Những điểm mới đáng chú ý trong Luật Giáo dục sửa đổi
Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi có nhiều thay đổi trong hệ thống văn bằng như đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp THCS, giao Hiệu trưởng THPT cấp bằng tốt nghiệp, phù hợp với tình hình hiện nay.
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Một trong những thay đổi lớn của dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi là hình thức xác nhận tốt nghiệp THCS.

Học sinh Trường THCS Trần Quốc Toản 1, TP Thủ Đức trong 1 giờ học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Phù hợp với mô hình chính quyền 2 cấp
Theo đó, học sinh học hết chương trình THCS, đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì được hiệu trưởng nhà trường xác nhận học bạ hoàn thành chương trình, thay vì Trưởng phòng Giáo dục của quận, huyện cấp bằng như hiện nay.
Theo Bộ GD&ĐT, nội dung sửa đổi trên phù hợp với thực tiễn, thực hiện triệt để việc phân cấp, phân quyền, tuân thủ nguyên tắc “nơi nào đào tạo, nơi đó cấp bằng” phù hợp với thông lệ quốc tế; đảm bảo phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và mục tiêu phổ cập giáo dục.
Mặt khác, điều này cũng phù hợp với xu thế quốc tế. Hiện, nhiều quốc gia phát triển (Mỹ, Canada, Anh, Úc, Phần Lan) không cấp bằng tốt nghiệp THCS mà sử dụng xác nhận của hiệu trưởng về kết quả học tập ở lớp dưới để xét học ở bậc học cao hơn hoặc phân luồng. Việc xác nhận hoàn thành chương trình THCS không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của người học.
Về vấn đề này, chị Thanh Huyền, phụ huynh tại TP Thủ Đức hoàn toàn đồng tình.
“Năm ngoái, con tôi tốt nghiệp THCS, gần năm sau mới được cấp bằng và cũng không để làm gì. Hiện nay, vấn đề quan tâm hàng đầu của nhiều gia đình có con học bậc THCS là con có đậu được vào lớp 10 công lập hay không?. Do đó việc bỏ bằng là cần thiết, chỉ cần hiệu trưởng xác nhận đủ điều kiện tốt nghiệp là xong”.
Ông Dương Hữu Đức, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (quận Gò Vấp) ủng hộ việc bỏ bằng tốt nghiệp THCS. Bởi tấm bằng tốt nghiệp THCS hiện chỉ mang tính hình thức.
“Nếu có một kỳ thi riêng như tốt nghiệp THPT thì nên cấp bằng, còn hiện nay việc cấp bằng tốt nghiệp THCS chủ yếu dựa trên kết quả thi học kỳ 2 nên cũng không cần thiết.
Hơn nữa, nếu học sinh chỉ học hết lớp 9 thì tấm bằng tốt nghiệp cũng không có tác dụng trong việc giúp các em xin được công việc phù hợp. Việc này phần nào giúp tránh lãng phí, giảm tải giấy tờ” – vị này nói.
Tương tự, ông Phạm Ngọc Lưu, Hiệu trưởng Trường THCS Trường Thạnh (TP Thủ Đức) đánh giá sự thay đổi này hợp lý. Bởi hiện nay, chúng ta đang tiến tới phổ cập bậc THCS thì việc bỏ bằng tốt nghiệp THCS là điều nên làm. Đây là hướng mở mang tính tích cực.
Hơn nữa, hiện nay ngành giáo dục đã triển khai học bạ điện tử. Kết quả học tập của các em được lưu lại trên hệ thống. Điều này sẽ thuận lợi cho việc hiệu trưởng xác nhận hoàn thành chương trình qua học bạ theo dự thảo.
Mặt khác, để chuẩn bị cho dự thảo này, trước đó, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Thông tư 31/2023, từ năm học 2024-2025, bằng tốt nghiệp THCS không còn ghi xếp loại giỏi, khá, trung bình.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Hồ Thị Bi (huyện Hóc Môn) trong 1 giờ học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Tăng trách nhiệm cho hiệu trưởng
Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi cũng đề cập đến việc chuyển thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp THPT từ Giám đốc Sở GD&ĐT cho Hiệu trưởng nhà trường. Theo Ban soạn thảo, điều này nhằm thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền.
Bà Trần Thị Thơm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh) đánh giá sự thay đổi này hợp lý.
Mô hình này giống như hoạt động của các trường đại học hiện nay. Các trường đào tạo sinh viên và hiệu trưởng nhà trường là người cấp bằng tốt nghiệp. Tương tự đối với bậc phổ thông cũng nên như vậy, đương nhiên cũng phải có những yêu cầu để ràng buộc về trách nhiệm.
"Khi hiệu trưởng cấp bằng tốt nghiệp thì trách nhiệm sẽ cao hơn. Tuy nhiên, đây là điều hết sức bình thường. Bởi là người đứng đầu thì phải chịu trách nhiệm về vấn đề trên" - bà Thơm nói.
Ông Lương Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) cho rằng trước khi ban hành dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, Bộ GD&ĐT đã có những tính toán. Bởi vì, hiện nay, sau kỳ thi tốt nghiệp, Hiệu trưởng trường THPT cũng ký để cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời để các em có thể sử dụng trong việc xét tuyển đại học.
“Mặt khác, sau khi sáp nhập các tỉnh, thành, công việc của Sở GD&ĐT nhiều hơn. Do đó, việc giao thẩm quyền cấp bằng cho các trường cũng mang tính phân quyền, tăng tính tự chủ" – ông Minh nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-diem-moi-dang-chu-y-trong-luat-giao-duc-sua-doi-post849509.html