Những 'đầu tàu' năng động tạo việc làm cho phụ nữ địa phương
Dù bước đầu khởi nghiệp có nhiều khó khăn nhưng với sự năng động, bản lĩnh, tự tin, nhiều chị em đã vươn lên làm chủ kinh tế gia đình, tạo việc làm cho hội viên và phụ nữ địa phương.
Tạo việc làm cho gần 800 phụ nữ từ nghề đan lục bình xuất khẩu
Trước năm 2000, khi nghề đan lục bình xuất khẩu phát triển khá mạnh mẽ ở địa phương, chị Lê Thị Trinh đang làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 1, xã Tân Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Được lãnh đạo xã ngỏ ý khuyên cán bộ Hội LHPN xã nên học nghề đan lục bình để có thể truyền dạy, tạo việc làm cho các hội viên, phụ nữ trong xã, chị Trinh hào hứng xung phong đi học. Vậy là ban ngày, chị Trinh sang tỉnh Vĩnh Long học đan lục bình, buổi tối về tổ chức dạy lại cho 7 chị em khác trong Hội LHPN xã.
Học thạo nghề đã khó, tìm đầu ra cho sản phẩm càng khó hơn gấp bội. Nhìn sản phẩm làm ra không có hướng tiêu thụ, chị Trinh ngày đêm trăn trở. Khi biết ở tỉnh Bình Dương có công ty thu mua, xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, trong đó có các sản phẩm được đan từ lục bình, chị Trinh liền khăn gói mang sản phẩm tìm đến các công ty để chào hàng.
Nhờ sự kiên trì, chị Trinh đã tìm được đầu ra cho sản phẩm lục bình. Đó cũng là nền tảng và động lực để chị mở rộng quy mô sản xuất, thu hút thêm nhiều hội viên phụ nữ tham gia. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để phát triển nghề đan lục bình, năm 2002, chị Trinh đã mạnh dạn thành lập và làm Chủ nhiệm Tổ hợp tác đan lục bình xã Tân Hưng.
Với 17 năm hoạt động, ngoài phạm vi trong xã, Tổ hợp tác của chị Trinh đã phát triển rộng khắp ra cả các xã lân cận với 11 điểm đan lục bình, tạo việc làm thêm cho gần 800 hội viên phụ nữ với thu nhập bình quân từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng.
Làm chủ kinh tế gia đình nhờ niềm đam mê trồng nấm bào ngư
Quê ở tỉnh Bắc Giang, chị Đồng Thị Thu Hoài theo chồng về làm dâu ở huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang khi mới vừa 23 tuổi. Khi đó, không nghề nghiệp, chị Hoài ở nhà chăm sóc gia đình và phát triển kinh tế bằng việc chăn nuôi, trồng trọt. Năm 2008, qua đọc báo, chị Hoài biết ở huyện Củ Chi (TPHCM) có mô hình trồng nấm bào ngư cho kinh tế cao. Vậy là chị uyết định đến Củ Chi học hỏi kinh nghiệm và bắt đầu khởi nghiệp với việc trồng nấm bào ngư.
Quá trình khởi nghiệp ban đầu của chị Hoài gặp không ít gian nan, với nhiều lần trồng nấm thất bại. Không nản chí, vừa trồng nấm vừa rút kinh nghiệm, đến năm 2015 thì câu lạc bộ trồng nấm bào ngư do chị Hoài phụ trách ra mắt. Tiếp đến, chị Hoài đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại – Dịch vụ Trường Phát chuyên nuôi trồng, sản xuất, thu mua, cung cấp phôi nấm bào ngư do mình làm giám đốc.
Nếu như lúc mới bắt tay vào trồng nấm bào ngư, chị Hoài chỉ có 2 trại nấm với diện tích khoảng 200 m2 thì đến nay, chị đã có trong tay 10 trại nấm, trung bình khoảng 10.000 phôi nấm/trại. Chị cũng đang đầu tư xây dựng quy trình tự sản xuất phôi nấm bào ngư, với chi phí trên 700 triệu đồng. Chị Hoài cho hay, phôi nấm bào ngư mà hợp tác xã đang sử dụng phải mua từ tỉnh Đồng Nai với giá khoảng 4.500 đồng/phôi. Do đó, việc sản xuất phôi nấm tại chỗ để phục vụ cho việc trồng và cung cấp cho thị trường sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí cũng như tăng thêm nguồn lợi nhuận.
Được biết, ngoài sản xuất nấm bào ngư, chị Hoài còn tận dụng phế phẩm của loại nấm này để trồng nấm rơm và rau mầm, bước đầu cho kết quả khả quan. Có của ăn của để, không giấu nghề, với các chị em thích trồng nấm bào ngư, rau mầm, chị Hoài luôn sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ và tìm đầu ra giúp họ.