Thách thức trước mục tiêu tăng trưởng 40% lợi nhuận của MBS
Kế hoạch lãi 1.300 tỷ đồng của MBS được cho là thách thức bởi mức tăng trưởng lợi nhuận 40% của công ty nằm trong top đầu các công ty chứng khoán đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025.
Ngày 15/4, CTCP Chứng khoán MB (HNX: MBS) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2025. Tại đại hội, các cổ đông đã thông qua một số mục tiêu quan trọng như kế hoạch kinh doanh năm 2025, các phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 6.673 tỷ đồng.
Mục tiêu chiếm lĩnh 6,5% thị phần môi giới
Năm 2025, MBS đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.370 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.300 tỷ đồng, tăng tới 40% so với thực hiện năm trước và ROE tối thiểu 14,3%.
Ông Phạm Thế Anh – Thành viên HĐQT độc lập MBS cho biết, đây là mục tiêu thách thức bởi mức tăng trưởng lợi nhuận 40% của công ty nằm trong top đầu những công ty chứng khoán đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2025.
Không chỉ dừng lại ở lợi nhuận, MBS còn đặt kỳ vọng chiếm lĩnh thị phần môi giới với tỉ lệ tối thiểu 6%, phấn đấu đạt 6,5%.
Đặc biệt, công ty sẽ đẩy mạnh kinh doanh số, hướng đến tỉ trọng doanh thu hoạt động môi giới và dịch vụ tài chính trên nền tảng số tối thiểu 70%, trong đó, riêng doanh thu từ khối kinh doanh số phải đạt tối thiểu 25%.
Ông Thế Anh nhận định, thị trường chứng khoán dù ảnh hưởng bởi nhiều diễn biến vĩ mô song có những điều kiện tích cực. Với hoạt động dựa vào thị phần và nguồn thu từ hoạt động môi giới và ký quỹ, công ty có nhiều thuận lợi khi lượng giao dịch tăng mạnh trong giai đoạn thị trường biến động mạnh.
Ngoài ra, có nhiều câu chuyện hỗ trợ công ty như Chính phủ giảm chi phí, thuế, mức lãi suất thấp, nâng hạng thị trường chứng khoán...
Nhìn lại sự kiện thuế quan cách đây gần hai tuần, ông Phan Phương Anh – Thành viên HĐQT cho rằng nhà đầu tư đã có trải nghiệm khó quên trong sự nghiệp đầu tư khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra chính sách thuế đối ứng.
"HĐQT MBS cũng căng thẳng, mất ăn mất ngủ trong 2 tuần giao dịch vừa qua. Tuy nhiên, tôi nghĩ bức tranh trong giai đoạn hiện tại đã trở nên tốt đẹp hơn", ông Phan Phương Anh nhận định.
Huy động gần 1.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ
Một nội dung quan trọng khác tại Đại hội là việc công ty tăng vốn điều lệ từ 5.728 tỷ đồng lên 6.673,3 tỷ đồng.
Các phương án tăng vốn điều lệ gồm: Phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu dự kiến thu về 687,4 tỷ đồng; Phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu dự kiến thu về 171,8 tỷ đồng tỷ đồng; Phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động thu về gần 86 tỷ đồng.
Số tiền thu được công ty dùng 623,3 tỷ đồng để bổ sung và cung ứng vốn cho hoạt động cho vay margin, 150 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh và bảo lãnh phát hành.
Trường hợp số tiền thu được từ đợt phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu không đủ để sử dụng cho toàn bộ mục đích nêu trên thì công ty ưu tiên bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh và bảo lãnh phát hành rồi đến Bổ sung và cung ứng vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin).
Trả lời cổ đông về vấn đề khả năng công ty phát hành thành công khi kinh tế đang khó khăn, Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải cho biết hiện MB đang sở hữu gần 77% vốn MBS, việc tăng vốn này chắc chắn MB Group là cổ đông lớn sẽ tham gia. Vì vậy khả năng thành công ở mức độ cao.
Công ty sẽ thực hiện đồng thời phát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu trước khi thực hiện phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động.
Phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động sẽ được triển khai sau ngày chốt danh sách cổ đông hiện hữu để thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm và nhận thêm cổ phiếu phát hành để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.