Những cựu chiến binh hăng hái làm giàu
Thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong những năm qua các cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn tỉnh luôn giữ vững phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Nhờ vậy, tỉ lệ hộ nghèo trong hội viên ngày càng giảm và nhiều hội viên đã có cuộc sống ấm no.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Lào, năm 1984, CCB Lê Bình trở về quê hương ở xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong. Trong một lần lên thăm đồng đội ở huyện Hướng Hóa, nhận thấy ở đây đất đai nhiều và màu mỡ, ông quyết định đưa cả gia đình lên lập nghiệp ở vùng quê mới tại xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa. Ban đầu cũng hết sức vất vả nhưng với tinh thần vượt khó, ông đã khai hoang đất đai, trồng cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, mạnh dạn vay vốn, mở cơ sở kinh doanh dịch vụ. Với cách làm này, kinh tế ngày càng phát triển, mấy năm trở lại đây, gia đình ông có thu nhập ổn định, có năm thu nhập đến 300 triệu đồng. “Cùng với quyết tâm, nỗ lực của gia đình cũng như sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp Hội CCB, chính quyền địa phương mà gia đình tôi đã có thuận lợi trong làm ăn. Cũng nhờ kinh tế ổn định, có thu nhập mà đời sống gia đình tôi được khấm khá, nuôi con cái học hành tới nơi tới chốn và có điều kiện để hỗ trợ lại một phần cho hội viên CCB khó khăn hơn”, ông Bình chia sẻ.
Năm 1964, gác lại những ước mơ hoài bão, ở tuổi 20 chàng thanh niên người dân tộc Vân Kiều Hồ Văn Vê (ở thôn Bến Tắt, xã Linh Trường, huyện Gio Linh) đã tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau 4 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông xuất ngũ trở về địa phương và tập trung xây dựng kinh tế gia đình. Nhận thấy nơi mình sinh sống có đất đai rộng lớn, màu mỡ nên năm 1997 ông Vê đã quyết định cải tạo vườn tược trồng hồ tiêu, hoa màu đồng thời khai hoang đất để trồng cao su và rừng. Mặc dù đã chăm chỉ làm lụng, thế nhưng những ngày đầu bắt tay vào làm kinh tế, người CCB này cũng đã gặp không ít khó khăn. Ông Vê chia sẻ: “Ngày xưa khổ lắm, nhà cửa thì tồi tàn, tiền không có nên có muốn làm gì cũng không được. Khai hoang đất thì sức người có hạn, chỉ có cây rựa, cái cuốc, vợ chồng tôi làm được chừng nào hay chừng ấy. Rồi cơm không đủ ăn, rồi những lúc đau ốm khó khăn lắm. Chúng tôi chỉ có thể động viên nhau cố gắng làm lụng, ra sức xây dựng kinh tế gia đình để sau này cuộc sống được ổn định hơn”. Dẫu trải qua nhiều khó khăn, vất vả, thế nhưng với phẩm chất can trường của người lính Cụ Hồ không cam chịu nghèo khó, CCB Hồ Văn Vê đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Bằng sự cần cù, chịu khó và bản lĩnh dám nghĩ dám làm, từ hai bàn tay trắng, đến nay gia đình ông đã sở hữu 8 ha rừng, 3 ha cao su, 150 gốc hồ tiêu và 20 con trâu, bò… Từ mô hình kinh tế này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định mỗi năm từ 400- 500 triệu đồng cho gia đình ông. Không chỉ phấn đấu làm giàu cho gia đình mình, CCB Hồ Văn Vê còn chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt cho các hội viên khác, giúp họ thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Nói về tấm gương CCB Hồ Văn Vê, Chủ tịch Hội CCB xã Linh Trường Hồ Văn Song nhận xét: “Ông Hồ Văn Vê là một trong những hội viên CCB điển hình tại địa phương, với tinh thần hăng say trong lao động sản xuất. Chúng tôi đánh giá rất cao những thành quả kinh tế mà gia đình ông Vê phấn đấu xây dựng được. Chính vì thế mà thời gian qua, Hội CCB xã đã luôn đồng hành, động viên và tạo mọi điều kiện để gia đình ông Vê tiếp cận vốn vay, tiếp tục phát triển kinh tế gia đình”. Với những nỗ lực, quyết tâm làm giàu, CCB Hồ Văn Vê là tấm gương sáng về tinh thần vượt lên khó khăn, quyết tâm thoát nghèo và làm giàu. Ông nhiều lần được chính quyền, đoàn thể các cấp biểu dương khen thưởng là “CCB làm kinh tế giỏi”, nêu gương cho các thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Không chỉ các CCB Lê Bình, Hồ Văn Vê, mà tùy theo đặc điểm, tình hình của từng nơi, ở đâu CCB cũng biết khai thác lợi thế của địa phương, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, tìm cách làm giàu cho mình và làm giàu cho quê hương. Bám sát chức năng, nhiệm vụ của mình, các cấp Hội CCB không chỉ tuyên truyền, vận động hội viên phát huy ý chí tự lực, tự cường mà còn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ. Trong đó đáng chú ý là đã tín chấp, nhận ủy thác vay vốn từ ngân hàng cho hội viên vay, tổng dư nợ hiện tại là hơn 437 tỉ đồng. Đồng thời, mở các lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả. Nhờ vậy, đến nay tỉ lệ hộ nghèo trong hội viên giảm chỉ còn 1,81%, toàn tỉnh có hàng nghìn hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Hữu Đức, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: “Phát huy vai trò của Hội CCB cấp tỉnh, thời gian qua chúng tôi đã tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huy động nguồn vốn ưu đãi để hỗ trợ giúp đỡ hội viên ở cơ sở phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, cũng tích cực hỗ trợ thiết thực cho hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm, bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh khắc phục khó khăn để vươn lên trong cuộc sống”…
Có thể nói, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Hội CCB tỉnh đã cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực. Trong đó phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế ngày càng lan tỏa và đi vào chiều sâu, được đông đảo hội viên hưởng ứng tham gia và đạt được những kết quả quan trọng, khẳng định vai trò, vị trí của CCB trên mặt trận mới.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=152915