Những cựu chiến binh trên chiến trường Vị Xuyên

Với những người lính tham gia chiến đấu trên chiến trường Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang) những năm 1980, ký ức về một thời chiến tranh ác liệt không thể nào quên. Giờ đây, trong thời bình, những người cựu chiến binh (CCB) ấy vẫn không ngừng cống hiến, phục vụ quê hương.

 Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hòa đọc tư liệu về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Ảnh: TP

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hòa đọc tư liệu về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Ảnh: TP

“Cuộc chiến trên chiến trường Vị Xuyên khi ấy ác liệt vô cùng”, CCB Nguyễn Thanh Hòa ở Khu phố 2, thị trấn Cam Lộ mở đầu câu chuyện. Ngày 27/7/1984, tạm gác công việc của một cán bộ hợp tác xã nông nghiệp, ông Hòa khi đó mới 24 tuổi lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên. Là Tiểu đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 881, Sư đoàn 314, ông Hòa cùng các đồng đội có nhiệm vụ tấn công địch, bảo vệ các vị trí đồi đài COX, Pháp 1, 2, 3,… “Hỏa lực của địch lúc ấy rất mạnh. Chúng điên cuồng tấn công vào các căn cứ của quân ta hòng chiếm lấy đồi đài. Tôi còn nhớ ngày 4/9/1985, bộ đội ta vừa phải chiến đấu suốt 3 ngày 3 đêm với quân địch, vừa phải chống chọi với trận mưa lớn chưa từng thấy. Vừa đói, vừa lạnh, lại thiếu đạn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm giữ chốt. Đến ngày 7/9/1985, giữa đạn pháo không ngớt của địch, các chiến sĩ hậu cần của ta phải cơ động từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối mới có thể tiếp tế đạn dược và lương thực cho chúng tôi”, ông Hòa tâm sự.

Ông Hòa kể, theo biên chế của các đơn vị, mỗi hầm ẩn nấp (thực chất là hang đá, vách đá) có 6 người thay phiên nhau canh gác và nghỉ ngơi, chia nhau từng nắm cơm, miếng nước, đắp chung tấm chăn mỏng. Gian khổ là thế nhưng các chiến sĩ không hề chùn lòng, luôn nắm chắc tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Cùng chung đơn vị với CCB Nguyễn Thanh Hòa có thương binh hạng 2/4 Lê Quang Hòe ở thôn Lâm Lang 1, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ. Trong ký ức của ông Hòe mãi không thể quên trận chiến ác liệt vào ngày 28/9/1985. Đó là hôm quân địch bất ngờ đánh một lượng lớn bộc phá làm sập toàn bộ hầm tiền tiêu của tiểu đoàn. Trong 2 năm 1985 - 1986, địch mở nhiều đợt tiến công lấn chiếm. Chiến sự diễn ra vô cùng quyết liệt, có những nơi như ở Bốn Hầm, ta và địch giành giật nhau tới 38 lần, điểm cao 685 tới 41 lần, đồi COX tới 45 lần. Tháng 11/1985, địch một lần nữa tấn công đồi COX, ông Hòe và một người chiến sĩ khác bị thương, nhiều đồng đội của ông hy sinh, nằm lại chiến trường Vị Xuyên khi tuổi đời còn rất trẻ.

 Thương binh Lê Quang Hòe xem lại những kỷ vật thời quân ngũ. Ảnh: TP

Thương binh Lê Quang Hòe xem lại những kỷ vật thời quân ngũ. Ảnh: TP

Ngày 20/10/1987, ông Hòa trở về quê hương, hoàn thành chương trình học tại Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Sau nhiều năm công tác tại Sở Nông nghiệp- PTNT, vì điều kiện sức khỏe và gia đình, hiện nay ông Hòa về làm chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Cam Lộ. Trong quá trình công tác, ông Hòa luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và nhiều lần được các cấp khen thưởng. Với ông Hòe, là thương binh hạng 2/4, mức độ thương tật là 71% nhưng vẫn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Bên cạnh làm nông nghiệp, phát triển kinh tế, ông Hòe còn là chi hội trưởng chi hội CCB uy tín, trách nhiệm của thôn Lâm Lang 1, xã Cam Thủy.

Ngày 27/7 hằng năm, kỷ niệm ngày nhập ngũ của các chiến sĩ Vị Xuyên năm ấy, những CCB như ông Hòa, ông Hòe cùng đồng đội thường tổ chức gặp mặt, ôn lại kỷ niệm và về thăm chiến trường xưa. Ở nơi đó, họ vẫn như những chàng trai tuổi đôi mươi, cùng khoác vai nhau, cất cao tiếng hát…

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=146171