I của ngành chứng khoán tăng trên 20% cùng kỳ.

Dư nợ margin cuối năm 2024 đã được công bố giúp nhà đầu tư dễ dàng dự báo lợi nhuận quý I. Với những công ty đã chạm mức trần dư nợ margin (gấp đôi vốn chủ), việc mở rộng quy mô vốn chủ sẽ là yếu tố quan trọng”, ông Dương đánh giá.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nhung-ctck-dau-tien-cong-bo-loi-nhuan-quy-i-co-cong-ty-lai-giam-2-chu-so.html