Những cựu chiến binh tỏa sáng giữa thời bình
Ði qua chiến tranh, những cựu chiến binh (CCB) trở về cuộc sống đời thường, nhiều người mang trên mình thương tích. Thế nhưng, bằng nghị lực, nhiều người vẫn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Đồng chí Phạm Thị Phúc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thăm hỏi thương binh Nguyễn Văn Toàn
CCB Nguyễn Văn Toàn (SN 1955), quê gốc Quảng Nam, năm 1964, khi vừa tròn 20 tuổi, ông xung phong tham gia lực lượng vũ trang địa phương. Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, ông Toàn lập nhiều chiến công, đặc biệt là trận tập kích đài ra đa Trạm Hành, khiến địch tổn thất nặng. Sau trận đó, ông được điều ra Bắc đào tạo sĩ quan, rồi trở về giữ chức Đại đội trưởng thuộc Sư đoàn 7, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ.
Năm 1973, trong một trận đánh tại Lộc Ninh, ông bị thương nặng do trúng đạn M79, mất một mắt và mang trên người nhiều vết thương. Sau thời gian điều trị, năm 1975, ông tiếp tục cầm súng trở lại chiến trường Khu VI, trong vai trò là Chính trị viên C3 200C tại Bình Thuận (cũ).
Trở về sau chiến tranh với thương tật trên cơ thể, ông Toàn vẫn không ngừng đóng góp cho quê hương. Năm 1955, ông cùng gia đình vào lập nghiệp tại vùng đất Xuân Trường - Đà Lạt. Ông cũng là một trong những người góp công thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Xuân Trường - Đà Lạt. Sau đó, ông lần lượt công tác tại Huyện đội Đơn Dương và giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Xuân Trường (cũ). Là người gần dân, hiểu dân và luôn tận tâm với công việc, ông Toàn tiên phong trong mọi phong trào, góp phần đưa địa phương ngày càng đổi mới bằng chính tinh thần người lính năm xưa.

Ở thời bình, CCB vươn lên phát triển kinh tế bằng ý chí của Bộ đội Cụ Hồ
Cũng là một người lính mang trong mình vết thương chiến tranh, ông Yani (người Cil) ở xã D’ran, chưa một lần cho phép mình chùn bước. Nhập ngũ năm 1988, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Trong một trận giao tranh ác liệt, ông bị thương nặng ở tay. Trở về quê, ông bắt tay gây dựng cuộc sống mới với gần 2 ha cà phê và hồng, từng bước ổn định kinh tế gia đình.
Không chỉ giỏi làm kinh tế, ông Yani còn là Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Kalkill, tổ trưởng tổ vay vốn với 25 hội viên. Tận tụy, trách nhiệm, ông luôn hướng dẫn hội viên tiếp cận nguồn vốn và cách làm ăn hiệu quả. Nhờ vậy, tổ vay vốn do ông phụ trách hiện có dư nợ hơn 1,1 tỷ đồng nhưng không có nợ xấu. Mỗi lần trở trời, vết thương cũ lại đau nhức, nhưng ông chưa bao giờ nề hà công việc. “Từng trải qua gian khổ trong thời chiến, sống trong thời bình càng phải cố gắng hơn. Làm được điều gì có ích cho hội, cho thôn, buôn thì thấy cuộc đời càng thêm ý nghĩa”, ông Yani chia sẻ.
Tại xã Phú Sơn Lâm Hà, thương binh Đỗ Thành Long (SN 1955) là một tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, vươn lên giữa đời thường. Ông kể, năm 1976, trong một trận truy quét tàn quân Fulro tại Đầm Ròn (cũ) khi đang công tác tại Huyện đội Đức Trọng (cũ), ông bị thương nặng và được phục viên. Trở về đời thường với hai bàn tay trắng, ông cùng gia đình bền bỉ gây dựng kinh tế trên vùng đất mới. Đến nay, mô hình sản xuất hơn 7 ha cà phê và cây ăn trái của ông mang lại thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm, đồng thời, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Bằng Tiên 2, ông Long luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, tích cực vận động hội viên tương trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, chăm lo các gia đình khó khăn. Nhờ tinh thần trách nhiệm và sự tận tâm của ông, chi hội không còn nhà tạm, không còn hội viên nghèo.
Từ chiến trường trở về, họ vẫn là những người lính trong thời bình, kiên cường, không ngại khó, ngại khổ trên mặt trận phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, vun đắp nghĩa tình đồng đội và truyền ngọn lửa cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/nhung-cuu-chien-binh-toa-sang-giua-thoi-binh-383870.html