Những cuốn sách của thầy
Ngày xưa học trò đến nhà thầy không phải để biếu cái này, tặng cái kia. Nghèo xác xơ lấy gì mà tặng. Đến là để mượn sách, hoặc cầm về nhà đọc hoặc ngấu nghiến đọc luôn ở đó.
Thầy tôi nghèo. Sau mấy chục năm dạy học, những thầy cô khác đã xây được nhà, mua được xe máy, nuôi mấy đứa con ăn học. Chỉ có thầy Kha là vẫn đạp chiếc xe cũ kỹ, lớp sơn đã bong tróc còn trơ gỉ sắt. Thầy vẫn ở nhà lá, “lên đời” được bốn bức tường bằng gạch xỉ thay vì tường đan tre đắp đất ngày xưa.
Phụ huynh nhiều lần ngỏ ý muốn tài trợ ít tấm lợp proximang nhưng thầy bảo ở thế cho mát. Mọi người cũng không ai thắc mắc tiền lương thầy để đâu hết mà phải sống cuộc đời kham khổ. Vì ai cũng biết gia tài của thầy không nằm ở những thứ hào nhoáng bên ngoài. Mà như thầy nói “chết rồi cũng đâu mang được nhà đẹp, xe sang xuống mồ”. Tiền có bao nhiêu thầy đầu tư làm tủ sách.
Từ đầu những năm chín mươi, khi tôi còn đang học cấp II, sách lúc ấy rất khan hiếm. Đói ăn đã khổ, đói chữ còn cực hơn. Mấy cuốn sách giáo khoa truyền tay nhau qua không biết bao nhiêu thế hệ. Đến lúc tôi cầm chúng trên tay thì cuốn đã mất gáy, cuốn xoăn tít, cuốn gián nhấm, mối mọt đục nát từng con chữ.
Nhiều khi ba đứa ngồi cùng bàn ghép sách giáo khoa lại mới có được một bài học trọn vẹn. Ấy vậy mà trong tủ sách của thầy đã có biết bao nhiêu sách quý. Những cuốn sách thiên văn mở ra cả vũ trụ kỳ bí. Sách văn học dẫn dắt lòng người mê đắm trong những câu chuyện gần gũi và cảm động. Nhờ thầy tôi đọc được Những tấm lòng cao cả của Edmondo De Amicis; Thép đã tôi thế đấy của Nicolai Ostrovski; tập truyện dân gian đồ sộ Nghìn lẻ một đêm của nhân dân Ả Rập…
Mọi người đã quá quen thuộc với hình ảnh thầy lóc cóc đạp xe lên bưu điện huyện hàng tháng. Cứ vào ngày lĩnh lương là thầy đi, bất kể mưa hay nắng. Lúc về bao giờ trong giỏ xe của thầy cũng có vài cuốn sách. Đa phần đều là sách thầy nhờ bạn bè mua ở dưới thành phố rồi gửi thanh toán tiền cho họ qua bưu điện. Thường chẳng có cuốn nào mới tinh tươm. Tất cả đều là sách cũ nhưng đã về tay thầy là sẽ được nâng niu thẳng thớm.
Ngày xưa học trò đến nhà thầy không phải để biếu cái này, tặng cái kia. Nghèo xác xơ lấy gì mà tặng. Đến là để mượn sách, hoặc cầm về nhà đọc hoặc ngấu nghiến đọc luôn ở đó. Thầy thấy đứa nào ham đọc là thầy khoái lắm, đến bữa còn giữ lại ăn cơm. Cơm nhà thầy luôn có rau tàu bay, hoặc rau đay, rau dền thêm ít tép kho tương. Thầy ngồi đầu nồi xới cơm, nhận về phần mình mảnh cháy đáy nồi.
Sách thầy cho mượn bao giờ cũng kèm một điều kiện là phải biết giữ gìn. Đứa nào cẩu thả lần sau thầy phạt không cho mượn nữa. Nên lần nào mượn sách tôi cũng nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Chỉ dám đọc buổi tối lúc ở nhà chứ tuyệt đối không dám mang đi chăn trâu. Giở sách phải thật nhẹ nhàng, đọc xong nhớ vuốt phẳng phiu. Chỗ nào chưa hiểu ghi số trang riêng ra một cuốn vở rồi mang hỏi thầy.
Cách thầy giảng giải mới gần gũi và dễ hiểu làm sao. Những bài học đời thường từ thầy nếu biết chắt chiu còn hay hơn nhiều bài giảng trên lớp học.
Năm tôi thi đỗ cấp III thầy tặng tôi một món quà. Đó là cuốn từ điển tiếng Việt nhỏ bằng lòng bàn tay. Bìa đã cũ được thầy bọc lại bằng bìa cứng. Tôi hiểu ý nghĩa món quà thầy tặng. Đó vừa là sự động viên vừa là lời nhắc khéo. Thầy ghi tặng một dòng nho nhỏ “trước khi muốn viết được những bài văn hay thì em cần phải đọc chuẩn và viết chuẩn”.
Tôi bây giờ thỉnh thoảng vẫn còn sai chính tả, nghĩ đến thầy lòng xấu hổ. Cuốn từ điển thầy tặng vẫn theo tôi, nằm khiêm nhường giữa tủ sách muôn màu. Thầy thỉnh thoảng vẫn gọi điện mỗi khi đọc được một bài viết nào đó của tôi trên báo. Gọi để động viên đứa học trò nhỏ dù tôi biết mình còn thiếu chỗ này, hụt chỗ kia.
Bây giờ sách vở không còn thiếu thốn như xưa nhưng lại thiếu những tấm lòng yêu sách và hy sinh vì sách như thầy. Tấm lòng thầy luôn được ví như một kho sách quý…
Vũ Thị Huyền Trang / Nghệ An
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-cuon-sach-cua-thay-post1376929.html