Những điểm hẹn của du khách muôn phương
Với không gian thoáng đãng, phong cảnh hữu tình cùng những công trình kiến trúc độc đáo, mang đậm giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống, nhiều điểm du lịch trên địa bàn tỉnh luôn hấp dẫn du khách gần xa.
Nét văn hóa tâm linh bên “thần mộc” Dã hương
Mới đây, quần thể di tích đình, đền, chùa Tiên Lục (Lạng Giang) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể này nổi tiếng trong vùng với chùa Phúc Quang, đền Tiên Lục, đình Thuận Hòa, đình Viễn Sơn và cây Dã hương. Từ nguồn tư liệu lịch sử, tư liệu Hán - Nôm còn lưu giữ tại đây cho thấy, các công trình được xây dựng lâu đời, trùng tu, tôn tạo vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII).
Hiện trên các công trình vẫn bảo lưu tương đối nguyên vẹn kiến trúc, hình dáng và các mảng chạm khắc trang trí với nhiều chủ đề độc đáo, tinh xảo, giá trị nghệ thuật cao như: Rồng ổ, rồng lớn, hình con thú, tiên nữ cưỡi rồng, cảnh đấu vật... Điểm nhấn thu hút du khách là cây Dã hương nghìn năm tuổi được vua Lê Cảnh Hưng phong sắc là “Quốc chúa Đô mộc Dã Đại vương” - cây Dã hương to nhất nước. Cây tọa lạc ngay sau đình Viễn Sơn, uy nghi, cổ kính, dáng trực thẳng vươn lên trời xanh. Theo số liệu khảo sát, cây cao hơn 30 m, đoạn thân có chu vi lớn nhất là 17,4 m, tương đương 8 người nối tay nhau mới ôm hết.
Mỗi năm có hàng chục nghìn lượt du khách từ khắp mọi miền đất nước về tham quan, chiêm bái, tìm hiểu nét văn hóa tâm linh tại các ngôi đình, đền, chùa cổ kính, được thỏa nguyện đứng dưới tán cây sum suê, chạm tay vào “thần mộc” cảm nhận sự bình yên. Vào ngày 18, 19, 20 tháng Ba âm lịch hằng năm, lễ hội Tiên Lục được tổ chức tại quần thể di tích thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự. Từng về đây dự hội, anh Hoàng Văn Tuấn (Hà Nội) cho biết: “Tôi rất thích các hoạt động tại lễ hội như: Lễ rước nước, rước kiệu, tục xếp chữ, trò chơi cướp cầu độc đáo. Mong rằng những nét văn hóa truyền thống đó tiếp tục được duy trì để mọi người khám phá, hiểu sâu sắc hơn về di sản”.
Thắng cảnh bên sông Thương
Thắng cảnh núi Dành tại xã Liên Chung và Việt Lập (Tân Yên) nằm cách sông Thương không xa, đỉnh cao nhất khoảng 117 m so với mực nước biển. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với rừng thông nhiều năm tuổi, không khí trong lành. Đường lên núi Dành được xây 345 bậc thoai thoải. Dưới chân núi có giếng Mũi Voi, sâu khoảng 2 m, nước luôn trong xanh. Tọa lạc trên đỉnh núi là đền Dành thờ thần Cao Sơn, Quý Minh, qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, di tích vẫn lưu lại nhiều nét cổ kính, riêng biệt.
Tháng 7/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ra quyết định công nhận điểm du lịch tâm linh - sinh thái núi Dành. Theo Ban Quản lý di tích đền Dành, vào dịp cuối năm và ngày xuân, hàng nghìn người trong và ngoài tỉnh đến đây dâng hương, vãn cảnh. Ban Quản lý di tích phối hợp với lực lượng của xã bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách.
Du khách đến đây không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quan bao la hùng vĩ mà còn khám phá những sắc màu văn hóa ở vùng đất này. Lễ hội đền Dành được tổ chức quy mô cấp xã vào ngày 19, 20 tháng Giêng, là dịp người dân địa phương, du khách tưởng nhớ các bậc hiền tài, những người có nhiều công lao đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước.
Đến nay, toàn tỉnh có 19 khu, điểm du lịch đã được công nhận, tăng gần gấp hai lần so với 5 năm trước, tập trung nhiều ở thị xã Việt Yên, TP Bắc Giang, thị xã Chũ. Hầu hết cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch được đầu tư khang trang, cảnh quan đẹp, thu hút đông du khách.
Độc đáo nhất là nghi lễ rước thần từ đình Vường lên đền Dành cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người dân khỏe mạnh, gia đình ấm no hạnh phúc, thôn xóm bình yên. Đặc biệt, du khách được người dân kể cho nghe câu chuyện lưu truyền trong dân gian về sản vật tiến Vua - sâm Nam núi Dành. Công dụng của loài sâm quý này được ví như “tiên dược” khi giúp mẹ vua Tự Đức là Hoàng Thái hậu Từ Dũ sáng mắt trở lại. Bởi thế nên mới có câu ca: "Sâm Nam nổi tiếng núi Dành/ Chữa lòa cho mắt lại lành như xưa”.
Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Chung cho biết: Khai thác lợi thế đất đai, nhiều doanh nghiệp, cơ sở, hộ dân tại địa phương đầu tư trồng và chế biến các sản phẩm chất lượng từ sâm Nam núi Dành, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và du khách. Ngoài ra, một số sản vật mang đặc trưng của vùng đất này như nem nướng, tương và hành tía cũng được sản xuất, tiêu thụ rộng rãi.
Vườn đồi hoa thơm, trái ngọt
Không chỉ những điểm du lịch tâm linh với kiến thúc nghệ thuật độc đáo, nét văn hóa truyền thống đặc trưng thu hút du khách mà nhiều điểm du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn tỉnh cũng đang được ưa thích. Tiêu biểu như điểm du lịch sinh thái cộng đồng Vạn Hoa Hồ Va tại xã Đông Phú (Lục Nam). Đi vào hoạt động từ đầu năm 2024, nơi đây có tổng diện tích khoảng 400 ha gồm khu thung lũng và lòng hồ được bao bọc bởi núi đồi trùng điệp.
Đến nay, chủ đầu tư cơ bản xây dựng xong giai đoạn 1 với khoảng 30 ha gồm các hạng mục: Khu nông trại trồng trọt, chăn nuôi, khu bờ hồ, nhà hàng, quán cafe, nhà cộng đồng, đường nội bộ, bãi đỗ xe, bể bơi… Năm 2024, điểm du lịch đón hơn 100 nghìn lượt khách tham quan, trải nghiệm. Du khách được hòa mình với thiên nhiên, đắm chìm trong những sắc hoa muôn màu, chụp ảnh bên vườn hồng thơm ngát, tham gia nhiều hoạt động thú vị như trượt thảm cầu vồng, đạp vịt, chèo thuyền, lướt ca nô tham quan mặt hồ. Không gian nơi đây không chỉ phù hợp với các gia đình, nhóm bạn đến vui chơi, nghỉ ngơi, thư giãn mà còn phục vụ các đoàn khách hàng trăm người tổ chức sự kiện, hoạt động tập thể.
Hơn một năm qua, những thảm cỏ xanh, con đường rợp bóng mát bên hồ, những khu đồi đầy trái ngọt của điểm du lịch sinh thái Bầu Tiên ở thôn Đồng Dao, xã Quý Sơn (thị xã Chũ) trở thành điểm đến của đông đảo du khách. Vào cuối tuần hoặc dịp lễ Tết, mỗi ngày có hàng nghìn người đến đây tham quan, trải nghiệm. Ngoài hai khu nhà cộng đồng có sức chứa khoảng 500 người, tại đây còn có gần 20 khu lều bên hồ, nhà sàn bên sườn núi có thể đáp ứng nơi nghỉ của hàng trăm du khách.
Ông Hoàng Văn Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch Đồng Dao - đơn vị đầu tư, khai thác điểm du lịch cho biết: Cùng với đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng chất lượng dịch vụ, Hợp tác xã tăng cường quảng bá trên mạng xã hội để du khách khắp nơi biết đến. Tổ chức các chương trình du lịch mùa vải chín, mùa cam bưởi có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng thu hút sự quan tâm theo dõi của nhiều người. Tới đây, đơn vị tiếp tục đưa thêm những sản phẩm du lịch mới như mô hình trải nghiệm làm mỳ, giao lưu hát dân ca dân tộc thiểu số vừa tạo nét riêng vừa góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương.
Vi Lệ Thanh
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nhung-diem-hen-cua-du-khach-muon-phuong-postid410361.bbg