Những 'đại sứ' lan tỏa văn hóa Việt ở nước ngoài

Trong 16 năm đầu tư ra nước ngoài tại 10 thị trường ở 3 châu lục, những người Viettel không chỉ 'xuất khẩu' công nghệ viễn thông, mà còn góp phần lan tỏa văn hóa, truyền thống Việt Nam, ghi dấu ấn đậm nét trong lòng bạn bè quốc tế.

Chị Nguyễn Lưu Ly đã làm việc tại Viettel 17 năm, trong đó có hơn 10 năm làm việc ở Viettel Global và từng giữ chức vụ Trưởng phòng Truyền thông Viettel Global. Chị đã cùng đội ngũ của Viettel đi khảo sát hơn 30 nước và trực tiếp xây dựng 10 thương hiệu viễn thông của Viettel ở nước ngoài.

Chị Nguyễn Lưu Ly đã làm việc tại Viettel 17 năm, trong đó có hơn 10 năm làm việc ở Viettel Global và từng giữ chức vụ Trưởng phòng Truyền thông Viettel Global. Chị đã cùng đội ngũ của Viettel đi khảo sát hơn 30 nước và trực tiếp xây dựng 10 thương hiệu viễn thông của Viettel ở nước ngoài.

CÓ MỘT VIỆT NAM TRONG MẮT BẠN BÈ QUỐC TẾ…

Viettel bắt đầu mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài từ năm 2006. Khi đi ra nước ngoài, người Viettel luôn coi mình như một đại sứ văn hóa, từ những việc nhỏ như trang trí văn phòng đón Tết theo cách truyền thống, lì xì cho nhân viên sở tại hay tổ chức bếp ăn Việt... đến các giá trị văn hóa nhân văn khác.

Tôi nghĩ, điều khiến người dân châu Phi có thể nói những câu tiếng Việt đơn giản một cách vui vẻ, hào hứng, như “Xin chào!”; có thể phân biệt được người Việt Nam với người Trung Quốc… chính là sự nỗ lực, chăm chỉ và chân tình của những con người Viettel.

Campuchia là thị trường nước ngoài đầu tiên, cũng là nơi chúng tôi lần đầu ra nước ngoài làm việc với vai trò chuyên gia. Khi sang đây, chúng tôi duy trì cách làm việc vốn có và không hề nghĩ rằng, qua đó đã thể hiện nét văn hóa Việt.

Chị Sophalla, nhân viên của Viettel ở Campuchia từ những ngày đầu, nhớ lại: “Những người đồng nghiệp nói tiếng Việt của tôi làm việc suốt ngày, họ gần như không phân biệt thời gian nghỉ hay làm việc, bất kể lúc nào”. Dần dần, chính chị Sophalla cũng bị “ngấm” văn hóa đó và bắt đầu thay đổi thói quen làm việc. Mỗi ngày, chị ở cơ quan nhiều hơn, dù không có quy định về việc làm thêm.

Thế hệ 8x của chúng tôi đã quen với việc văn hóa phương Tây, Nhật Bản, Hàn Quốc… du nhập vào Việt Nam, nhưng trước khi trở thành người Viettel, tôi chưa hề nghĩ tới một ngày nào đó sẽ mang văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, nhưng không phải bằng bánh chưng, nem rán…

- Nguyễn Lưu Ly

Một câu chuyện khác từ người đồng nghiệp Khmer của chúng tôi. Bạn ấy từng thắc mắc, tại sao các đồng nghiệp nói tiếng Việt cứ phải mày mò làm tất cả mọi thứ. Có lần chuẩn bị hồ sơ dự án để trình Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC), bạn ở lại Công ty tới tận 1 - 2 giờ sáng để cùng một chị đồng nghiệp thực hiện một việc rất đơn giản: photocopy tài liệu, đóng gáy từng cuốn Hồ sơ dự án. Bạn hỏi chị ấy: “Tại sao không in một cuốn rồi mang ra cửa hàng photocopy nhờ họ làm cho nhanh?”. Chị ấy chỉ mỉm cười và tiếp tục làm.

Ba ngày sau khi nộp hồ sơ, ông Heng, Phụ trách Thẩm định dự án của CDC gọi cho bạn thông báo Hồ sơ đã qua được vòng 1 và nhận xét: “Đây là cuốn dự án đầu tiên tôi thấy làm rất chuyên nghiệp, kỹ lưỡng và cẩn thận, từ hình thức, cách sắp xếp cho đến cách đánh dấu từng mục. Nó thể hiện sự tôn trọng và nghiêm túc của Công ty”. Bạn ngỡ ngàng, vui mừng và đã hiểu được vì sao chị đồng nghiệp Việt Nam lại muốn tự tay chuẩn bị từng cuốn hồ sơ cẩn thận như vậy.

Còn ở Lào, thời điểm đó, nhân viên của các công ty viễn thông được mặc định là sang trọng, nên không có chuyện họ thức đêm, dậy sớm, đi bán hàng ngoài đường… Nhưng từ khi những người Việt Nam sang đây làm viễn thông, mọi chuyện thay đổi hoàn toàn.

Ông Bee Mua, Phó tổng giám đốc Unitel (Viettel tại Lào) chia sẻ: “Lúc đầu, tôi không tin Unitel sẽ thành công. Nhưng sau khi làm việc cùng các đồng nghiệp người Việt Nam, tôi đã có niềm tin, dù lúc đó cũng không nghĩ là thành công đến nhanh như vậy”.

Giải thích thêm về cách bán hàng tận nơi của Unitel, ông Tô Mạnh Hải, Phó tổng giám đốc Unitel giai đoạn đó cho biết, chỉ có bán hàng như vậy, thì khách hàng mới thấy sự khác biệt của Unitel so với mạng di động khác.

Kiên trì, nỗ lực vượt qua khó khăn và duy trì văn hóa làm việc, chỉ sau 2 năm, Unitel đã trở thành hãng viễn thông số 1 tại Lào. Năm 2012, Unitel được bình chọn là “Mạng di động tốt nhất tại các nước đang phát triển” tại Giải thưởng Truyền thông thế giới (WCA). Đây cũng là lần đầu tiên một doanh nghiệp tại Lào nhận được giải thưởng quốc tế danh giá.

“NHẬP GIA TÙY TỤC”, LỜI HỨA, CHỮ TÍN VÀ SỰ TỬ TẾ

“Viettel nói riêng và Việt Nam nói chung luôn coi những đất nước mình đến, những đối tác làm ăn là bạn. Mà bạn bè thì phải giữ lời hứa và quan trọng là phải bên nhau khi hoạn nạn. Bây giờ là lúc các bạn Haiti đang rất cần đến sự hỗ trợ của chúng ta và bạn bè quốc tế”. Đây là cách ứng xử của Viettel khi đứng trước quyết định có tiếp tục đầu tư vào Haiti hay không, khi nước bạn vừa trải qua cơn động đất lịch sử khiến khoảng 25% dân số không còn nhà cửa, hạ tầng và kinh tế đều tổn thất nghiêm trọng.

Ông Yves Bastien, quan chức của Haiti khẳng định: “Nếu ai đó có thể cứu sống Teleco (công ty viễn thông của Haiti mà Viettel đầu tư vốn), chỉ có thể là người Spartan và người Việt Nam can đảm mà thôi”.

Quyết định đầu tư vào Haiti cách đây 10 năm đã giúp Viettel trở thành đối tác chiến lược của Haiti - điều chưa từng xảy ra giữa một doanh nghiệp và một chính phủ.

Người Viettel luôn giữ lời hứa của mình ở tất cả các thị trường. Điển hình như việc Viettel là doanh nghiệp nước ngoài duy nhất vẫn hoạt động bình thường khi có biến động chính trị ở Burundi, hay bất ổn ở Tanzania (châu Phi).

Còn ở Peru, đất nước có GDP gấp 5 lần Việt Nam, lý do mà Chính phủ Peru chọn Viettel để cấp giấy phép viễn thông giữa những nhà mạng lớn, giàu tiềm lực tài chính và kinh nghiệm khác trên thế giới gói gọn trong mấy chữ: “Sự tử tế”. Viettel là doanh nghiệp đã cam kết đưa Internet đến các trường học ở Peru, kể cả những vùng núi xa xôi hay khu vực sông Amazon hiểm trở.

Rất nhiều người hỏi, tại sao chúng tôi không đặt thương hiệu Viettel ở các thị trường. Thực ra, khi đầu tư ở nước ngoài, rất khó cạnh tranh với những nhà mạng đã hiện diện ở đó lâu năm, những thương hiệu toàn cầu với nhiều kinh nghiệm, nguồn lực. Một trong những cách “lấy lòng” và có được sự tin yêu từ công chúng chính là sử dụng thương hiệu địa phương. Đó cũng là sự khác biệt của Viettel với những thương hiệu toàn cầu khác.

Đơn cử, ý tưởng đặt tên Natcom cho liên doanh của Viettel tại Haiti khi đưa ra ngay lập tức nhận được sự đồng tình của cả nhóm phía Việt Nam và các cố vấn Haiti. Natcom - National Telecom - là công ty viễn thông quốc gia. Tất cả các nhà mạng tại Haiti đều là của tư nhân, chỉ duy nhất Natcom là công ty của Nhà nước.

Tầm nhìn của Natcom được xác định là “tái thống nhất Haiti”, lấy cảm hứng với khẩu hiệu bên trong quốc kỳ Haiti: “Đoàn kết là sức mạnh”. Mong muốn của Natcom là mang lại sự đoàn kết và thống nhất cho người dân Haiti.

Tương tự, thương hiệu Metfone tại Campuchia có nghĩa là “mạng của những người bạn” (“Met” trong tiếng Khmer có nghĩa là “bạn bè”). Metfone cũng được xác định là mạng của người dân Campuchia, phục vụ đất nước Campuchia.

Bởi vậy, tại 10 thị trường nước ngoài, Viettel đều trở thành thương hiệu dẫn dắt, nhận được sự tin tưởng và tôn trọng của người dân địa phương.

“VIỆT NAM KHÔNG CHỈ BIẾT LÀM NÔNG NGHIỆP”

Khi tôi đến Peru để thực hiện khảo sát, hầu hết người dân ở đây chỉ biết Việt Nam là một nước châu Á, gắn với hình ảnh lúa gạo, thậm chí, nhiều người còn hỏi: “Việt Nam đã hết chiến tranh chưa?”. Thế là, chúng tôi quyết tâm để Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến với hình ảnh khác hơn.

“Việt Nam không chỉ biết làm nông nghiệp” là lời khẳng định của bà Safura, Ủy viên Trung ương Đảng cầm quyền Frelimo (Mozambique), Chủ tịch HĐQT Công ty Movitel.

Nếu như trước đây, người dân Mozambique chỉ biết đến Việt Nam qua sách lịch sử với cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thì giờ đây, họ biết đến Việt Nam qua các chuyên gia y tế, nông nghiệp, viễn thông. Đặc biệt, nói đến Việt Nam là nói đến Movitel.

Có rất nhiều doanh nghiệp viễn thông đến từ châu Âu, Hàn Quốc..., nhưng Mozambique lại quyết

định chọn Viettel. Bà Safura lý giải, các công ty lớn thường coi Mozambique là đối tác nhỏ, nhưng Viettel mang đến cho họ cảm giác được tôn trọng. Đặc biệt, khi chứng kiến người Viettel làm việc ở đây, thấy được sự hy sinh và tận tâm với công việc của người Viettel…, bà tin rằng, Movitel sẽ thành công.

Movitel đã góp phần quan trọng tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế cho Mozambique - những bước tiến bền vững về mặt con người. Viettel đã đào tạo cho các nhân sự Mozambique cách làm việc, cách tư duy khác biệt. Viettel đến Mozambique không phải 100% vì lợi ích kinh tế, mà đã thực hiện chuyển giao công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục Mozambique…

Sau 16 năm đầu tư ra nước ngoài, người Viettel sẽ tiếp tục có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bước ra khỏi lãnh thổ đất nước, chúng tôi không chỉ mang tên mình, mà còn tự hào mang tên Viettel, tự hào là người Việt Nam. Thật tự hào khi những hành động nhỏ, những thói quen làm việc của chúng tôi đã góp phần xây dựng và lan tỏa hình ảnh, văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Nguyễn Lưu Ly (Tổng công ty Viettel Telecom)

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhung-dai-su-lan-toa-van-hoa-viet-o-nuoc-ngoai-d182543.html