Những cuộc chiến 'không tiếng súng' và chuyện người may cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17

Vĩ tuyến 17 khắc ghi nỗi đau chia cắt và khát vọng đoàn tụ của dân tộc. Giữa bom đạn, những người lính ngồi trong hầm sâu nỗ lực may từng lá cờ Tổ quốc. Lá cờ lớn tung bay nơi giới tuyến, thắp lên niềm tin vào ngày đất nước thống nhất.

Những cuộc chiến không tiếng súng ở giới tuyến 17

Cách đây hơn 70 năm, Hiệp định Geneve được ký kết, nước ta chia thành hai miền với vĩ tuyến 17 trên sông Bến Hải (giáp ranh hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) được xác định làm giới tuyến quân sự tạm thời. Hai miền sẽ thống nhất trước tháng 7 năm 1956 bằng tổng tuyển cử "tự do và dân chủ".

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.

Thế nhưng, chính quyền Ngô Đình Diệm, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ từ chối tổng tuyển cử, phản bội lại Hiệp định Geneve với ý đồ biến vĩ tuyến 17 thành biên giới quốc gia. Vĩ tuyến 17 - cầu Hiền Lương - sông Bến Hải trở thành biểu tượng khắc ghi nỗi đau chia cắt đất nước suốt 21 năm (1954 - 1975).

Giai đoạn đó, nơi đây có những "cuộc chiến không tiếng súng". Đó là cuộc chiến của màu sơn cây cầu Hiền Lương, độ lớn dàn loa tuyên truyền, hay chiều cao cột cờ...

Sau Hiệp định Geneve, nhằm động viên Nhân dân đấu tranh thống nhất đất nước, phía ta cho xây dựng hệ thống loa phóng thanh ở bờ Bắc sông Bến Hải. Chính quyền Sài Gòn liền gắn ở bờ Nam những cụm loa công suất lớn, lấn át loa phát của ta.

Đáp lại, ta lắp loa công suất cao hơn. Và cứ thế là những lần hai bên bờ thay đổi công suất loa để lấn át đối phương. "Cuộc chiến âm thanh" tiếp diễn cho đến năm 1965, hệ thống loa phóng thanh của cả hai bờ hoàn toàn ngừng hoạt động.

Hình ảnh một trong những giàn loa ở bờ Nam sông Bến Hải.

Hình ảnh một trong những giàn loa ở bờ Nam sông Bến Hải.

Rồi chuyện đấu màu sơn khi sông Bến Hải trở thành giới tuyến. Cầu Hiền Lương bị chia cắt, giữa cầu được vạch một đường chỉ ngang, sơn trắng, làm ranh giới 2 miền.

Ban đầu, phía Nam của cầu Hiền Lương được sơn màu xanh. Ngay sau đó, phía Bắc cầu cũng được ta sơn thành màu xanh. Địch liên tục đổi màu sơn ở nửa cầu phía Nam. Để thể hiện khát vọng thống nhất đất nước của quân và dân ta, phía Nam sơn màu gì, phía Bắc chúng ta cũng sơn màu đó. "Cuộc chiến" màu sơn cầu Hiền Lương kéo dài đến năm 1960 thì được giữ nguyên 2 màu xanh – vàng. Năm 1967, cầu Hiền Lương bị bom Mỹ đánh sập.

Cầu Hiền Lương ngày nay.

Cầu Hiền Lương ngày nay.

Đến năm 2001, cầu được phục dựng. Năm 2014, tỉnh Quảng Trị phục hồi 2 màu sơn cho cầu Hiền Lương như thời kỳ đất nước chưa thống nhất, nhằm nhắc nhớ, khắc ghi về khát vọng thống nhất, toàn vẹn non sông.

Hay cuộc chiến đọ chiều cao cột cờ, độ rộng lá cờ giữa 2 bờ cũng gay gắt không kém. Sau khi địch dựng cột cờ cao 35m, phía ta cũng xây dựng cột cờ mới cao 38,6m, lá cờ rộng 134m2, nặng 15kg. Đây là cột cờ cao nhất giới tuyến. Tiếp đó là những lần địch và ta đọ về kích cỡ những lá cờ.

Hình ảnh cột cờ ở bờ Bắc cầu Hiền Lương trong những năm tháng chiến tranh.

Hình ảnh cột cờ ở bờ Bắc cầu Hiền Lương trong những năm tháng chiến tranh.

Cụ ông kể chuyện may, bảo vệ cờ Tổ quốc bên giới tuyến

Cụ ông Nguyễn Đức Lãng (SN 1937), trú phường 5, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) vẫn còn nhớ như in những ngày ông cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ may cờ Tổ quốc tại giới tuyến Hiền Lương - Bến Hải.

Cụ ông Nguyễn Đức Lãng.

Cụ ông Nguyễn Đức Lãng.

Tua lại dòng ký ức, ông Lãng cho biết, ông nhập ngũ năm 1959, thuộc Ban Hậu cần, Công an giới tuyến huyện Vĩnh Linh. Từ năm 1960, cấp trên biết ông Lãng có "nghề may" nên giao phụ trách nhiệm vụ thiêng liêng may cờ Tổ quốc để treo trên Kỳ đài Hiền Lương - biểu tượng của lòng tin và ý chí Bắc - Nam thống nhất.

Theo ông Lãng, cờ được treo bên bờ Hiền Lương là cờ khổ lớn nên việc may không phải là dễ dàng. Cùng với đó, chiến tranh ác liệt, bom đạn dội xuống không ngừng. Vĩ tuyến 17, trở thành trọng điểm bị không quân Mỹ tấn công. Ông Lãng và đồng đội phải thực hiện nhiệm vụ may cờ trong những hầm trú ẩn chật hẹp với nhiều thiếu thốn. Trong nguy hiểm, khó khăn họ phải chắt chiu từng mét vải, cẩn trọng từng đường khâu.

Cảnh may cờ Tổ quốc được tái hiện tại Nhà trưng bày Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất.

Cảnh may cờ Tổ quốc được tái hiện tại Nhà trưng bày Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất.

"Lần đầu tiên chưa có kinh nghiệm, tôi mất 7 ngày để may một lá cờ rộng 96m2. Sau này quen tay, thời gian rút ngắn xuống còn 3 ngày. Để làm ra một lá cờ như vậy cần 122m2 vải đỏ và 10m2 vải vàng. Việc may những lá cờ khổ lớn rất khó khăn, nhất là khi ráp ngôi sao vàng 5 cánh", ông Lãng chia sẻ.

Cờ khổ lớn được treo cao dễ rách do thời tiết tác động. Cùng với đó là việc bị địch tấn công phá hoại nên ông Lãng cùng đồng đội luôn phải sẵn sàng cho việc sửa chữa và thay cờ. Lá cờ ấy tung bay như lời khẳng định lòng kiên cường, bất khuất, lời nhắn gửi đầy hy vọng đến đồng bào miền Nam.

"Bên mình may to, thì bên chính quyền miền Nam may to hơn, mình lại may to hơn nữa... May được cờ, treo cờ cũng là nhiệm vụ khó khăn, bảo vệ ngọn cờ ấy càng khó khăn hơn. Có lúc cột cờ bị đánh phá, các chiến sĩ phải tìm cây phi lao cao lớn để tạm thay thế, tiếp tục treo cờ lên. Bởi với bà con phía Nam sông, thấy lá cờ Tổ quốc tung bay là thấy niềm tin, hy vọng về ngày đất nước thống nhất", ông Lãng nhớ lại.

Ông Lãng đảm nhận nhiệm vụ may cờ Tổ quốc treo trên Kỳ đài Hiền Lương trong gần 15 năm. Khoảng tháng 4/1974, ông Lãng nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Nam. Sau khi đất nước thống nhất, ông Lãng phục vụ trong lực lượng Công an Nhân dân Vũ trang Phú Khánh (nay là Phú Yên và Khánh Hòa) sau đó mới về quê sinh sống lúc già.

Lá cờ Tổ quốc tung bay ở đôi bờ Hiền Lương.

Lá cờ Tổ quốc tung bay ở đôi bờ Hiền Lương.

Với những đóng góp của mình, ông Nguyễn Đức Lãng được Nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý. Ở tuổi gần 90, cụ ông vui sống cùng người thân nơi quê nhà. Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong tâm trí ông vẫn in sâu những ngày lửa đạn và tự hào khi góp được một phần sức của bản thân vào công cuộc thống nhất đất nước.

Đan Thanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-cuoc-chien-khong-tieng-sung-va-chuyen-nguoi-may-co-to-quoc-o-vi-tuyen-17-169250424164354563.htm