Những dấu mốc đáng nhớ nhất của các startup công nghệ Đông Nam Á năm 2021
Hệ sinh thái Đông Nam Á đã có một năm cực kỳ thăng hoa khi đại dịch thúc đẩy quá trình chuyển đổi số đến từng cá nhân.
Đông Nam Á ghi nhận tới 40 triệu người dùng Internet mới trong năm 2021. Hiện tại, 75% dân số khu vực này đã tiếp cận với Internet, theo Kr-Asia.
Điều này khiến nhiều công ty trong khu vực đạt mức định định giá "kỳ lân" trong năm 2021, trong khi đó nhiều startup "lão làng" thực hiện IPO thành công hoặc đang chạy đua hiện thực hóa mục tiêu này.
(Ảnh: GoTo).
Hồi tháng 5, Gojek và sàn TMĐT Tokopedia chính thức "về một nhà" để tạo thành một nền tảng trực tuyến cung cấp đa dạng các dịch vụ từ gọi xe, TMĐT, giao đồ ăn, logistics, thanh toán, tín dụng và ngân hàng số (hợp tác với Bank Jago).
Đến tháng 11, GoTo kêu gọi thành công 1,3 triệu USD vốn đầu tư trong vòng pre-IPO. Startup này hiện đang lên kế hoạch sẽ thực hiện IPO trong nửa đầu năm 2022 ở cả 2 thị trường Mỹ và Indonesia.
Trong năm 2020, GoTo có tổng cộng hơn 1,8 tỷ giao dịch cùng tổng giá trị lên tới hơn 22 tỷ USD. GoTo được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình IPO sau khi cơ quan có thẩm quyền Indonesia hợp thức hóa dự thảo quy định mới cho phép các công ty công nghệ phát hành nhiều cổ phiếu có quyền biểu quyết vào ngày 2/12 vừa qua.
Shopee, sàn TMĐT của Sea Group, là sàn TMĐT điện tử lớn nhất Đông Nam Á và Đài Loan với hơn 343 triệu người ghé thăm mỗi tháng. Năm 2021, Shopee cũng đã chính thức mở rộng ra nhiều thị trường toàn cầu, bao gồm Mỹ Latinh, Châu Âu và Ấn Độ.
Ở Mỹ Latinh, Shopee triển khai dịch vụ tại Mexico hồi tháng 3, theo sau đó là thị trường Chile và Colombia hồi tháng 6. Thực tế, Shopee đã có mặt ở Mỹ Latinh từ tháng 10/2019 khi hoạt động tại Brazil.
Bên cạnh đó, Shopee cũng xây dựng mô hình kinh doanh ở Châu Âu vào năm nay bằng cách ra mắt sàn TMĐT địa phương hóa cho Ba Lan, Tây Ban Nha và Pháp. Theo App Annie, vào tháng 12 vừa qua, Shopee đã lọt vào top 3 sàn TMĐT tại tất cả các thị trường Châu Âu nói trên.
Tại Ấn Độ, Shopee cũng đã có mặt và tự tin cạnh tranh với nhiều "tay chơi" lão làng như Flipkart hay Amazon.
Bukalapak niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán Indonesia vào ngày 6/8. Kêu gọi thành công 1,5 tỷ USD, Bukalapak có đợi niêm yết lớn nhất trong lịch sử chứng khoán quốc đảo Đông Nam Á này.
Dù vậy, sau khi giá cổ phiếu Bukalapak tăng 25% trong ngày giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu sàn TMĐT này đã lao dốc nhiều tuần sau đó để chạm đáy 0,3 USD vào hôm 7/12, chỉ bằng một nửa so với mức giá IPO (0,59 USD).
Bukalapak là sàn TMĐT phổ biến thứ 3 tại Indonesia với 30 triệu người truy cập mỗi tháng, đứng sau Tokopedia và Shopee.
(Ảnh: Grab).
Sau nhiều tháng chờ đợi, Grab đã chính thức niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) hôm 2/12. Grab thực hiện IPO thông qua sáp nhập với một công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC) có tên Altimeter Growth Corp ở mức định giá gần 40 tỷ USD. Sau thương vụ này, Grab kêu gọi được thêm tới 4,5 tỷ USD vốn đầu tư.
Dù vậy, giá cổ phiếu Grab đã giảm tới 21% trong phiên giao dịch đầu tiên về mốc 8,75 USD. Đến ngày 16/12, giá cổ phiếu siêu ứng dụng Đông Nam Á tiếp tục rớt về mốc 7,26 USD. Như vậy, vốn hóa của Gran hiện đạt khoảng 27 tỷ USD.
Grab hiện đang hoạt động tại 465 thành phố tại 8 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Myanmar, và Campuchia. Dịch vụ của Grab trải rộng trên nhiều lĩnh vực như gọi xe, giao đồ, giao đồ ăn, thanh toán, bảo hiểm và tín dụng.
Hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đông Nam Á đã đạt đến độ chín khi có thêm ít nhất 15 startup "kỳ lân" (đạt định giá từ 1 tỷ USD trở lên).
Singapore là quốc gia có nhiều startup "kỳ lân" mới nhất năm nay với các đại diện như Ninja Van, Nium, PatSnap, Matrixport, Carousell, Bolttech, Advance Intelligence, và Carro. Trong khi đó, Indonesia có thêm 3 "kỳ lân" mới là J&T Express, Xendit, và Ajaib.
Ở Thái Lan, Flash Express và Ascend Money là các startup đầu tiên có định giá tỷ USD, trong khi đó Carsome trở thành startup "kỳ lân" thứ 2 tại Malaysia.
Cùng thời điểm, Sky Mavis, studio đứng đằng sau Axie Infinity, đạt định giá lên tới 3 tỷ USD sau vòng gọi vốn 150 triệu USD ghi nhận vào tháng 10. Đây không phải tin vui duy nhất với hệ sinh thái startup Việt Nam trong năm 2021. Mới đây, MoMo cũng đã có định giá 2 tỷ USD sau khi được rót thêm 200 triệu USD vốn đầu tư trong vòng gọi vốn do Mizuho Bank dẫn dắt.
Trò chơi NFT Axie Infinity có một năm cực kỳ thăm hoa với gần 2 triệu người chơi hoạt động hàng ngày. Hồi tháng 8, doanh số giao dịch trong ngày của trò chơi này cũng vươn mốc kỳ lục 33 triệu USD.
Thành lập từ năm 2018, Axie Infinity nhanh chóng đưa Sky Mavis lên trạng thái "kỳ lân" chỉ sau 3 năm hoạt động. Trò chơi này cũng đã ghi nhận doanh số 2,3 tỷ USD và mở ra "cơn sốt" game mã hóa mới trong khu vực với nhiều startup như Avocado Guild (Singapore), Yield Guid Game (Philippines) và GuildFi (Thái Lan).