Những cuộc gọi từ Hoàng Sa

Chuyến tác nghiệp kéo dài một tuần tại Hoàng Sa vào năm 2014, khi các biên đội tàu chấp pháp của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trước sự xâm phạm của tàu Trung Quốc, có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những năm tháng làm nghề báo của tôi. Những hiểm nguy, vất vả mà chúng tôi trải qua ở 'tọa độ nóng' năm đó đều giống nhau, nhưng cá nhân tôi may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác là được 'xài sang'...

Kiểm ngư viên Võ Văn Thạch gọi điện “hộ sinh” cho vợ từ Hoàng Sa.

Kiểm ngư viên Võ Văn Thạch gọi điện “hộ sinh” cho vợ từ Hoàng Sa.

Chuyến tác nghiệp kéo dài một tuần tại Hoàng Sa vào năm 2014, khi các biên đội tàu chấp pháp của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trước sự xâm phạm của tàu Trung Quốc, có lẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những năm tháng làm nghề báo của tôi. Những hiểm nguy, vất vả mà chúng tôi trải qua ở “tọa độ nóng” năm đó đều giống nhau, nhưng cá nhân tôi may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác là được “xài sang”...

Cùng với việc đăng ký với các cơ quan trung ương, “xếp hàng” chờ đến lượt đi Hoàng Sa để có những tin tức kịp thời diễn biến ở thực địa, tôi được Tổng Biên tập lúc đó là Đại tá Nguyễn Đức Dũng yêu cầu bằng mọi cách phải tìm thuê được chiếc điện thoại vệ tinh. Thứ nhất là có thể liên lạc về tòa soạn hàng ngày, biết được phóng viên an toàn, thứ hai là phải có thông tin cập nhật để người dân biết nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển tại khu vực bị nước ngoài xâm phạm. Thời điểm đó, nhiều phóng viên lên tàu với hy vọng có thể có thiết bị truyền tin, nhưng cũng phó mặc cho hên xui, chỉ biết được đi là mừng. Cho đến trước ngày có “lệnh” lên đường, tôi may mắn tìm được đến nơi để thuê chiếc điện thoại vệ tinh duy nhất của VNPT Đà Nẵng với giá 100 USD mỗi ngày kèm 20 USD cho mỗi phút. Khi bàn giao thiết bị, tôi được cán bộ kỹ thuật của VNPT hướng dẫn cách sử dụng để có thể tự xoay xở khi ra giữa biển khơi.

Khác với nhiều đồng nghiệp khác được tác nghiệp cùng nhau trên tàu chỉ huy hoặc các tàu nhỏ khác của lực lượng Cảnh sát biển, một mình tôi rơi vào tàu Kiểm ngư KN762 và mất 2 ngày “lộn ruột”, không thể nuốt được bất cứ thứ gì. Được các kiểm ngư viên giúp đỡ, đến ngày thứ ba tôi mới có thể đi lại và ôm “bảo bối” ra trước boong để thực hiện cuộc gọi đầu tiên về đất liền. Do có kinh nghiệm đi Hoàng Sa chuyến trước đó nên nhà báo Lê Công Hạnh đã là người được phân công để nghe máy và gõ lại những gì tôi tường thuật với chất lượng sóng chập chờn. Nghe được tiếng của nhau lúc đó, chúng tôi thấy ấm áp vô cùng! Công việc được lặp lại hàng ngày bằng việc hẹn giờ để một người tường thuật qua điện thoại, một người nghe và biên tập lại để lên trang cho số báo hôm sau. Chỉ có điều thiết bị không thể truyền ảnh dù tôi đã chụp hàng nghìn tấm trong các buổi cơ động của biên đội tàu chấp pháp Việt Nam và cả tàu Trung Quốc. Sau những ngày đầu thấy mình nhỏ nhoi giữa biển khơi, sự quan tâm của anh em kiểm ngư và các cuộc liên lạc chớp nhoáng với đồng nghiệp ở đất liền, tôi thấy mình đã tự tin và dần thích nghi với cuộc sống trên tàu.

Tác giả cùng chiếc điện thoại vệ tinh tại Hoàng Sa năm 2014.

Tác giả cùng chiếc điện thoại vệ tinh tại Hoàng Sa năm 2014.

Chiếc điện thoại hữu ích mà Ban Biên tập yêu cầu tôi phải có để mang theo đã trở thành vật chứng của câu chuyện cảm động, mãi sau này tôi cũng không thể quên. Giữa buổi trưa của ngày thứ tư trên tàu, tôi đang thiu thiu thì kiểm ngư viên Võ Văn Thạch vỗ nhẹ vào vai: “Nghe nói nhà báo có điện thoại gọi được về đất liền. Cho tui xin mấy phút gặp vợ đang ở trong bệnh viện. Ngày tui đi, vợ được gia đình đưa vào chờ sinh. Tui linh tính là sắp sinh rồi, an ủi tiếng để vợ yên tâm vượt cạn. Thương quá nhưng không biết làm răng”. Tôi hàng ngày vẫn “tiết kiệm” vì nghĩ về kinh phí phải trả cho bên thuê sau chuyến công tác đặc biệt này mà “phát sốt”, nhưng nghe Thạch nói xong lập tức mở máy cho anh gọi “xả láng”. Cuộc gọi đầu tiên, nghe vợ anh ré lên vì mừng được “gặp” chồng nhưng phải cúp vì bắt đầu vào phòng sinh. Thạch chỉ kịp dặn vợ cứ thở thật đều, đừng la ré kẻo bác sỹ, y tá họ “không ưa”. Ba tiếng sau, Thạch hồi hộp gọi lại thì được vợ thông báo “thằng cu con ba ký bảy, giống anh như đúc”. Cả tàu hân hoan, bếp trưởng tuyên bố sẽ làm “tiệc” ngon nhất mừng đứa cháu chào đời trước thềm ngày Quốc tế thiếu nhi. Thạch không dùng nhật ký, nhưng anh có cuốn sổ công tác dày cộp gối đầu giường. Anh ghi vào đó: “Chiều ngày 31-5-2014, vợ sinh thêm thằng con trai. Vợ đặt tên nó là Gia Nguyên vì mong muốn mọi điều nguyên vẹn, chuyện gia đình cũng như chuyện đất nước. Nhưng mình ghi vào đây cho nó một cái tên nữa: Võ Trần Tri Tôn, tên hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa thân yêu”. Ngô Quốc Tuấn - Thuyền trưởng tàu KN762 lúc đó ôm lấy tôi nói rằng, cuộc gọi vừa rồi là sai nguyên tắc, nhưng là cuộc gọi mà ai nấy cũng rơi nước mắt vì hạnh phúc.

Giữa biển khơi, mỗi tàu trong biên đội mà cánh nhà báo chúng tôi tác nghiệp cùng ra, cùng vào theo hợp đồng tác chiến. Chúng tôi biết đồng nghiệp ở tàu này, tàu kia, nhiều người được ăn ở cùng nhau nhưng nhiều người phải làm việc độc lập. Sau 7 ngày, tôi gọi điện về xin ý kiến của Ban Biên tập là tiếp tục nhiệm vụ hay trở về. Đầu dây bên kia, Tổng biên tập Nguyễn Đức Dũng động viên: “Làm tốt lắm, nhưng về để cho người khác còn đi nữa”. Cánh nhà báo hồi đó từ khắp cả nước đổ về Đà Nẵng đông lắm, ai cũng háo hức ra với Hoàng Sa. Người từ biển khơi trở về thì đầy tự hào vì mình đã trải qua một chuyến công tác đặc biệt, thực hiện trách nhiệm với nghề, trách nhiệm công dân trước điều thiêng liêng của đất nước: đó là chủ quyền. Vào thời điểm đó, nhà báo nào đang lang thang ở quán cà-phê hay ngoài bờ biển thì đều hỏi nhau “gần tới lượt được đi chưa?”, còn những ai bước chân lên tàu thì đều hỏi nhau “có điện thoại vệ tinh không?”. Những cuộc gọi từ Hoàng Sa bằng điện thoại vệ tinh chắc hẳn phải là những cuộc gọi kéo gần khoảng cách nhất.

CÔNG KHANH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nhung-cuoc-goi-tu-hoang-sa-post279337.html