Những đắm sâu trong đôi bờ ký ức- Tuyển tập thơ nhiều tác giả
Tôi cầm trên tay tuyển tập Đôi bờ ký ức, lòng háo hức muốn đọc ngay, như thể muốn nhanh được khám phá những thông điệp mà bản thân hằng mong cảm nhận. Đôi bờ ký ức là tập thơ nhiều tác giả, được xuất bản bởi NXB Hội Nhà văn vào trung tuần tháng 6.2020.
Đây là tuyển tập đầu tiên của trang Vệ Giang thi hữu, trang thơ đã làm cầu nối cho những thi nhân dọc đôi bờ Sông Vệ với các thi hữu có đồng quan tâm cùng người yêu thơ trên khắp mọi miền đất nước.
62 tác giả của Đôi bờ ký ức như 62 nụ hoa trong vườn thơ đầy sắc màu của Vệ Giang thi hữu, có lẽ vậy! Họ đơn giản chỉ là những người yêu thơ, thích thơ, cùng nuôi dưỡng những tâm hồn thơ cho nhau. Chính nhóm tác giả cũng tự nhận đa phần là những ngôi bút còn khiêm tốn lắm, không phải cây đa cây để trong làng thơ nào cả. Các tác giả làm nhiều nghề khác nhau, không chuyên để viết thơ, nhưng cùng đam mê nên tự tạo nơi giao lưu thơ phú cùng nhau. Thiết nghĩ đó cũng là điều nên khuyến khích.
Tuy vậy, mỗi tác giả là mỗi đóa thơ mang hương sắc và cung bậc khác nhau, khiêm nhường và thầm lặng như những lời thơ chân mộc được chắt chiu gởi gắm vào tuyển tập. Nơi ấy, mỗi bài thơ là cả một sắc màu được cẩn trọng gói ghém từ những rung động rất thật của trái tim thi nhân. Chính điều nầy đã làm cho người đọc luôn ngỡ như có bóng mình trong đó.
Tôi không tham vọng phân tích tận tường từng bài thơ hoặc từng tác giả. Bởi điều ấy cần thật nhiều thời gian để chiêm nghiệm để tỉa rút. Và cũng bởi, không ngoại trừ những cảm nhận của tôi và bạn đôi khi chưa thể tương đồng. Thơ hay hay không còn tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi tâm hồn bạn nhỉ. Trong phạm vi bài viết này, tôi mạo muội điểm xuyết một vài câu thơ mà tôi tâm đắc.
Đọc Đôi bờ ký ức, tôi không khó lắm để có thể gặp những câu thơ làm xao xuyến lòng mình. Thật đấy! “Vốc nước lên cho thương nhớ chảy ròng / Bàn tay mát giọt chiều quê kiểng / Sao lòng tôi nghẹn điếng / Con đò nào quên bến hẹn / Mười năm”. (NNH). Con đò hay tình ai, tình ai hay con đò đã xuôi về bến mới để ai buồn đứng đợi giữa ngàn năm, giữa nỗi lòng “nghẹn điếng” trong một “chiều quê kiểng” để nghe “thương nhớ chảy ròng”, nghe những giọt nước lùa qua tay không cách nào níu giữ được. Thật thơ!
Cứ thế tôi lại nao lòng khi bắt gặp nỗi cô đơn và khao khát vô bờ của người thiếu nữ trong đêm trăng: “Đêm gõ nhịp thoát hồn hoang trinh nữ / Thắp môi hồng uống cạn ánh trăng xa”(ST). Có những nỗi niềm, có những mối tình mà người thi sĩ chỉ muốn chôn giấu trong vùng riêng của ký ức mình: “Xin giữ lại kỷ niệm nào sâu thẳm / Kéo tâm hồn về phía trăm năm / Tôi giấu mình như con tằm trong kén / Nhả tơ vàng dệt lại mối lương duyên”(VNQD). Đọc câu thơ nầy, như vẳng đâu đây những nốt nhạc: “Ngày nhà em pháo nổ/ Anh cuộn mình trong chăn/ Như con sâu làm tổ/ Trong trái vải cô đơn” (Phạm Văn Bình).
Kỷ niệm còn đó, ta mình còn đây, sao thời gian lên đầy: “Rêu xanh phủ một cung đường / Chợt hoàng hôn, chợt lạ thường ô hay!” (HNN). Ừ thì như đã hoàng hôn mà sao chợt lạ để hồn ngẩn ngơ... Hình như người về đã chạm lối xưa, chạm luôn bờ ký ức của thi nhân rồi thì phải. Cứ đi dọc theo tuyển tập, tôi lại bắt gặp những câu thơ nghe thật xao xác, thật đau đáu trong lòng: “Nhạn về tháp cổ chiều nay / Chở dùm thương nhớ bao ngày ta mong / Trăm năm một góc tơ lòng / Biết sao gỡ mớ bòng bong rối bời” (TTP). Bòng bong mà đằm sâu trong tâm can thi nhân thì càng gỡ càng rối. Có thật thế không, hay chính người còn chưa muốn gỡ, còn thao thiết muốn lưu giữ kỷ niệm của ngày nào.
Cứ vậy, những ký ức dắt díu nhau về qua từng cung bậc cảm xúc: “Mùa lặng lẽ như chuyến tàu số phận / Băng qua buồn vui, được mất, khóc cười / Để một sớm không ưu tư, đón chờ ngày tới / Tôi thật lòng tịnh độ trước mùa đi” (TĐS). Thật thơ và cũng thật đời! Khi thấy được chân giá trị của cuộc sống ta sẽ yêu đời hơn, yêu ta hơn, sẽ thôi hết ưu tư, lòng tịnh độ đón ngày tới, mùa đi ... Trong gần 220 trang thơ, cũng dễ để bắt gặp những câu lục bát thật đẹp. Có những câu như dung chứa nỗi lòng của một người phụ nữ, chắc người ấy dịu dàng lắm,sâu lắng lắm: “Khuất sau mái tóc em buông / Cơn mơ thảng thốt sầu tuôn đêm dài” (HST).
Không hiếm những câu thơ như thế, thật mộc mạc mà khúc chiếc, đủ để tải đầy và rộng khắp những tình người với cuộc sống quanh ta: “Gốc đa, khóm trúc bên đường / Mỗi nhành hoa, mỗi tình thương dạt dào” (KS). Không thấu cảm, không chạnh lòng sao được, khi ai đó chợt thấy những cánh phượng còn bơ vơ sót lại giữa mùa thu, như nhớ nhung ai, như đợi chờ ai.
Chợt phải thốt lên một lời như nhắn nhủ: em hãy sớm về thăm phượng, đừng để phượng nhỡ mùa thêm nữa nhé! “Mai em về nhớ thăm lại bến sông / Cây phượng vĩ ngóng trông người viễn xứ /Thu đã đến phượng vẫn còn tình tự / Sương thu về ôm sắc đỏ bên sông” (ĐNT). Phượng luôn nở vào mùa hè để được rực rỡ, để được ngợi ca như vốn thế; vậy mà giữa thu còn có cánh phượng muộn màng cố khoe sắc thắm, níu kéo thời gian. Sự trớ trêu của số phận, sự dỡ dang của cuộc tình đầy nuối tiếc nào đó.
Trong tuyển tập, có lúc ta như thấy lòng thi nhân thật đa sầu đa cảm, mong manh và dễ vỡ lắm, thế nên “Anh đâu buồn! Có lẽ bởi mùa thu/ Cơn gió thoảng cũng làm nên con sóng /Tại đa mang hay tại sầu đa cảm / Mà chạnh lòng gió gợn mặt hồ thu” (PT). Và ngược lại, người làm thơ cũng có lúc dữ dội, mãnh liệt đến không ngờ: “Ta muốn thét lên cho vầng nguyệt lu mờ / Cho nổ tung thiên đường và ngục địa”(PT).
Thế nhưng, khi đã yêu, đã thuộc về nhau, thì vỡ tan nào cũng tích trầm, khắc khoải trái tim thơ: “Cuộc tình đầu là tình ở bên trong / Dẫu đau xót nhưng là điều rất thật / Khó chấp nhận dù luôn là đẹp nhất / Thẳm sâu nhau riêng nỗi nhớ khôn cùng” (HT). Ai cũng thế, cũng đớn đau và hoài niệm về tình đầu. Những cuộc tình nhẹ nhàng và đủ chất thơ, đủ đẹp cùng những nuối tiếc để mãi dịu êm trong nhau: “Tình thôi, nuối vẹn ngàn sau / Đời vui vì những nỗi đau ngọt ngào” (HT).
Còn nhiều nữa những câu thơ “Xanh như lời tình tự “ (LĐT) và những nốt nhạc thật dạt dào xao xuyến mà nhóm tác giả Đôi bờ ký ức muốn cùng gởi gắm đến những người con thân thương bên dòng sông hoài niệm, đến quê hương, đến bạn bè thân hữu. Mong rằng tuyển tập sẽ là những thông điệp thơ ca để kết nối những tâm hồn yêu mến Vệ Giang thi hữu và các độc giả yêu thơ xa gần. Hãy dọc theo Đôi bờ ký ức để đằm sâu cùng những nhớ thương!