Những đề án khơi nguồn phát triển cho Kim Thượng

PTĐT - Nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Xuân Sơn, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn có lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, vì thế, những đề án, chương trình phát triển kinh tế mà Đảng ủy xã ban hành trong giai đoạn 2017- 2020 đều xoay quanh trục phát triển này nhằm khơi gợi tiềm năng của mảnh đất miền núi còn nhiều khó khăn.

Anh Hà Văn Minh, xóm Nhàng, phát triển kinh tế đồi rừng và chăn nuôi cho thu nhập 300 triệu đồng/năm.

Chỉ trong 3 năm thực hiện Nghị quyết 05 của BTV Huyện ủy Tân Sơn về thực hiện các chương trình sản xuất nông, lâm nghiệp trọng điểm giai đoạn 2017-2020, Đảng ủy xã Kim Thượng đã ban hành 4 đề án bao gồm: Đề án phát triển cây lương thực, đề án phát triển kinh tế phục vụ du lịch; Đề án phát triển kinh tế đồi rừng và Đề án phát triển trâu bò thịt chất lượng cao. Mấy năm gần đây, khi giao thông và hạ tầng cơ sở về Kim Thượng thuận lợi đã chấm dứt nỗi ám ảnh bao đời của người dân về nỗi lo đường đất lầy lội khi mưa bão. Nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống được đưa về tận thôn bản đa dạng, phong phú với giá cả chẳng chênh lệch với bên ngoài là mấy. Nông sản bà con làm ra có thương lái đến thu mua tại chỗ, nhờ đó cuộc sống người dân ngày càng khấm khá với thu nhập tăng hơn 8 lần so với khi thành lập huyện Tân Sơn năm 2007. Các đề án được triển khai thực hiện đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho người dân xã Kim Thượng. Phương thức canh tác kém hiệu quả trước kia dần được thay thế bằng việc ứng dụng KHKT vào sản xuất, góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là đưa sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa với nhiều sản phẩm phong phú, đặc trưng của địa phương. Từ năm 2016 đến nay, bà con Kim Thượng đã chuyển đổi dần diện tích đất ruộng sang sản xuất lúa lai và lúa chất lượng cao như J01, J02, kết hợp áp dụng phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên nên năng suất đạt cao, trung bình từ 200kg đến 250kg/sào. Trên cánh đồng rộng hàng trăm hecta có tới 70-80% đã chuyển đổi giống lúa, nhờ đó không chỉ đảm bảo lương thực trong xã mà còn bán ra thị trường. “Đề án phát triển trâu bò thịt chất lượng cao” cũng thúc đẩy sự tăng trưởng về số lượng trâu bò toàn xã với tổng gần 1.600 con, đưa Kim Thượng trở thành địa phương đứng nhất nhì huyện Tân Sơn về số lượng đại gia súc. Đề án phát triển kinh tế đồi rừng và Đề án phát triển kinh tế phục vụ du lịch đưa diện tích đất lâm nghiệp, trồng cây phân tán đạt vượt nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015- 2020. Những điển hình phát triển kinh tế nhờ làm kinh tế đồi rừng và chăn nuôi sản phẩm nông nghiệp đặc sản địa phương xuất hiện ngày càng nhiều như gia đình anh Lương Tiến Dũng, khu Tân Lập ngoài diện tích trồng lúa còn có 8ha đồi rừng trồng keo, bồ đề và mỡ kết hợp chăn nuôi trên 80 con lợn rừng lai… thu nhập gần 400 triệu đồng/năm; anh Hà Văn Minh ở xóm Nhàng có 10ha trồng bồ đề và mỡ kết hợp nuôi vài trăm con ngan, vịt thả suối, gà nhiều cựa cho thu nhập 300 triệu đồng/năm. Bí thư Đảng ủy xã Kim Thượng Phùng Văn Cửu phấn khởi cho biết: Kim Thượng được thiên nhiên ưu ái, đất đồi rừng, đất sản xuất đều tập trung, cánh đồng lớn và thuận lợi nguồn sinh thủy nên nhiều năm nay sản xuất nông nghiệp chưa bao giờ gặp rủi ro. Bên cạnh đó, người dân cũng chủ động tiếp cận ứng dụng KH-KT vào sản xuất, chăn nuôi nên các sản phẩm nông nghiệp đã trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế, nhiều gia đình từ sản xuất nông, lâm nghiệp mà trở nên khấm khá. Điện, đường, trường, trạm đảm bảo, điểm truy cập internet về tới thôn bản nên đồng bào dân tộc ở Kim Thượng dễ dàng kết nối mạng, cập nhật thông tin. Có thể khẳng định, các đề án mà Đảng ủy xã chỉ đạo thực hiện đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương, hướng tới hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Gia Minh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202103/nhung-de-an-khoi-nguon-phat-trien-cho-kim-thuong-175771