Đại tạng kinh Tây Tạng

Tên chính thức bằng Hán văn của bộ này là 中华大藏经: 藏文对勘本, tạm dịch là Đại tạng kinh chữ Tây Tạng của Trung Hoa - bản đối khám. Để tiện cho độc giả, người viết xin tạm sử dụng từ ngữ: Đại tạng kinh Tây Tạng của Trung Hoa.

Giá trị của Đại tạng kinh Tây Tạng

Đại tạng kinh Tây Tạng là pháp bảo, sở cứ không thể thiếu đối với giới nghiên cứu Phật học, chư vị thiện tri thức và hành giả Phật giáo. Đây là một trong ba bộ Đại tạng kinh trọng yếu và đầy đủ nhất của Phật giáo cho đến thời điểm hiện tại, có thể sánh với Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh (Hán văn) và Tam tạng Thánh điển Pāli, kết tinh trí tuệ siêu việt của truyền thống Phật giáo Tây Tạng.

Chia sẻ với báo Giác Ngộ, Thượng tọa Thích Giác Dũng, Phó Viện trưởng, Trưởng khoa Luật học Phật giáo thuộc Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, trụ trì tu viện Vĩnh Nghiêm (Q.12) cho biết, để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và học tập cho Tăng sinh đang theo học khoa Luật học Phật giáo, tu viện đã luôn mong muốn thỉnh được bộ Đại tạng kinh Tây Tạng. Đủ nhân duyên, tháng 12-2024, Đại tạng kinh Tây Tạng của Trung Hoa đã về tàng tại thư viện của tu viện.

 Đại tạng kinh Tây Tạng của Trung Hoa đã về tàng tại thư viện của tu viện Vĩnh Nghiêm (Q.12, TP.HCM)

Đại tạng kinh Tây Tạng của Trung Hoa đã về tàng tại thư viện của tu viện Vĩnh Nghiêm (Q.12, TP.HCM)

Như chúng ta biết, việc kết tập kinh điển Phật giáo, ở Ấn Độ và Trung Quốc đều gọi chung là “Tam tạng”, chữ Phạn là Tripitạka, bao gồm ba phần: Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Tuy nhiên, kinh điển do chư vị Tổ sư Tây Tạng phiên dịch đã không áp dụng cách phân loại trên mà có cách phân loại riêng của mình: Không chia thành ba tạng mà chia thành hai tạng: བཀའ་འགྱུར (bka’ ‘gyur) tức là tạng Phật thuyết và བསྟན་འགྱུར (bstan ‘gyur) tức là tạng Luận sớ. Trong đó བཀའ (bka’) nghĩa là giáo sắc (教敕), བསྟན (bstan) nghĩa là Luận thuật (论述), འགྱུར (‘gyur) nghĩa là dịch bổn (译本).

Tạng བཀའ་འགྱུར (bka’ ‘gyur): là tổng tập toàn bộ giáo pháp do Đức Phật giảng dạy, bao gồm Luật tạng, Kinh tạng và Mật tạng.

Tạng བསྟན་འགྱུར (bstan ‘gyur): là tổng tập các thích luận, chú sớ do đệ tử của Đức Phật và các bậc Thánh tăng từ nhiều thế hệ biên soạn dựa trên tạng Kinh, tạng Luật do Đức Phật thuyết.

Chúng ta thường gọi là Đại tạng kinh Tây Tạng nhưng thực chất là tổng tập của hai tạng lớn བཀའ་འགྱུར (bka’ ‘gyur) và བསྟན་འགྱུར (bstan ‘gyur) mà thành.

Với Đại tạng kinh Tây Tạng, các học giả trên thế giới đều chung đánh giá, rằng: Dịch văn chính xác và rõ ràng; bảo tồn được nhiều kinh điển, nhất là kinh điển Mật giáo hậu kỳ mà Đại tạng kinh Hán văn không có; và có đầy đủ điển tịch trình bày ngũ minh rất chi tiết.

Ngày 26-9-1986, Chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt cho Trung tâm Nghiên cứu Tây Tạng học đối khám và xuất bản bộ Đại tạng kinh Tây Tạng của Trung Hoa. Trải qua gần hai thập kỷ thu thập, đối chiếu, hiệu đính và chỉnh lý rất công phu, cộng với sự tận tâm phụng sự của hơn hai trăm chuyên gia, học giả đầu ngành về Tây Tạng học, năm 2008, bộ Đại tạng kinh Tây Tạng của Trung Hoa được xuất bản.

Các bản được dùng để đối khám

Lịch sử phiên dịch kinh điển ở Tây Tạng có lẽ bắt đầu từ thời Quốc vương སྲོང་བཙན་སྒམ་པོ (Srong Btsan Sgam Po) (?-650). Quốc vương đã phái ཐུ་མི (Thu Mi) đến Ấn Độ học chữ Phạn. Sau khi trở về Tây Tạng, Thu Mi đã phát triển và hình thành chữ Tây Tạng dựa trên cơ sở của chữ Phạn. Kể từ đó, khu vực Tây Tạng bắt đầu phiên dịch kinh điển. Cứ như vậy, xuyên suốt chiều dài lịch sử cho đến ngày nay, Đại tạng kinh Tây Tạng cũng phát triển qua nhiều giai đoạn. Do đó, có rất nhiều phiên bản viết tay và bản khắc gỗ khác nhau được lưu truyền qua các thời kỳ. Quá trình thu thập và chỉnh lý công phu các phiên bản nhằm chọn lọc, tổng hợp những điểm tinh túy đúc kết thành một bản đầy đủ. Kết quả là một bộ Đại tạng kinh Tây Tạng mang giá trị vượt thời gian, thể hiện lòng tận tâm, nỗ lực không ngừng trong việc duy trì và phát huy di sản giáo pháp cao quý của Phật giáo.

Ấn bản Đại tạng kinh Tây Tạng

Ấn bản Đại tạng kinh Tây Tạng

Tạng བཀའ་འགྱུར (bka’ ‘gyur) chọn bản Đức Cách (德格版) làm bản đáy, được các nhà nghiên cứu, học giả đánh giá cao. Các bản đối chiếu bao gồm: bản Vĩnh Lạc (永乐版), bản Nạp Đường (纳塘版), bản Trác Ni (卓尼版), bản Lý Đường (理塘版), bản Bắc Kinh (北京版), bản Lạp Tát (拉萨版), và bản Khố Luân (库伦版).

Tạng བསྟན་འགྱུར (bstan ‘gyur) cũng chọn bản Đức Cách (德格版) làm bản đáy. Các bản đối chiếu: bản Trác Ni (卓尼版), bản Nạp Đường (纳塘版), bản Bắc Kinh (北京版).

Trải qua gần hai thập kỷ, cuối cùng Nhà xuất bản Trung Quốc Tạng học đã phát hành bộ Đại tạng kinh Tây Tạng của Trung Hoa, bao gồm hai tạng: བཀའ་འགྱུར (bka’ ‘gyur) và བསྟན་འགྱུར (bstan ‘gyur). Trong đó, tạng བཀའ་འགྱུར (bka’ ‘gyur) “甘珠尔”có 108 quyển, tạng བསྟན་འགྱུར (bstan ‘gyur) “丹珠尔”có 124 quyển.

Việc đối chiếu trong Đại tạng kinh Tây Tạng được thực hiện một cách cẩn thận, từng câu từng chữ, với sự tham gia của các chuyên gia, học giả đầu ngành về Tây Tạng học.

Mọi người có nhu cầu mục sở thị hoặc nghiên cứu Đại tạng kinh Tây Tạng có thể liên lạc với văn phòng tu viện Vĩnh Nghiêm để có những trải nghiệm thực tế văn bản

Mọi người có nhu cầu mục sở thị hoặc nghiên cứu Đại tạng kinh Tây Tạng có thể liên lạc với văn phòng tu viện Vĩnh Nghiêm để có những trải nghiệm thực tế văn bản

Song song đó, đối với các vấn đề như sự không nhất quán ở một số chương, thiếu sót văn bản, hoặc thứ tự bị đảo lộn, bản đối khám tuân thủ nghiêm ngặt phương pháp chỉnh lý văn bản cổ. Trên cơ sở không ảnh hưởng đến phong cách gốc của phiên bản đáy, các nội dung được giải thích, bổ sung văn bản bị thiếu, kèm theo bản phụ lục để trình bày rõ ràng, đảm bảo mạch lạc và dễ dàng tra cứu.

Bộ Đại tạng kinh Tây Tạng của Trung Hoa không chỉ bảo tồn tri thức Phật giáo mà còn mở ra cánh cửa để các nhà nghiên cứu và học giả tiếp cận những giá trị tâm linh và trí tuệ sâu sắc.

Với nội dung phong phú và sự hoàn thiện vượt bậc, bộ Đại tạng kinh Tây Tạng của Trung Hoa trở thành tài liệu tham khảo không thể thiếu cho các nhà nghiên cứu Phật học, góp phần lan tỏa trí tuệ Phật giáo đến khắp mọi nơi.

***

Hiện nay, bộ Đại tạng kinh Tây Tạng của Trung Hoa đang được lưu giữ và bảo quản tại Thư viện tu viện Vĩnh Nghiêm, Khoa Luật học Phật giáo thuộc Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, mọi người có nhu cầu mục sở thị hoặc nghiên cứu có thể liên lạc với văn phòng tu viện để có những trải nghiệm thực tế văn bản.

Đồng Tâm/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/dai-tang-kinh-tay-tang-post74284.html