Những dấu ấn nổi bật về chính sách bảo hiểm xã hội năm 2020
Năm 2020 là thời điểm ghi dấu nhiều hoạt động nổi bật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện thu hút thêm gần 500 nghìn người tham gia; đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, ra mắt ứng dụng VssID… là những dấu mốc đáng nhớ trong bối cảnh ứng phó với đại dịch Covid-19.
Năm 2020 là thời điểm ghi dấu nhiều hoạt động nổi bật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện thu hút thêm gần 500 nghìn người tham gia; đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, ra mắt ứng dụng VssID… là những dấu mốc đáng nhớ trong bối cảnh ứng phó với đại dịch Covid-19.
Thêm gần 500 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
Năm 2020, diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, ước đến hết ngày 31-12-2020, số người tham gia BHXH ước đạt 16,101 triệu người, chiếm khoảng 32,6% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 327 nghìn người so với năm 2019.
Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,068 triệu người, tăng 494 nghìn người, gần gấp đôi so với năm 2019.
Khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Con số này đã vượt chỉ tiêu tại Nghị quyết 28-NQ/TW khi đặt mục tiêu đến hết năm 2021 đạt 1% cho khu vực này, tăng gần gấp năm lần so với năm 2015.
Hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân
Trong năm 2020, chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) cũng ghi dấu ấn tăng trưởng ấn tượng, với khoảng 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% dân số. Tỷ lệ này vượt 0,15% chỉ tiêu Nghị quyết số 01 của Chính phủ, tăng 25,6% so với năm 2015.
So với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, con số này đã vượt 10,85%.
Với tỷ lệ bao phủ BHYT này, Việt Nam cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn. Nước ta đã đạt được kết quả khả quan trong quá trình đạt mục tiêu BHYT toàn dân trong thời gian 17 năm. Trong khi đó, một số quốc gia phát triển trên thế giới cần từ 40 đến 80 năm để đạt mục tiêu BHYT toàn dân
Chủ động ứng phó trong dịch Covid-19 và thiên tai
Năm 2020 cũng là thời điểm đặc biệt khi dịch Covid-19 xảy ra, gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống kinh tế - xã hội. Nhằm tạo thuận lợi cho người thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt để ứng phó với đại dịch.
Cụ thể như, thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng tại nhà, chi trả gộp hai tháng trong cùng một kỳ chi trả; cấp thuốc BHYT cho người bị mắc bệnh mãn tính; thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, kịp thời tuyên truyền, giải thích, ngăn chặn tình trạng một số đối tượng lợi dụng, tranh thủ dịch bệnh, thiên tai để trục lợi quỹ BHXH, BHTN…
Theo thống kê từ BHXH Việt Nam, hiện có 755 đơn vị sử dụng lao động được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cho 97.626 người lao động, với tổng kinh phí hơn 471,88 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đợt mưa lũ nghiêm trọng tại miền trung trong tháng 10 vừa qua, BHXH Việt Nam cũng vận động ủng hộ và trao tặng 2.500 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tại 10 địa phương bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Kinh phí tổ chức các hoạt động này ước tính khoảng 2 tỷ đồng. Mỗi tỉnh, thành phố sẽ được hỗ trợ 200 triệu đồng, được trích từ quỹ hoạt động tình nghĩa của ngành. BHXH Việt Nam đã tổ chức phát động quyên góp, ủng hộ một tỷ cho đồng bào miền trung bị ảnh hưởng của bão lũ, kịp thời hỗ trợ họ vượt qua khó khăn.
Bảo hiểm thất nghiệp phát huy vai trò an sinh
Trước những ảnh hưởng tác động không nhỏ của dịch Covid-19 ở nước ta, chính sách BHTN đã khẳng định vai trò rất ý nghĩa, hỗ trợ nhiều lao động mất việc làm, giúp họ bảo đảm một phần đời sống của mình và gia đình trong dịch bệnh.
Từ đầu năm 2020 đến thời điểm 25-12, cả nước có 1.096.987 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 32,3% so với cùng kỳ tháng 12 năm 2019. Đến nay, 1,06 triệu người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, với tổng kinh phí lên tới 18.200 tỷ đồng
Hết năm 2020, ước tính có khoảng 13,27 triệu người tham gia BHTN, đạt khoảng 27% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số thu BHTN đạt 18.056 tỷ đồng. Con số này về cơ bản hoàn thành kế hoạch Chính phủ giao trong năm nay.
Trong thời gian qua, Quỹ BHTN luôn quản lý, vận hành theo đúng quy định và có kết dư. Tính đến hết năm 2019, ước quỹ kết dư 84.000 tỷ đồng.
Ra mắt ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số
Ưng dụng "VssID - Bảo hiểm xã hội số" chính thức ra mắt từ giữa tháng 11 năm 2020 trên nền tảng thiết bị di động. Qua đó, cung cấp các chức năng, tiện ích để tìm kiếm, tra cứu các thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT; lịch sử thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; cơ sở KCB BHYT; các điểm thu, đại lý thu...
Hiện tại, tại 10 tỉnh khu vực miền trung - Tây Nguyên bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão lũ đã triển khai thí điểm sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho thẻ BHYT bằng giấy (bị hỏng, mất do bão lũ) để người dân đi khám, chữa bệnh.
Sau một tháng đi vào hoạt động, đến ngày 16-12, VssID có gần 230.000 lượt tải và đăng ký sử dụng.
Hoàn thành cung cấp các dịch vụ công mức độ 4 về bảo hiểm xã hội
BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp các dịch vụ công mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính (TTHC) của ngành, đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp… Trong đó, bổ sung chín dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 dành cho tổ chức và cá nhân trên Cổng Dịch vụ công của ngành, hoàn thành việc cung cấp 100% các dịch vụ công mức độ 4 cho các TTHC của lĩnh vực này.
Năm 2020, ngành BHXH tiếp nhận và giải quyết hơn 81 triệu hồ sơ giao dịch điện tử.
Dự kiến trong quý I-2021, BHXH Việt Nam cũng sẽ hoàn thành việc cung cấp, liên thông 100% dịch vụ công mức độ 4 của ngành trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Ngoài ra, cơ quan này chủ động triển khai kết nối, tích hợp cung cấp 15 dịch vụ công của ngành và dịch vụ công liên thông trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Bộ TTHC của ngành BHXH được cắt giảm từ 114 thủ tục (năm 2015), đến nay còn 27 thủ tục. Số giờ thực hiện TTHC cho người dân và doanh nghiệp giảm từ 335 giờ/năm (năm 2015) xuống còn 147 giờ (năm 2019). Hhiện đã hoàn thiện các thủ tục báo cáo Ngân hàng Thế giới (WB) để công nhận còn 129 giờ/năm.