Những địa điểm hấp dẫn khi du lịch xứ Lạng
Lạng Sơn là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc. Nơi đây là trung tâm mua bán đầu mối lớn giáp biên giới mà còn có nhiều thắng cảnh hấp dẫn. Nếu có dịp ghé thăm Lạng Sơn, bạn hãy dành thời gian tham quan những điểm đến dưới đây.
1. Đỉnh Mẫu Sơn
Mẫu Sơn là vùng núi cao chạy theo hướng đông - tây, nằm ở phía đông bắc tỉnh Lạng Sơn nằm cách TP Lạng Sơn khoảng 30 km về phía đông, giáp với biên giới Việt - Trung. Đỉnh Mẫu sơn là vùng núi cao của tỉnh, có địa hình đa dạng, độ cao trung bình 800 - 1.000 m so với mặt nước biển, bao gồm một quần thể 80 ngọn núi lớn nhỏ từ lâu được người Pháp chọn là nơi du lịch nghỉ dưỡng với nhiều ngôi nhà và biệt thự cổ.
Đỉnh Mẫu Sơn là một nơi lý tưởng để nghỉ ngơi và thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng. Không khí rất trong lành và thiên nhiên phóng khoáng, tạo cảm giác gần gũi và thân thiết. Đến Mẫu Sơn du khách còn có thể mua các đặc sản nổi tiếng như chè tuyết sơn, gà lôi sáu cựa, chanh rừng, ếch hương, rượu Mẫu Sơn…
2. Cột cờ Phai Vệ
Tọa lạc trên đỉnh núi Phai Vệ (phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn) cao 80m, cột cờ Phai Vệ đã được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia. Đây từng là nơi trú ẩn của bộ đội ta trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và là nơi phát hiện 2 di chỉ có niên đại từ 10.000 đến 5.000 năm là hang Phai Vệ 1, hang Phai Vệ 2.
3. Ải Chi Lăng
Ải Chi Lăng là địa danh nổi tiếng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Ải kéo dài 20km, từ thị trấn Chi Lăng đến xã Mai Sao (huyện Chi Lăng), nơi có dòng sông Thương chảy qua, lại được bao bọc bởi những dãy núi hiểm trở như Cai Kinh, Thái Họa... Với vị trí hiểm yếu, ải Chi Lăng từng là “bức tường thành” che chắn cho kinh thành Thăng Long xưa khỏi quân xâm lược phương Bắc. Năm 1962, Khu di tích lịch sử Chi Lăng được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia và năm 2020 được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.
4. Chùa - động Tam Thanh
Quần thể chùa - động Tam Thanh là điểm du lịch nổi tiếng của Lạng Sơn, gồm 1 ngôi chùa và 3 hang động, trong đó, lớn nhất và đẹp nhất là động Tam Thanh. Bên trong động là những khối thạch nhũ với nhiều hình thù sinh động cùng hồ Âm Ty quanh năm nước xanh trong vắt.
Chùa Tam Thanh mang những giá trị văn hóa đặc sắc, gồm nhiều văn bia và tượng thờ; đặc biệt là pho tượng Phật A Di Đà được tạc nổi trên vách đá theo phong cách nghệ thuật thời Lê - Mạc (thế kỷ XVI - XVII).
5. Thành nhà Mạc
Là một công trình kiến trúc quân sự được Mạc Kính Cung xây dựng vào thế kỷ XVI, thành nhà Mạc (phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn) nằm ở vị trí hiểm trở, giữa 3 ngọn núi cao với mục đích chống lại vua Lê - chúa Trịnh. Hiện nay, thành chỉ còn hai đoạn tường dài 300m nhưng đủ cho thấy kiến trúc đặc trưng của thời kỳ này. Năm 1962, Khu di tích danh thắng Tam Thanh (sau là Nhị - Tam Thanh, gồm thành nhà Mạc, chùa Tam Thanh, núi Tô Thị) được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
6. Núi Tô Thị
Núi Tô Thị (núi Vọng Phu) nằm ở phường Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn). Trên đỉnh núi có một pho tượng đá tự nhiên gắn với truyền thuyết nàng Tô Thị bồng con chờ chồng đi đánh giặc. Pho tượng này đã trở thành biểu tượng cho sự chung thủy, sắt son của phụ nữ Việt Nam.
7. Núi Nà Lay
Đỉnh núi Nà Lay thuộc thị trấn Bắc Sơn sở hữu độ cao khoảng 600m so với mực nước biển, là địa điểm với góc nhìn toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn tuyệt đẹp từ trên cao. Để chinh phục đỉnh Nà Lay, du khách bắt buộc trải qua quãng đường dài với khoảng 1.200 bậc thang đá chông chênh dựng đứng. Nếu như may mắn, bắt gặp thời tiết thuận lợi thì hình ảnh đẹp tuyệt vời của thung lũng lúa chín Bắc Sơn nhìn từ trên cao sẽ là món quà vô giá dành cho các trái tim ham mê nhiếp ảnh.
Từ đây các bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn, nơi có những thửa ruộng đầy màu sắc được bao quanh bằng những vành đai núi dày đặc tạo thành những sóng núi không khác gì đường đi Lũng Cú - Hà Giang hay Fansipan của Sapa.
8. Đền Kỳ Cùng
Đền Kỳ Cùng (còn mang tên là đền Quan Lớn Tuần Tranh) nằm bên tả ngạn sông Kỳ Cùng, thuộc địa phận phường Vĩnh Trại, tỉnh thành Lạng Sơn. Kiến trúc đền hiện tại là sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại. Đền được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, gồm 3 cửa vòm cuốn với 2 trụ gạch vuông, bên trên được đắp nổi những hoa văn, trên cộng là bộ tam khí gồm đỉnh và lọ hoa thờ hai bên. Phía trong đền còn lưu giữ được những hoành phi, đại tự sở hữu niên đại từ thời Lê - Nguyễn cùng nhiều đồ thờ tự khác như: chuông, ngai, tán, lọng, đỉnh đồng và những pho tượng cổ có giá trị niên đại và mỹ thuật cao. Đến với đền Kỳ Cùng du khách được tìm hiểu về những câu chuyện lịch sử, và cầu an.