Những di sản quý của Báo chí Cách mạng Việt Nam buổi đầu
Báo chí Cách mạng buổi đầu là cụm từ được nhiều nhà nghiên cứu báo chí dành để chỉ cho những tờ báo cách mạng ra đời sau Báo Thanh Niên (1925) và trước ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930). Giúp người dân thời điểm đó hiểu rằng, 'cống hiến cho cách mạng để cứu nước, tức là tự cứu lấy bản thân mình và gia đình mình'; 'Thành lập một Đảng Cộng sản chính thức, lãnh đạo quần chúng đấu tranh, đó là trách nhiệm khẩn cấp của những người cộng sản ở An Nam bây giờ'', những tờ báo như Thanh Niên, Búa liềm, Báo Đỏ... thực sự là những di sản Báo chí Cách mạng quý giá.
Thanh Niên: Khai mở dòng Báo chí Cách mạng với 5 nội dung chính trị cơ bản
“Chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành được một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện” - từ khẳng định ấy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngày 21/6/1925, tờ báo mang tên Thanh Niên đã ra đời, mang trên mình sứ mệnh “làm cơ quan ngôn luận với nhiệm vụ tuyên truyền tập thể”.
Báo phát hành vào ngày chủ nhật hàng tuần, khổ khoảng 18 x 24cm, có số 4 trang, số 2 trang, viết bằng bút sắt trên giấy sáp. Trên mặt báo có các mục: xã luận, bình luận, phụ nữ đàm, vấn đáp, thơ ca, phê bình, trả lời bạn đọc… Báo Thanh Niên thời gian đầu ra một tuần một kỳ trên 100 bản. Về sau, do gặp nhiều khó khăn nên số sau cách số trước từ 3 đến 5 tuần. Măng sét của báo viết hai chữ Thanh niên bằng Hán văn và Việt văn. Số mỗi tờ báo viết trong ngôi sao năm cánh.
Một điểm đặc biệt của Thanh Niên là ngay từ đầu, Báo đã có 5 nội dung chính trị cơ bản rõ rệt. Đó là: Vạch rõ mâu thuẫn giữa dân tộc ta và các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc là không thể điều hòa được; Khẳng định con đường cách mạng, chống con đường cải lương; Lực lượng cách mạng là toàn dân, lấy công nông làm nền tảng; Nhận rõ con đường cách mạng, người cách mạng phải biết hy sinh vì sự nghiệp cách mạng và có phương pháp cách mạng đúng; Cần có Đảng Cộng sản lãnh đạo và tổ chức quần chúng cách mạng; Cách mạng Việt Nam đi theo con đường Cách mạng tháng Mười Nga mới giành thắng lợi.
Theo đó, toàn bộ nội dung trên 88 số Báo Thanh Niên từ năm 1925 - 1929 đều tập trung vào 5 nội dung này. Đơn cử như để khẳng định chỉ có con đường đấu tranh cách mạng mới giải phóng được dân tộc, Báo Thanh niên, số 2, có bài viết: “Cách mệnh là toàn bộ các hành động nhờ đó một dân tộc bị áp bức trở thành tự do và giàu mạnh. Lịch sử các nước dạy ta rằng, chỉ có bằng cách mệnh, người ta mới có thể có một chính phủ tốt hơn, một nền giáo dục tốt hơn’’.
Báo Thanh niên, số 63, có đoạn: “Đồng bào ơi! Quyền tự do là giời cho mình, người mà không được tự do, thà rằng chết. Tỉnh dậy, tỉnh dậy, đập vỡ cái lồng nó nhốt người mình đi’’. “Đập vỡ cái lồng” chính là nói dùng bạo lực cách mạng đập tan sự kìm kẹp của kẻ thù, thoát khỏi tủi nhục. Hay trước một số quan điểm vào giữa những năm 20 của thế kỷ XX rằng, chỉ có những người tài giỏi mới làm được cách mạng, đánh đuổi được Tây, lấy lại nước cho dân, báo Thanh niên khẳng định rằng: Chỉ có công nông là triệt để cách mạng.
Cách mạng là nhiệm vụ chung của mọi người giác ngộ cùng làm. Mỗi người tùy tài, tùy sức, của cải riêng, mà cống hiến cho cách mạng để cứu nước, tức là tự cứu lấy bản thân mình và gia đình mình. Làm cách mạng nhưng phải có phương pháp cách mạng đúng là điều mà báo Thanh Niên trong nhiều số báo đã nhấn mạnh, rằng: “Cách mệnh trước hết phải tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, sau cùng mới dùng đến vũ lực, đừng chăm chăm chỉ biết cách làm bạo động’’.
Đặc biệt, Báo Thanh Niên nhiều lần nhấn mạnh: Cần có Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng và tổ chức quần chúng cách mạng. Báo Thanh niên số 60, đã khẳng định: “Hỡi đồng bào thân mến, như vậy chỉ có một con đường chân chính là phải theo cái Đảng duy nhất kiên quyết trong hành động, đó là Đảng Cộng sản’’.
Tuyên truyền sâu rộng bao quanh 5 nội dung cốt lõi ấy, Báo Thanh Niên đã đã tạo dấu ấn mạnh trong đời sống báo chí tư tưởng những năm 20 của thế kỷ XX. Bản in có số lượng ít, đôi khi bị mất trên đường chuyển về nước nên nhiều nơi đã phải tổ chức chép tay thành nhiều bản để truyền nhau đọc. Cơ quan mật thám của Pháp để nhiều công sức theo dõi, truy tìm các đường dây chuyển báo, đánh vào các cơ sở của Hội, ngầm đưa tay sai vào nội bộ Hội để bí mật ăn cắp báo, tổ chức dịch ra chữ Pháp để nghiên cứu, đối phó. Từ đó, mục tiêu đưa chủ nghĩa yêu nước vào trong Nhân dân Việt Nam, nhất là trong thanh niên, theo xu hướng của cách mạng vô sản, đã hết sức thành công.
Búa Liềm: “Công, nông, binh Đông Dương đoàn kết lại! Theo gương cách mệnh Nga, đánh đổ đế quốc chủ nghĩa’’
Dù chỉ xuất bản được vỏn vẹn 9 số báo nhưng Búa Liềm - cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương đã là một dấu ấn đẹp trên hành trình Báo chí Cách mạng buổi đầu.
Tháng 6/1929, trước việc nhiều hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên hăng hái xin gia nhập Chi bộ Cộng sản, ngày 17/6, hơn 20 đại biểu các tổ chức cơ sở Đảng ở miền Bắc đã họp ở ngôi nhà số 312 phố Khâm Thiên - Hà Nội, quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, thông qua Chính cương, Tuyên ngôn, Điều lệ của Đảng; cử ra Ban Chấp hành Trung ương của Đảng và quyết định xuất bản Báo Búa Liềm - cơ quan ngôn luận của Đảng. Từ ngày 1/10/1929, Báo Búa Liềm xuất bản số đầu tiên và sau đó mỗi số được xuất bản cách nhau nửa tháng.
Ra đời có 9 số, lại trong hoàn cảnh bí mật nên thông tin về Báo Búa Liềm không nhiều. Cuốn Lịch sử Báo chí Việt Nam, dẫn báo Búa Liềm số 3, ngày 1/11/1929, báo đề ra “Khẩu hiệu đấu tranh’’ cho thợ thuyền áo xanh (công nhân công nghiệp), áo nâu (công nhân nông nghiệp), khách (công nhân là người Hoa) tổ chức nhau vào công hội theo Đảng Cộng sản đấu tranh, đòi các quyền lợi kinh tế và tổ chức công hội, tự do bãi công và tuần hành (có 5 khẩu hiệu, 4 là thuần túy kinh tế); đối với dân cày, tổ chức vào nông hội theo Đảng Cộng sản, đòi các quyền lợi kinh tế đưa ra khẩu hiệu: “công, nông, binh Đông Dương đoàn kết lại! Theo gương cách mệnh Nga, đánh đổ đế quốc chủ nghĩa’’… Những bài viết đó phần nào cho thấy, Búa Liềm đã làm tròn sứ mệnh cơ quan tuyên truyền của Đông Dương Cộng sản Đảng.
Báo Đỏ: “Cổ động những người cộng sản, những chi bộ cộng sản hợp nhất lại thành một Đảng Cộng sản chính thức’’
Tháng 11/1929, Kỳ bộ Nam Kỳ quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng xuất bản tờ Báo “Đỏ” làm cơ quan ngôn luận. Báo viết tay trên giấy sáp. Trên măng sét viết những dòng đóng trong khung bên phải tên báo chữ to: “Báo Đỏ là cơ quan của một chi bộ cộng sản, mục đích là cổ động những người cộng sản, những chi bộ cộng sản ở An Nam mau mau hợp nhất lại cho thành một Đảng Cộng sản chính thức’’.
Trong khung bên phải tên báo, có những dòng chữ: “Thành lập một Đảng Cộng sản chính thức, lãnh đạo quần chúng đấu tranh, phản đối khủng bố, giết, đày, giam người cách mạng, đó là trách nhiệm khẩn cấp của những người cộng sản ở An Nam bây giờ".
Trong các bài viết của mình, Báo Đỏ thường xuyên nhấn mạnh tới việc “Làm thế nào cho có một Đảng Cộng sản chính thức ở An Nam”. “An Nam chưa có Đảng Cộng sản, chẳng những quốc tế công nhận thế, mà đồng chí ta chắc ai cũng hiểu vậy. Một Đảng chính thức phải có đủ hệ thống tổ chức, phải có cơ bản lực lượng của Đảng và lực lượng quần chúng tổ chức. Nhưng thế cũng chưa thể gọi là một Đảng chính thức được, phải trải qua một thời gian phấn đấu để đào thải hết những phần tử đầu cơ, hoạt đầu, thỏa hiệp, để luyện đảng viên cho có kiên nhẫn như sắt, để làm cho Đảng có kinh nghiệm đầy đủ, lý luận và chủ trương chính đáng, không xu hướng tả mà cũng không xu hướng hữu, nói tóm lại là đảng viên phái bônsêvích hóa thì Đảng mới gọi Đảng bônsêvích...’’ - một bài báo trên Báo Đỏ nhấn mạnh.