Những 'địa chỉ đỏ' trong Khởi nghĩa Nam Kỳ

84 năm trôi qua nhưng cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Tân An - Chợ Lớn (23/11/1940 – 23/11/2024) để lại dấu ấn không thể nào quên với những địa danh: Giồng Cám, cầu Ông Chuồng, Long Ngãi Thuận, Mớp Xanh (Bo Bo),... Ngày nay, những địa danh ấy trở thành 'địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Thông qua các hoạt động truyền thống, tuổi trẻ Cần Giuộc luôn ghi nhớ công lao của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bảy

Thông qua các hoạt động truyền thống, tuổi trẻ Cần Giuộc luôn ghi nhớ công lao của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bảy

Giồng Cám: Hào hùng và bi tráng

Khởi nghĩa Nam Kỳ là một trong những mốc son chói lọi của dân tộc trên con đường cởi ách nô lệ. Ở sát trung tâm Sài Gòn, Long An lúc bấy giờ là 2 tỉnh: Tân An và Chợ Lớn. Đây là một trong những địa bàn sôi động nhất của cuộc khởi nghĩa.

Giồng Cám là nơi diễn ra trận đánh ác liệt vào ngày 23/11/1940, các chiến sĩ Khởi nghĩa Nam Kỳ quận Đức Hòa (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) phục kích tiêu diệt 2 tên ác ôn có nhiều nợ máu với đồng bào là Quản Nên và Bếp Nhung. Sau khi tiêu diệt 2 tên ác ôn này, chiều 23/11/1940, bọn địch ở Đức Hòa đi lấy xác Quản Nên và Bếp Nhung vùi chung 4 người dân vô tội ở con mương nhà ông Lê Văn Khách cũng tại Giồng Cám, nay thuộc ấp Bình Hữu 1, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa (4 người này được chôn chung trong một ngôi mộ lập ngày 29/02/1970 tại Giồng Cám).

Thanh niên xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa quét mã QR để tìm hiểu Di tích lịch sử Giồng Cám

Thanh niên xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa quét mã QR để tìm hiểu Di tích lịch sử Giồng Cám

Sáng 24/11/1940, chúng tổ chức càn quét với quy mô lớn vào làng Đức Hòa. Với sự chỉ điểm của bọn tay sai, địch đốt hơn 40 ngôi nhà, bắt 30 người, bắn chết 17 người, vùi xác xuống con mương nhà ông Lê Văn Khách. Nhiều người dân ở các địa phương khác cũng bị địch giết hại, bắt bớ nhưng vẫn nêu cao tinh thần bất khuất trước kẻ thù, để lại trong lòng người dân hình ảnh cao đẹp của người cộng sản.

Cũng trên địa bàn huyện Đức Hòa, trọng điểm của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm xưa ở Tân An - Chợ Lớn, địa điểm diệt Quản Nên ở Giồng Cám cũng được dựng bia ghi công và xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 2000: Di tích lịch sử Giồng Cám tại xã Đức Hòa Thượng.

Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp bắt đầu đàn áp đẫm máu ở nhiều địa phương. Thực dân Pháp cho xử bắn 11 chiến sĩ Khởi nghĩa Nam Kỳ tại quận Đức Hòa (nay là huyện Đức Hòa). Để ghi nhớ tấm gương oanh liệt của các đồng chí hy sinh, tỉnh cho xây dựng và khánh thành tượng đài chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ (nay thuộc Khu di tích Ngã tư Đức Hòa).

Tượng đài chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa tại Khu di tích Ngã tư Đức Hòa, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa

Tượng đài chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa tại Khu di tích Ngã tư Đức Hòa, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa

Phó Bí thư Đoàn xã Đức Hòa Thượng - Nguyễn Trọng Bằng thông tin, Đức Hòa Thượng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử nổi bật: Di tích lịch sử Vườn nhà ông Bộ Thỏ - nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Chợ Lớn, Khởi nghĩa Nam Kỳ,... Phát huy truyền thống anh hùng, tuổi trẻ Đức Hòa Thượng có nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ.

Thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, cán bộ Đoàn lồng ghép nội dung tuyên truyền về truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh niên. Bên cạnh đó, Đoàn xã còn tăng cường tổ chức các hoạt động nhận chăm sóc các nhà bia ghi tên các anh hùng liệt sĩ cũng như 2 địa danh nói trên; các hoạt động đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn nhân các dịp lễ, tết.

Đêm 22, rạng sáng ngày 23/11/1940, cả Nam Kỳ rung chuyển bởi cuộc khởi nghĩa nổ ra ở 20/21 tỉnh, thành phố ở Nam Kỳ. Lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy tiến công ở nhiều nơi. Trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, toàn Tân An và Chợ Lớn có 94/128 làng tham gia khởi nghĩa với nhiều hình thức: Đánh đồn bót, ngăn lộ phá cầu, trừng trị nhiều tên ác ôn, tay sai ở Đức Hòa, Cần Giuộc, Trung Quận, Thủ Thừa,... tạo nên nhiều tiếng vang lớn.

Đây được xem là cuộc khởi nghĩa vũ trang có quy mô rộng lớn và mạnh mẽ nhất kể từ lúc thực dân Pháp xâm lược nước ta năm 1858 đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tuy không giành được thắng lợi nhưng Khởi nghĩa Nam Kỳ như một bản hùng ca về tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập, tự do của dân tộc. Và cuộc khởi nghĩa này cũng chính là bài học quý báu cho Đảng ta dẫn đến thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

“Hoàng hậu đỏ” - Nữ anh hùng tiêu biểu trong Khởi nghĩa Nam Kỳ

Ngoài huyện Đức Hòa, Khởi nghĩa Nam Kỳ cũng diễn ra ác liệt tại một số địa phương khác. Và lần đầu tiên trong lịch sử, lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên đất Tân An - Chợ Lớn tại cầu Ông Chuồng, làng Phước Vĩnh Tây, quận Cần Giuộc (nay là huyện Cần Giuộc) và làng An Thạnh, quận Trung Quận (nay là huyện Bến Lức).

Gắn liền với cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ tại mảnh đất vùng hạ là cuộc đời hoạt động cách mạng tuy ngắn ngủi nhưng từng giữ nhiều chức vụ quan trọng và chỉ huy nhiều trận đánh của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Bảy.

Nguyễn Thị Bảy, SN 1909, tại làng Vĩnh Hựu, tổng Hòa Đồng Trung, quận Gò Công (nay là xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang). Năm 1932, bà được đứng chân vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1936, bà được phân công làm Bí thư Quận ủy Cần Giuộc và là Tỉnh ủy viên Chợ Lớn. Tháng 11/1940, khi lệnh khởi nghĩa do Xứ ủy Nam kỳ ban ra, Cần Giuộc là quận đã phát động được đông đảo quần chúng hưởng ứng mạnh mẽ nhất trong tỉnh Chợ Lớn. Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Khởi nghĩa do bà Bảy đứng đầu, nhiều cuộc trừ gian, diệt tề, ngăn chặn giao thông, cắt đường dây liên lạc của địch, tước vũ khí của bọn tề làng đã diễn ra nhiều nơi. Do điều kiện khách quan và chủ quan chưa chín muồi nên cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại. Bọn thực dân Pháp đàn áp phong trào một cách dã man. Ở Cần Giuộc, nhiều người bị bắt, bị giết ngay tại chỗ, có người phải trốn đi nơi khác.

Bức tranh tái hiện hình ảnh xử bắn đồng chí Nguyễn Thị Bảy và các chiến sĩ cách mạng vào ngày 26/5/1941

Bức tranh tái hiện hình ảnh xử bắn đồng chí Nguyễn Thị Bảy và các chiến sĩ cách mạng vào ngày 26/5/1941

Ngày 14/12/1940, bà Bảy bị địch bắt. Trong tù, bà cùng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tiếp tục lãnh đạo các nữ tù đấu tranh khiến địch khiếp sợ, phải tôn bà là “Bà hoàng hậu đỏ”. Mấy tháng sau, cả 2 người bị tòa án quân sự Sài Gòn kết án tử hình. Đây cũng là 2 nữ đảng viên duy nhất bị kết án tử hình, trong bản danh sách hơn 170 chị em tù chính trị bị bắt giam lúc bấy giờ.

Bà Nguyễn Thị Bảy bị xử bắn cùng với 4 đồng chí khác tại sân banh Cần Giuộc vào ngày 26/5/1941. Ghi nhận công lao to lớn của người nữ anh hùng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân vào năm 2010 và năm 2015, bà được truy tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Bí thư Huyện Đoàn Cần Giuộc - Đỗ Thị Thảo Phương cho biết, phát huy hào khí Nam Kỳ khởi nghĩa, tuổi trẻ Cần Giuộc thường xuyên tổ chức dâng hương, giới thiệu về lịch sử “Bà hoàng hậu đỏ” - Nguyễn Thị Bảy đến đoàn viên, thanh niên và đội viên; đồng thời, thường xuyên ra quân vệ sinh khu di tích, nhà lưu niệm, tổ chức các chuyến hành trình về “địa chỉ đỏ” tại Khu lưu niệm, Công viên Nguyễn Thị Bảy (thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc).

Song song đó, các tổ chức Đoàn, Đội tổ chức kết nạp đội viên, đoàn viên mới tại đây. Bên cạnh đó, nơi đây cũng diễn ra các hội thi trắc nghiệm tìm hiểu lịch sử về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bảy,... góp phần giáo dục lòng yêu nước của các thế hệ trẻ.

Khởi nghĩa Nam Kỳ đã qua 84 năm nhưng những giá trị của sự hy sinh cao cả của cả dân tộc ta vẫn tiếp tục được khẳng định sâu sắc, toàn diện hơn. Ôn lại truyền thống lịch sử Khởi nghĩa Nam Kỳ, hậu thế ý thức sâu sắc rằng mọi thành quả cách mạng ngày nay là công lao, xương máu, sự cống hiến, hy sinh của nhiều thế hệ cách mạng. Từ đó, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Long An càng ra sức giữ gìn, phát huy truyền thống, xây dựng và bảo vệ quê hương./.

Song Nhi

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-dia-chi-do-trong-khoi-nghia-nam-ky-a186014.html