Những đề xuất gây tranh cãi trong năm 2021
Bỏ 'tiên học lễ, hậu học văn'; Lập 87 trạm thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội... là những đề xuất gây tranh cãi trong năm 2021.
Đề xuất bỏ “tiên học lễ, hậu học văn”
Tại hội thảo Giáo dục Việt Nam chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo" do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21/11/2021, GS Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) khẳng định, sáng tạo thuộc về tài năng.
Trong khi đó, xã hội Việt Nam truyền thống hướng đến ổn định, đề cao chữ lễ, "tiên học lễ hậu học văn", tức đề cao sự phục tùng.
GS Trần Ngọc Thêm kiến nghị: "Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo".
Để thực hiện dân chủ trong giáo dục, cần thay đổi quan niệm về người thầy từ việc truyền thụ kiến thức sang việc hướng dẫn người học sáng tạo và tự chịu trách nhiệm về sự sáng tạo của mình.
Đề xuất này gây tranh cãi và không ít ý kiến bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" của GS Trần Ngọc Thêm.
Đề xuất cấm môi giới bất động sản hoạt động độc lập
Trong “Hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản”của Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) có đề xuất cấm cá nhân môi giới bất động sản hoạt động độc lập nhằm quản lý, nâng cao chất lượng và trách nhiệm của hoạt động môi giới.
Theo đó, đề xuất mới quy định các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới đều phải thành lập doanh nghiệp, văn phòng môi giới và phải có chứng chỉ hành nghề...
Tuy nhiên, ý kiến này đang gây nên một làn sóng tranh cãi trong cộng đồng môi giới nhà đất. Nhiều môi giới động lập cho rằng đề xuất này là "bất công" với họ.
Đề xuất tịch thu phương tiện mua dâm
Trong năm 2021, Bộ Công an lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị định để thay thế Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
Một trong những nội dung của dự thảo được nhiều người quan tâm là chế tài dành cho các hành vi liên quan đến hoạt động mua bán dâm. Ngoài việc tăng mức phạt lên nhiều lần cho các vi phạm liên quan đến động mại dâm, dự thảo còn quy định thêm nhiều hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.
Trong đó có đề xuất, tịch thu phương tiện có liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính như: tiền, điện thoại, xe máy, ô tô.
Một số nhà nghiên cứu luật pháp cho rằng, tịch thu phương tiện, tang vật nào, có giá trị bao nhiêu tiền là hợp lý, Bộ Công an cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn.
Cùng có ý kiến cho rằng, đề xuất này cần phải nghiên cứu kĩ, việc xử phạt, tịch thu phương tiện của người mua dâm không được trái với Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Đề xuất hỗ trợ nghệ sĩ bị ảnh hưởng dịch Covid-19
Giữa năm 2021, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đề nghị hỗ trợ 2.000 viên chức hạng 4 gồm đạo diễn, diễn viên, họa sĩ tại các đơn vị công lập được nhận 1,8 triệu đồng mỗi người/tháng, được hỗ trợ ba tháng, chi trả trong một lần.
Thông tin này lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều người cho rằng trong tình hình chung hiện nay, không riêng gì giới nghệ sĩ mà có rất nhiều đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề. Do đó, họ mong cơ quan chức năng dành sự quan tâm đến nhiều người dân khác.
Đề xuất dừng chiếu phim của nghệ sĩ vi phạm đạo đức
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 23/10, khi thảo luận tại tổ về Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đề xuất quy định về việc dừng chiếu hoặc rút phép với các tác phẩm điện ảnh có sự tham gia của những nghệ sĩ vi phạm về đạo đức, an ninh chính trị, phát ngôn…
Dẫn chứng Trung Quốc đang có chiến dịch rất mạnh mẽ để loại bỏ ngôi sao có lối sống lệch chuẩn, đại biểu Lê Thu Hà cho rằng Việt Nam nên tham khảo, bởi người hoạt động nghệ thuật cần phải giữ gìn hình ảnh của mình, "nghệ sĩ cần đức trước khi cần tài".
Ngay lập tức, đề xuất trên trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn, mạng xã hội. Nhiều người ủng hộ đề xuất này, cho rằng biện pháp này nhằm răn đe những nghệ sĩ phát ngôn coi thường khán giả, có bê bối đời tư, hành xử không đẹp...
Nhưng nhiều người cũng cho rằng, biện pháp này thiếu hợp lý khi bắt cả tập thể phải chịu trách nhiệm cho vấn đề riêng của một cá nhân.