Những dấu hỏi sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản
Việc cố Thủ tướng Abe Shinzo bị bắn từ khoảng cách gần trong sự kiện ngày 8/7 đặt ra nhiều câu hỏi về công tác bảo vệ yếu nhân tại Nhật Bản.
Liệu có lỏng lẻo trong công tác bảo vệ yếu nhân?
Ngày 8/7, ông Abe, 67 tuổi, đang tham gia vận động tranh cử cho Đảng Dân chủ Tự do (LDP) tại thành phố Nara thì bị ám sát, bị bắn từ khoảng cách khoảng 3m.
Cảnh sát đã bắt nghi phạm Tetsuya Yamagami (41 tuổi, tự khai là từng công tác trong Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản) và đã thừa nhận thực hiện hành vi tấn công ông Abe.
Qua video ghi nhận tại hiện trường, các nhân viên thuộc lực lượng cảnh sát đặc biệt đứng bên phải và đằng sau ông Abe khi ông đang phát biểu. Lúc này, nghi phạm Yamagami trà trộn vào đám đông rồi tiến lại từ đằng sau ông Abe và nổ 2 phát súng.
Ông Makoto Ichikawa, nhân chứng có mặt tại hiện trường cho hay dường như không ai nhận biết được điều gì đang diễn ra sau tiếng súng nổ đầu tiên. Sau phát súng thứ 2, cảnh sát mới trấn áp nghi phạm Yamagami và ghì người này xuống đất.
Kênh truyền hình Nippon Television dẫn lời cảnh sát tỉnh Nara cho hay đội ngũ bảo vệ ông Abe tại sự kiện gồm một cảnh sát đặc nhiệm có vũ trang tới từ Tokyo và một số cảnh sát địa phương.
Khi hãng tin Reuters liên lạc, cảnh sát Nara từ chối thông tin về số lượng nhân viên cảnh sát chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho ông Abe, Một quan chức đến từ phòng cảnh sát này cho biết họ sẽ điều tra liệu lực lượng an ninh bảo vệ ông Abe tại sự kiện có được triển khai đủ quân số cần thiết và có thực hiện hành động phù hợp hay không.
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA) cũng khẳng định sẽ điều tra rõ liệu về sai sót trong việc đảm bảo an ninh cho ông Abe trong sự kiện ngày 8/7 (nếu có).
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng đáng lẽ cần tăng cường đội ngũ bảo vệ ông Abe hơn nữa.
Ông Masazumi Nakajima, một cựu thám tử, nhận định “bất kỳ ai cũng có thể tấn công ông Abe từ khoảng cách đó. Tôi cho rằng lực lượng an ninh đã quá yếu”.
Ông Koichi Ito, chuyên gia về bảo vệ yếu nhân, đánh giá cần có nhiều nhân viên an ninh bao quanh ông Abe từ mọi hướng.
Tuy nhiên, ông Iwao Horii, một nghị sĩ đảng LDP đứng gần ông Abe vào thời điểm ông bị bắn, cho rằng công tác chuẩn bị cho sự kiện không có gì bất thường với 15 nhân viên của đảng chịu trách nhiệm kiểm soát đám đông và cảnh sát địa phương chịu trách nhiệm về an ninh.
Một số sự kiện vận động tranh cử gần đây có sự tham gia của ông Abe đều thu hút đám đông người dân vây quanh như vậy.
“
Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ phạm tội liên quan tới súng đạn thấp do quy định kiểm soát súng đạn rất nghiêm ngặt. Theo NPA, chỉ có 10 vụ vi phạm pháp luật liên quan tới súng cầm tay xảy ra tại Nhật Bản năm 2021 và chỉ 1 trong số đó có nạn nhân tử vong.
”
Mặt khác, trao đổi với hãng tin Reuters, một nguồn tin giấu tên thuộc đảng LDP cầm quyền cho hay dù ông Abe là một trong những nhân vật chính trị có tầm ảnh hưởng lớn nhất Nhật Bản nhưng quy mô bảo vệ an ninh cho ông Abe đã giảm xuống kể từ khi ông rời nhiệm sở năm 2020.
Các chính trị gia tại Nhật Bản cũng thường di chuyển và tham gia các sự kiện với đội ngũ an ninh mỏng hơn so với các chính trị gia Mỹ hay tại các quốc gia có tỷ lệ tội phạm bạo lực cao hơn.
Vì sao ông Abe đứng giữa đường, giữa đám đông, người xe qua lại?
Một vấn đề khác được đặt ra đó là ông Abe bị bắn khi đang đứng tại giao lộ bên ngoài một ga tàu hỏa và nói chuyện trước đám đông hàng trăm người.
Theo video quay cảnh hiện trường và lời khai của nhân chứng, các tuyến đường dẫn tới nơi ông Abe phát biểu không bị chặn, hoạt động giao thông vẫn diễn ra bình thường, xe cộ đi lại nườm nượp.
Xe buýt, xe tải lướt qua sau lưng ông Abe, thêm hai xe scooter phóng qua đằng trước cùng nhiều phương tiện khác qua lại gần nơi ông Abe phát biểu.
Ông Paul Nadeau, từng làm việc cho một nghị sĩ đảng LDP và hiện đang làm việc tại Đại học Temple Nhật Bản tại Tokyo, đã có lần tham gia một số sự kiện có ông Abe, cho biết buổi vận động tranh cử như ngày 8/7 là hoạt động tiếp xúc thân mật với cử tri.
Thông thường, trong văn hóa chính trị Nhật Bản, các chính trị gia thường tiếp xúc gần cử tri, người dân đứng rất gần, thường đứng chật cả quảng trường thành phố và ít khi có tâm lý mất an toàn, nguy hiểm hay điều gì đó tương tự - ông Nadeau nói.
Cùng đồng quan điểm, ông Robert Ward, chuyên gia cấp cao về Nghiên cứu An ninh Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London, chia sẻ rằng tiếp xúc gần với cử tri là một đặc điểm nổi bật trong các sự kiện vận động tranh cử ở Nhật Bản. Ông từng có mặt tại nhiều buổi vận động tranh cử tại Nhật Bản và nhận thấy người dân đứng rất gần với chính trị gia, nhưng có lẽ, sau đây, văn hóa này có thể thay đổi.
Nhà ngoại giao tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản - ông Grant Newsham cũng cho rằng, sau vụ ám sát, các biện pháp bảo vệ an ninh cho chính trị gia cấp cao tại Nhật Bản sẽ được thắt chặt hơn, nhất là với Thủ tướng đương nhiệm Kishida Fumio.
Ông Abe là thủ tướng tại vị liên tục lâu nhất tại Nhật Bản và dù không còn làm lãnh đạo, song ông vẫn giữ nhiều ảnh hưởng trong đảng LDP cầm quyền.
Vụ tấn công nhằm vào ông Abe là vụ ám sát đầu tiên nhằm vào một thủ tướng đương nhiệm hoặc cựu thủ tướng của Nhật Bản kể từ thập niên 1930.