Những điểm bỏ phiếu 'có một không hai' tại Mỹ
Ngoài nhà thờ, trường học hay những công trình công cộng khác, nước Mỹ còn có những điểm bỏ phiếu 'độc nhất vô nhị', chỉ có trong ngày bầu cử tổng thống.
Chỉ còn 2 tuần nữa, hàng triệu người Mỹ sẽ tham gia bỏ phiếu tìm ra người xứng đáng nhất cho chiếc ghế lãnh đạo tại Nhà Trắng. Dù số lượng phiếu bầu qua đường bưu điện cao kỷ lục so với các năm trước, vẫn có hàng triệu cử tri đi bỏ phiếu trực tiếp.
Một số cử tri sẽ đến các điểm bỏ phiếu quen thuộc trong khu phố như nhà thờ, phòng tập thể dục của trường học hoặc các địa điểm công cộng khác. Một số khác sẽ bỏ phiếu ở những điểm không ai ngờ tới như tiệm làm tóc, bảo tàng, nhà hàng hay thậm chí cả tiệm giặt là.
Từ bảo tàng đến nghĩa trang
Năm nay, bảo tàng Brooklyn ở New York sẽ trưng bày bức tranh "Lá cờ của chúng ta" của danh họa Ed Ruscha, tổ chức các chương trình nghệ thuật nổi bật như Plan Your Vote, sáng kiến được các nghệ sĩ khởi xướng để khuyến khích công dân thực hiện quyền bầu cử.
Trước đó, năm 2012, những vận động viên lướt sóng có thể vừa mặc đồ lặn, vừa bỏ phiếu ngay tại trụ sở đội cứu hộ Venice Beach ở thành phố Los Angeles, California. "Thật tuyệt vời khi điểm bỏ phiếu lại chính là nơi tôi hay đến lướt sóng," Mike Weigart, 30 tuổi, nói với AP.
Trong vòng bầu cử sơ bộ tổng thống năm 2016, một số cử tri đã bỏ phiếu ngay trước mắt các vận động viên bơi lội đang hoàn thành vòng đua ở hồ bơi Echo Park tại Los Angeles. Hồ bơi này hiện tạm thời phải đóng cửa vì dịch Covid-19.
Thú vị hơn, vào năm 2006, một phòng bỏ phiếu bầu quốc hội giữa nhiệm kỳ tổng thống đã được đặt bên trong tiệm cắt tóc Visions Hair ở thành phố Downey, bang California.
Việc trưng dụng các cơ sở kinh doanh, thậm chí nhà riêng của người dân làm điểm bỏ phiếu tại miền nam bang California là một điều hết sức bình thường. Năm 2016, các cử tri tại địa hạt Arlington, bang Virginia đã xếp hàng dài để bỏ phiếu tại một trạm cứu hỏa.
Tại thành phố San Francisco, nhiều cử tri còn có cơ hội được bỏ phiếu cùng… người đã khuất.
Khu lăng mộ Neptune Society, được xây dựng vào năm 1898, là một địa danh lịch sử và là nơi lưu giữ 8.500 bộ hũ tro cốt, trong đó có tro cốt của rất nhiều tên tuổi nổi tiếng. Nơi đây cũng được sử dụng làm địa điểm bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tại Mỹ.
Vào ngày bình thường, thực khách sẽ xếp hàng dài để vào thưởng thức món taco trứ danh tại Taquerias Los Comales, một nhà hàng Mexico nức tiếng ở Chicago. Tuy nhiên, vào ngày bầu cử năm 2012, họ vẫn xếp hàng dài vào Taquerias Los Comales, nhưng để bỏ phiếu.
Từ đại lý mô tô sang tiệm giặt là
Trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ tổng thống năm 2018, một đại lý mô tô Harley Davidson ở Long Beach, California, đã biến thành điểm bỏ phiếu.
"Chúng tôi thường đi bỏ phiếu ở trường học hoặc nhà thờ. Điều này thật không bình thường, nhưng giờ tôi đã quen dần", mục sư địa phương Moises Valentin cho trang Rappler biết.
Còn theo ông Levele Wiley, một nhân viên tại sân bay quốc tế Los Angeles, đây là một ý tưởng tuyệt vời. “Bạn vừa đi bỏ phiếu vừa có thể nhìn ngắm những chiếc xe phân khối lớn. Không có điều gì đậm “chất Mỹ” hơn điều này", ông Wiley nói.
Trong cuộc bầu cử 2016, các cử tri tại Chicago còn có cơ hội vừa bỏ phiếu vừa chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật trong bảo tàng Swedish American. Nhưng với cử tri ở Colo, Iowa, thì hơi bức bối một chút khi nơi bỏ phiếu được đặt trong ngôi trường chỉ có…một phòng học.
Ở các kỳ bầu cử trước đó, người dân vừa có thể bỏ phiếu, vừa có thể mua sắm bên trong các hàng tạp hóa của Foodland ở National City, bang California.
Các cửa hàng tạp hóa tại Mỹ thường là điểm phổ biến để đặt thùng phiếu, nhưng ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đang làm cho những địa điểm này trở nên kém an toàn hơn, khiến các tiểu bang tại Mỹ phải lựa chọn các vị trí khác.
Cũng trong các kỳ bầu cử trước kia, cử tri Mỹ có thể thực hiện một công đôi việc, vừa bỏ phiếu vừa giặt là quần áo. Tiệm giặt Su Nueva Lavanderia ở thành phố Chicago là một điểm như vậy.
Gara ôtô và trạm vũ trụ
Còn tại Philadelphia vào năm 2016, người Mỹ vừa có thể thực hiện quyền công dân vừa có thể tranh thủ bảo dưỡng phương tiện đi lại của mình, nhờ một số điểm bỏ phiếu là…gara ôtô.
Ông Ray Lounsberry đã biến nhà kho trang trại của mình gần thành phố Nevada, bang Iowa, thành điểm bỏ phiếu suốt hơn 15 năm qua. Theo tờ Ames Tribune, vào mỗi kỳ bầu cử, ông Lounsberry thường thức dậy lúc 6 giờ sáng để bật máy sưởi và sắp xếp các thùng phiếu.
Ông hay đãi cà phê cho khoảng 300 cử tri được chỉ định đi bỏ phiếu trong trang trại của mình, và dành không gian của tủ lạnh trong nhà để chứa bữa trưa cho các nhân viên kiểm phiếu.
Lounsberry chia sẻ, trước đó ông từng đi bỏ phiếu ở một địa điểm khác nhưng nhiệt độ ở đó rất thấp. Ông cho rằng, thời tiết sẽ cản trở mọi người ra ngoài bỏ phiếu, nên đã nảy sinh ý tưởng biến nhà kho của mình thành nơi giúp cử tri cảm thấy ấm áp và thoải mái nhất có thể.
Sân bóng của Câu lạc bộ bóng đá Mockingjay Valley tại thành phố Louisville, bang Kentucky đã được cải tạo thành một địa điểm bỏ phiếu vào năm ngoái.
Thậm chí, ở độ cao cách Trái đất 200km cũng không thể ngăn cản các phi hành gia Mỹ bỏ phiếu ngay ngoài vũ trụ. Từ khi Đạo luật 81.35 đuợc cơ quan lập pháp bang Texas thông qua vào năm 1997, các phi hành gia đã có thể sử dụng các phiếu bầu vắng mặt điện tử đặc biệt để có thể bỏ phiếu ngay bên ngoài vũ trụ.
Và trong đền thờ đạo Hindu
Ở bang Utah, các cử tri có thể bỏ phiếu ngay bên trong ngôi đền Hindu ở thành phố Salt Lake. Việc bỏ phiếu bên trong một ngôi đền Hindu ở ngay giữa trung tâm Mormon giáo tại nước Mỹ là một điều hết sức độc đáo.