Những dấu ấn đáng nhớ trên thị trường tài chính thế giới

Thị trường tài chính thế giới đã có những diễn biến đáng chú ý trong năm 2024 với những đợt tăng giá của vàng, tiền điện tử và chứng khoán.

Giới đầu tư đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 dù kinh tế toàn cầu đối mặt không ít những "cơn gió ngược".

Những cú bứt tốc

Giao dịch viên làm việc trên sàn chứng khoán ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Giao dịch viên làm việc trên sàn chứng khoán ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Chỉ số chứng khoán S&P 500 của Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng 24,3% trong năm 2024, sau khi đạt mức tăng 24,2% trong năm 2023. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1998, chỉ số này đạt mức tăng trưởng trên 20% trong hai năm liên tiếp, với 57 kỷ lục mới được thiết lập. Từ lần đầu đạt đỉnh vào ngày 19/1 đến những bước nhảy vọt trong suốt năm 2024, thị trường chứng khoán Mỹ đã chứng minh sự ổn định và sức hút mạnh mẽ của mình, ngay cả khi đối mặt với những lo ngại về lạm phát và lãi suất cao.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đóng vai trò then chốt đối với sự tăng trưởng trên khi cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024, góp phần giảm bớt áp lực kinh tế và thúc đẩy thị trường. Tuy vậy, khác với những dự báo về việc cắt giảm lãi suất mạnh hơn trong năm 2025, Fed chỉ dự kiến giảm thêm hai lần trong năm tới.

Đồng tiền điện tử bitcoin đã có một năm đáng nhớ với mức giá kỷ lục vượt qua ngưỡng 108.000 USD/BTC trong tháng 12/2024. Sự phục hồi này diễn ra sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ không chỉ cho thấy sự trở lại mạnh mẽ của bitcoin mà còn khẳng định vị thế vững chắc của tiền điện tử đối với thị trường tài chính thế giới. Dấu mốc cách đây hai năm bitcoin còn chạm đáy dưới 17.000 USD/BTC sau sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu thế giới FTX, khiến mức tăng trưởng hiện tại càng thêm "rực rỡ".

Vàng cũng có một năm thăng hoa với mức tăng giá 26,7% khi các nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn giữa lúc tình hình bất ổn địa chính trị trên thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Với lãi suất giảm và trái phiếu kém hấp dẫn, vàng tiếp tục khẳng định vai trò là "nơi trú ẩn" của dòng tiền trong thời kỳ bất ổn chính trị và kinh tế.

Tỷ phú Elon Musk tiếp tục củng cố sức ảnh hưởng toàn cầu, khi cổ phiếu Tesla vượt mốc 420 USD vào tháng 12/2024, thiết lập một kỷ lục mới. Trong khi đó, công ty sản xuất chip Nvidia dẫn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), đạt doanh thu ấn tượng 91,2 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1-9/2024, tăng gấp đôi so với mức 39 tỷ USD của cùng kỳ năm 2023. Với giá trị thị trường vượt 3.000 tỷ USD, Nvidia đã trở thành biểu tượng cho sự phát triển mạnh mẽ của AI, tạo ra làn sóng cách mạng trong công nghệ toàn cầu.

Kinh tế Mỹ đã cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng lần lượt 1,6%, 3,0% và 3,1% trong 3 quý đầu năm 2024. Cho dù đối mặt với lạm phát và lãi suất cao, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn vượt qua những dự báo bi quan, củng cố niềm tin của giới nhà đầu tư.

Mặc dù vậy, các nền kinh tế trên thế giới, dù lớn hay nhỏ, vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Thị trường bất động sản văn phòng Mỹ tiếp tục gặp khó khăn, với tỷ lệ trống kỷ lục 20,1% do hình thức làm việc từ xa trở nên phổ biến sau đại dịch COVID-19. Thị trường nhà ở của Mỹ chững lại khi số lượng nhà bán ra trong thời gian từ tháng 1-11/2024, giảm xuống còn 3,73 triệu căn, thấp hơn nhiều so với 4,09 triệu căn trong cùng giải đoạn năm 2023. Nguyên nhân chính đến từ nguồn cung hạn chế và lãi suất vay cao, khiến người mua nhà ngần ngại.

Năm 2024 đã chứng minh sức hút mạnh mẽ của thị trường tài chính với những kỷ lục lịch sử và sự tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, những vấn đề tồn đọng như bất động sản và nhà ở sẽ tiếp tục là bài toán cần lời giải trong tương lai, giữa bối cảnh thế giới tài chính không ngừng chuyển động.

Giữ vững phong độ

Đồng tiền mệnh giá 100 USD. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng tiền mệnh giá 100 USD. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà phân tích dự đoán thị trường chứng khoán thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng vào năm 2025, sau khi thiết lập nhiều kỷ lục mới trong năm 2024. Xu hướng này tiếp diễn chủ yếu nhờ sự phát triển của công nghệ AI tạo sinh và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, một số yếu tố có thể tác động đáng kể đến tâm lý thị trường trong năm 2025, đòi hỏi các nhà đầu tư phải xem xét cẩn trọng. Các nhà phân tích cho rằng nhiều nền kinh tế lớn đang đối mặt với thách thức về nợ công, có thể tác động tiêu cực đến đà tăng trưởng quốc gia. Công ty quản lý đầu tư Brooks Macdonald nhấn mạnh rằng việc giải quyết thách thức này sẽ đóng vai trò rất quan trọng để ổn định nền kinh tế thế giới trong năm 2025.

Tỷ lệ nợ trên GDP của Vương quốc Anh và Pháp lần lượt là khoảng 100% và 112%. Trong khi đó, tại Mỹ, tỷ lệ này là 123% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Giám đốc đầu tư của công ty chuyên về nền tảng đầu tư trực tuyến AJ Bell, ông Russ Mould lưu ý rằng các chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể đẩy nhanh tốc độ vay nợ của Chính phủ Mỹ, đưa nợ của nước này vượt quá mức kỷ lục 36.000 tỷ USD hiện tại. Chi phí trả lãi nợ hàng năm của Mỹ đã vượt quá 1.000 tỷ USD, lớn hơn cả ngân sách quốc phòng.

Nếu Mỹ không bắt đầu cắt giảm chi tiêu hoặc tăng nguồn thu, những khó khăn có thể sẽ xuất hiện. Ông Mould cho rằng Mỹ đang đối mặt với những viễn cảnh khó khăn như lợi suất trái phiếu tăng, lãi suất duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn,...

Mặc dù tăng trưởng kinh tế Mỹ được dự đoán là khá lạc quan, các chính sách thương mại của Tổng thống đắc cử Trump - bao gồm thuế quan - có thể gây khó khăn cho Trung Quốc và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), đặc biệt là Đức. Thuế quan cũng có thể thúc đẩy lạm phát ở Mỹ và khiến Fed phải thay đổi chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, ông Chris Crawford, quản lý cấp cao tại quỹ đầu tư Crawford Fund Management cho rằng một cuộc chiến thương mại lớn khó có thể xảy ra vì chính sách thuế quan của ông Trump dự kiến sẽ có mục tiêu và hạn chế.

Trong khi đó, Brooks Macdonald dự báo căng thẳng thương mại tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thuế quan của Mỹ có thể làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, dẫn đến lượng USD rời khỏi đất nước sẽ ít hơn. AJ Bell nhận định nếu điều này dẫn đến kịch bản Mỹ đạt thặng dư thương mại lần đầu tiên kể từ năm 1975, đồng USD sẽ quay trở lại nền kinh tế Mỹ.

Ông Mould cảnh báo rằng, với vai trò là đồng tiền dự trữ của thế giới, việc nguồn cung USD giảm có thể gây ra khủng hoảng thanh khoản toàn cầu.

Còn theo ông Crawford, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) sẽ tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2025 do các chính phủ nới lỏng quy định và nguồn tín dụng dồi dào. Ông dự đoán đây sẽ là làn sóng giao dịch lớn nhất trong hơn một thập kỷ, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư định vị trong những lĩnh vực sẵn sàng cho xu hướng hợp nhất.

Hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cũng được kỳ vọng sẽ phục hồi. Dự kiến sẽ có một làn sóng IPO mạnh mẽ trong năm 2025.

Minh Hằng/TTXVN (Tổng hợp)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/nhung-dau-an-dang-nho-tren-thi-truong-tai-chinh-the-gioi-20241228133258607.htm