Những cư dân trong sương mù
Sa Pa không phải nơi sinh ra, cũng chẳng phải nơi lớn lên nhưng họ lại coi 'miền đất trong sương' là nhà, bởi họ tìm thấy ở 'nơi gặp gỡ đất trời' có một lý do để ở lại, để yêu thương và gắn bó.
Nơi Nguyễn Mạnh Tùng (chàng trai tới từ Nghệ An) ở và làm việc là ngôi nhà nhỏ ở xã Tả Van. Căn nhà là một không gian nghệ thuật với cây xanh, đá, gỗ, cà phê và âm nhạc. Tùng sinh năm 1992, lên Sa Pa từ năm 2016 và gắn bó với mảnh đất sương mù đến nay. Anh học nhiếp ảnh, sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề mộc, anh mang trong mình tâm hồn nghệ sỹ. Tùng lên Sa Pa du lịch và quyết định ở lại, mở quán nhỏ bán cà phê, đồ gỗ, đá, trồng cây với lý do “nơi này thật dễ chịu”.
Hằng ngày, Tùng sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật từ gỗ, đá và pha chế cà phê. Văn hóa bản địa, cảnh vật, cuộc sống ở Tả Van đã nuôi dưỡng tâm hồn, cho anh cảm hứng sáng tạo. “Đôi khi nhận diện được cái đẹp đã khó, làm ra cái đẹp còn khó hơn. Từ que củi ẩn giấu trong bùn, mình nhìn ra nét đẹp của nó, nguệch ngoạc vài vết đục cũng có một sản phẩm nghệ thuật”, Tùng bộc bạch.
Nhưng cũng có lúc anh chăm sóc tỉ mẩn cây xanh như chăm chính mình. Đối với Tùng, mọi thứ xung quanh đều có thể kết nối và có câu chuyện riêng của nó. Gỗ giúp anh thể hiện được sự mộc mạc trong tính cách, đá giúp cân bằng tâm trí.
Anh yêu con người, văn hóa bản địa và cuộc sống bình lặng, nhẹ nhàng ở bản. Thi thoảng có vài người bạn của anh gửi vài cuốn sách, đồ chơi lên, anh dành hết cho những đứa trẻ ở xung quanh mình. “Mỗi lần nghe mình bảo ngày mai mấy đứa ra có quà nhé” là y như rằng tụi nhỏ lẫn bà câm gần nhà đều háo hức đến sớm trước vài tiếng đồng hồ đợi chờ. Đứa chọn được cho mình chiếc áo, đứa thì quyển truyện, còn bà câm chả nói năng được gì, ú ớ vớ ngay chiếc quần, đôi khi cái áo, cái khăn. Mình đứng nấp sau khung cửa ngó ra để cảm nhận niềm vui của mọi người”, Tùng tâm sự về niềm vui khi làm việc ý nghĩa cho bà con và anh lặng lẽ chụp lại những thứ diễn ra xung quanh mình.
Khoảng thời gian 7 năm ở Sa Pa với nhiều trải nghiệm đáng quý, Tùng nhận được nhiều sự giúp đỡ từ mảnh đất này. Anh đã thực hiện chuỗi video về cuộc sống trên bản. Tùng nói: Có quá nhiều câu chuyện trong những năm qua mà chẳng nói thành lời. Thay lời muốn nói, mình đã dựng thành những thước phim nhỏ kể về cuộc sống ở Tả Van.
Ngoài quán cà phê nhỏ, anh đang mở thêm quán ăn ngay bên cạnh như một sự đảm bảo với chính mình sẽ gắn bó với mảnh đất này lâu hơn nữa. Anh cũng sẵn sàng chào đón những người bạn đến với không gian nghệ thuật của mình, để cùng chia sẻ những câu chuyện thú vị về Sa Pa.
Rời quán nhỏ của Tùng, tôi đi ngược về trung tâm xã Tả Van. Tháng Tám, những thửa ruộng bậc thang, lúa đã chín vàng. Trên cung đường, dễ dàng bắt gặp các đoàn khách người nước ngoài đang trekking. Tôi tìm đến homestay của anh Vũ Nguyễn Quốc Quang, còn được mọi người gọi với tên quen thuộc là Gôn râu - người có niềm đam mê trekking mãnh liệt.
Giống như Mạnh Tùng, anh Quang không phải người Sa Pa gốc nhưng dành tình yêu đặc biệt cho nơi này. Anh sinh ra và lớn lên ở thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa), học tập tại Hà Nội nhưng lại chọn Sa Pa làm điểm dừng chân và thỏa mãn đam mê với du lịch. Sau khoảng 6 - 7 năm sống ở Sa Pa, anh được coi như thổ địa thực thụ, bởi kinh nghiệm dày dặn, am hiểu văn hóa, phong tục bản địa. Anh cũng là người dẫn đường đầy cảm hứng, giúp các tín đồ xê dịch khám phá Sa Pa theo phong cách rất riêng.
Vốn là người miền biển, thế nhưng anh lại có đam mê mãnh liệt với các cung đường miền núi, từ đó thôi thúc anh trở thành hướng dẫn viên trekking, hướng dẫn cho hàng nghìn lượt khách du lịch có chung niềm đam mê với môn này. Nhiều khách du lịch sau khi trải nghiệm đã truyền tai nhau, giới thiệu tour du lịch của anh. Nhận được sự ủng hộ của nhiều khách du lịch, anh cùng những bạn bắt đầu tổ chức các chuyến trekking bài bản hơn.
“Sa Pa có cảnh quan, khí hậu đặc trưng. Nơi này cũng là trung tâm trung chuyển của các tour trekking. Sa Pa không chỉ phù hợp để tôi phát triển đam mê của mình, mà còn mang đến sự thân thuộc. Tôi thực sự là chính mình khi ở đây”, anh Quang bộc bạch.
Tổ chức tour trekking theo cách riêng, những nơi anh đưa khách đến thường là làng bản còn nguyên sơ, nơi lưu giữ giá trị truyền thống của người bản địa. Anh cho biết: Ngày nay không chỉ khách quốc tế, mà nhiều bạn trẻ ở Việt Nam cũng yêu thích và tìm đến hình thức du lịch khám phá, trải nghiệm thay vì du lịch nghỉ dưỡng như trước.
Ngoài tổ chức tour trekking, anh mở một homestay để du khách nghỉ ngơi sau hành trình trải nghiệm. Ai đến homestay của anh cũng ấn tượng ngay từ cổng vào. Hàng rào được gắn kết từ những đôi dép tổ ong - đó là những đôi dép cùng anh và những người bạn trong các chuyến leo núi được lưu lại làm kỷ niệm. “Sau nhiều năm làm du lịch và tìm hiểu văn hóa bản địa, tôi thấy bà con làm du lịch theo bản năng. Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm mình tích lũy được để bà con vừa gìn giữ được văn hóa bản địa, vừa biến chúng thành chất liệu phục vụ du lịch”, anh Quang cho biết.
Với ý tưởng đó, 3 năm trước, anh đã hỗ trợ 6 học sinh THPT tại Tả Van. Sau giờ học, các em ở tại homestay của anh để học thêm về tiếng Anh, học cách nhận tour và trò chuyện, chia sẻ với khách.
Ngoài tổ chức tour trekking, anh còn leo núi. Đến nay, anh đã chinh phục gần hết các đỉnh núi cao ở Việt Nam. Đến địa điểm nào, anh cũng chụp ảnh, lưu giữ lại những khoảnh khắc quý. Khung cảnh 4 mùa, ngày mưa và bão tuyết, vẻ đẹp vô tận của thiên nhiên... hàng trăm bức ảnh quý với tác giả Gôn râu được đăng trên nhiều tạp chí du lịch, những tờ báo lớn trong và ngoài nước.
Gần homestay của anh Quang là Ginn’s House Ta Van - homestay của chị Minh Thy và anh Vũ. Nếu không được giới thiệu, chắc ít ai biết rằng chị Minh Thy sinh năm 1980. Chị trẻ trung, năng động từ phong cách thời trang tới cách nói chuyện, trông giống thế hệ 9X.
Chị Vũ Hoàng Minh Thy là người Thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi lên Sa Pa, chị có 10 năm gắn bó với công việc văn phòng. Thế nhưng, chỉ với chiếc xe máy và khao khát khám phá đó đây, chinh phục cuộc sống tự do, không gò bó, chị đã quyết định bỏ lại công việc đang làm và Bắc tiến. Tháng 9/2018, chị lên Sa Pa và phải lòng mảnh đất này. “Núi non, làng bản, nhịp sống và thời tiết ở Sa Pa có sức hút lạ kỳ. Đặc biệt, mùa đông ở Sa Pa, cái lạnh mà phía Nam không bao giờ có được đã níu chân tôi ở lại nơi này”, chị Minh Thy tâm sự.
Lên Sa Pa, chị làm quen với du lịch, bắt đầu từ việc quản lý khách sạn, homestay. Thế nhưng, cuộc sống ở nơi xa lạ chẳng mấy dễ dàng. Những bất đồng về ngôn ngữ với người bản địa, dịch bệnh bùng phát, công việc trở nên khó khăn, hơn một lần chị ngồi lên xe và quyết định rời Sa Pa. “Tôi đã lên Đà Lạt, nơi có khí hậu giống với Sa Pa và làm việc ở đó một thời gian. Nhưng Sa Pa vẫn có nét riêng, đặc biệt là văn hóa của người bản địa, nơi này lại cuốn tôi trở lại”, chị Thy trải lòng.
“Có lần tôi ngồi một mình ở bar nhỏ ngay trung tâm thị xã Sa Pa thì quen Vũ - chồng tôi bây giờ. Anh sinh ra và lớn lên ở Sa Pa, kém tôi 1 giáp, nhưng tuổi tác đối với 2 chúng tôi đơn giản chỉ là con số, điều quan trọng là chúng tôi tìm được tiếng nói chung. Tình yêu của chúng tôi bắt đầu kết trái ở đây”, chị Minh Thy chia sẻ.
Không còn đơn độc ở Sa Pa, chị Thy cùng anh Vũ xuống xã Tả Van, thuê một căn nhà nhỏ và biến nó thành homestay. Anh chị trau chuốt, tỉ mẩn chỉnh trang cho “đứa con tinh thần” của mình. Mỗi khách hàng đến với Ginn’s House Ta Van đều được tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc tận tình. Ngoài làm dịch vụ homestay, chị Minh Thy còn làm quản lý cho một nhà hàng ngay trung tâm thị xã.
Có lẽ, nhiều người đang sống tại Sa Pa cũng có suy nghĩ như chị Minh Thy: Sa Pa không phải là nơi sinh ra và lớn lên, nhưng tôi tự gọi mình là người Sa Pa. Nơi đây là nhà, bởi Sa Pa là nơi tôi tìm được hạnh phúc và thấy mình hạnh phúc!
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nhung-cu-dan-trong-suong-mu-post373733.html