Những địa phương điều chỉnh lịch học từ ngày 14/3 do ảnh hưởng của dịch COVID-19
Số ca nhiễm COVID-19 liên tục tăng trên địa bàn khiến một số địa phương phải điều chỉnh lịch đến trường của học sinh.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, Giám đốc Sở Y tế của tỉnh này đề xuất xem xét, lựa chọn phương pháp dạy học trực tuyến thay cho trực tiếp như hiện nay. Một mặt tăng cường kiểm soát tốc độ lây nhiễm COVID-19 trong trường học, mặt khác chú trọng bảo vệ an toàn phòng, chống dịch cho học sinh cấp tiểu học và mầm non.
Cụ thể, từ khi giáo viên và học sinh trở lại trường đến nay đã và đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch rất cao trong trường học. Tính đến ngày 11/2/2022, toàn tỉnh có 821 giáo viên và 6.113 học sinh mắc COVID-19. Hiện tại, tỷ lệ này chiếm hơn 26% số ca mắc mới trong ngày. Trong đó, có khoảng 50% số học sinh mắc COVID-19 dưới 12 tuổi, chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Trước đó, UBND Cà Mau vừa có quyết định điều chỉnh thời gian học kỳ 2 năm học 2021 - 2022 của tỉnh. Theo đó, học kỳ 2 ở bậc giáo dục mầm non sẽ kéo dài đến 30/7/2022 (trước đó quy định đến ngày 20/5/2022); Đối với giáo dục phổ thông: học kỳ 2 của lớp 1, 2 kết thúc trước ngày 30/7/2022; lớp 3, 4 và 5 kết thúc học kỳ 2 trước ngày 15/7/2022 (trước đó quy định đến 21/5/2022); Còn cấp THCS và THPT kết thúc học kỳ 2 trước ngày 15/6/2022 (trước đó quy định đến ngày 21/5/2022); giáo dục thường xuyên kết thúc trước 31/5/2022 (trước đó quy định đến 7/5/2022).
UBND TP Đồng Hới (Quảng Bình) vừa quyết định cho toàn bộ trẻ mầm non nghỉ từ ngày 14/3 cho đến khi có thông báo mới.
Ở bậc phổ thông, tổ chức dạy học trực tuyến đối với các lớp có học sinh F0 và các lớp 3, 4 bậc tiểu học và lớp 7, 8 bậc THCS. Đối với các lớp 1, 2, 5 bậc tiểu học và 6, 9 bậc THCS tổ chức dạy học trực tiếp, song phải bố trí mỗi lớp thành 2 ca/ngày nhằm giảm tối đa số lượng học sinh trong một buổi.
Các trường học tạm thời không tổ chức bán trú và các hoạt động tập trung đông người, bố trí lệch khung giờ đến trường và tan học giữa các khối lớp.
Ở bậc phổ thông, các trường tổ chức dạy học trực tuyến đối với lớp có học sinh F0 và các lớp 3, 4 bậc tiểu học, lớp 7, 8 bậc THCS. Học sinh lớp 1, 2, 5, 6, 9 học trực tiếp, song trường bố trí mỗi lớp thành 2 ca/ngày nhằm giảm tối thiểu số lượng học sinh trong một buổi.
Các trường học tạm thời không tổ chức bán trú và các hoạt động tập trung đông người, bố trí lệch khung giờ đến trường và tan học giữa các khối lớp.
Theo Công văn số 633/UBND-KGVX ngày 11/3/2022, UBND tỉnh Hà Nam đồng ý với đề nghị của Sở GD&ĐT về việc tiếp tục cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học, học sinh lớp 6 nghỉ học trực tiếp tại trường, chuyển sang học trực tuyến (đối với học sinh tiểu học và lớp 6) từ ngày 12/3/2022 đến hết ngày 31/3/2022 nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT Hà Nam phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các hoạt động chuyên môn, dạy và học trực tuyến hiệu quả, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế.
Tại Hà Giang, học sinh mầm mon, tiểu học toàn tỉnh và học sinh THCS, THPT, học viên, sinh viên tại 5 địa phương bao gồm: Thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Bắc Mê và Quang Bình nghỉ học trực tiếp từ ngày 14/3 đến khi có thông báo mới.
Tại Lai Châu có 73 trường học tạm dừng việc dạy học trực tiếp, chuyển sang hình thức học trực tuyến hoặc hình thức khác khi số ca nhiễm COVID-19 liên tục tăng.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Lai Châu, các trường học trên địa bàn tỉnh ghi nhận 467F0 (84 ca là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 383 ca là học sinh). Số ca nhiễm COVID-19 từ đầu năm đến nay có tổng số 3.711F0 (658 ca là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 3.053 ca là học sinh).
Trước đó, hàng loạt địa phương trên cả nước đã phải điều chỉnh lịch đến trường của học sinh các cấp học phù hợp với cấp độ dịch trên địa bàn để phòng, chống dịch COVID-19.