Những điểm mới trong chính sách trợ giúp pháp lý
Từ ngày 1/7/2025, nhiều quy định mới về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp, trong đó có lĩnh vực trợ giúp pháp lý (TGPL) đã có hiệu lực thi hành. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về một số quy định mới trong lĩnh vực TGPL, phóng viên (P.V) Báo và phát thanh, truyền hình Quảng Trị đã có buổi trao đổi với ông Phan Trọng Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước số 1 tỉnh Quảng Trị. Sau đây là nội dung:

Công tác truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý được phối hợp thực hiện ở địa phương.-Ảnh: T.L
●P.V: Thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực tư pháp, xin ông cho biết đã có những văn bản mới nào trong lĩnh vực TGPL?
- Ông Phan Trọng Hùng: Để triển khai hiệu quả chủ trương phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền, thời gian qua, Chính phủ và Bộ Tư pháp đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa chủ trương này trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp. Theo đó, ngày 11/6/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 121/2025/NĐ-CP về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Tiếp theo đó, ngày 16/6/2025, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 09/2025/TT-BTP hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng HĐND và UBND thuộc UBND xã, phường, đặc khu trong lĩnh vực tư pháp. Các văn bản này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
● P.V: Vậy ông cho biết các quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp trong lĩnh vực TGPL?
- Ông Phan Trọng Hùng: Trong lĩnh vực TGPL, Sở Tư pháp thực hiện nhiệm vụ giúp UBND cấp tỉnh chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra về tổ chức và hoạt động TGPL theo quy định pháp luật.
Cụ thể: Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập, giải thể, sáp nhập chi nhánh của trung tâm TGPL nhà nước, bổ nhiệm, cấp và cấp lại thẻ trợ giúp viên pháp lý theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành, miễn nhiệm và thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý; cấp, cấp lại thẻ cộng tác viên TGPL theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành, thu hồi thẻ cộng tác viên TGPL; cấp, thay đổi nội dung, cấp lại và thu hồi giấy đăng ký tham gia TGPL của tổ chức đăng ký tham gia TGPL theo quy định pháp luật; công bố, cập nhật danh sách các tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL tại địa phương, đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và gửi Bộ Tư pháp để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp; quản lý, bảo mật dữ liệu trên hệ thống quản lý tổ chức và hoạt động TGPL trong phạm vi thẩm quyền; lựa chọn, ký kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng thực hiện TGPL với các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật; kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng thực hiện TGPL; thanh toán thù lao và chi phí thực hiện TGPL cho tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL; giúp UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL theo quy định pháp luật.

Người dân ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được truyền thông về trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật.-Ảnh: T.L
● P.V: Việc phân quyền, phân cấp TGPL được thực hiện như thế nào thưa ông?
- Ông Phan Trọng Hùng: Từ ngày 1/7/2025, các hoạt động sau đây sẽ không thực hiện ở Trung ương mà giao cho địa phương thực hiện:
Thứ nhất, về tổ chức thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL: Nghị định số 121/2025/NĐ-CP, ngày 11/6/2025 phân cấp cho UBND cấp tỉnh tổ chức việc thực hiện thẩm định, đánh giá chất lượng vụ việc TGPL. Sở Tư pháp giúp UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc này theo quy định tại Điều 6 của Thông tư 09/2025/TT-BTP, ngày 16/6/2025.
Thứ hai, về xác nhận vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công: Chuyển thẩm quyền xác nhận vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công từ Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và TGPL cho Sở Tư pháp thực hiện theo quy định của Thông tư số 11/2025/TT-BTP, ngày 24/6/2025 của Bộ Tư pháp. Như vậy, kể từ ngày 1/7/2025, Cục PBGDPL và TGPL không thực hiện xác nhận vụ việc TGPL tham gia tố tụng thành công của các trợ giúp viên pháp lý nhà nước, việc này sẽ do Sở Tư pháp thực hiện.
Thứ ba, về cấp phôi thẻ trợ giúp viên pháp lý và phôi thẻ cộng tác viên TGPL: Chuyển thẩm quyền này cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Sở Tư pháp giúp Chủ tịch UBND thực hiện. Như vậy, kể từ ngày 1/7/2025, Cục PBGDPL và TGPL không thực hiện cấp phôi thẻ trợ giúp viên pháp lý và phôi thẻ cộng tác viên TGPL. Các địa phương chủ động in ấn theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành tại Thông tư số 08/2017/TT-BTP (Mẫu TP-TGPL-08 và Mẫu TP-TGPL-09).
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng HĐND và UBND thuộc UBND cấp xã: Trong lĩnh vực TGPL, Văn phòng HĐND và UBND thuộc UBND cấp xã có các nhiệm vụ, quyền hạn sau: Giúp UBND cấp xã chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra về công tác TGPL tại địa phương theo quy định pháp luật; giúp UBND cấp xã thực hiện việc giải thích quyền được TGPL cho người thuộc diện được TGPL và giới thiệu đến Trung tâm TGPL nhà nước, chi nhánh của Trung tâm TGPL nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công dân.
● P.V: Để bảo đảm công tác TGPL được thông suốt, không bị gián đoạn khi sáp nhập, xin ông cho biết đơn vị đã có những giải pháp gì về tổ chức TGPL của nhà nước?
- Ông Phan Trọng Hùng: Sáp nhập tỉnh, địa bàn tỉnh mới có quy mô rộng lớn hơn rất nhiều, cả về diện tích tự nhiên, dân số và sự đa dạng về điều kiện địa lý, giao thông đi lại... Trong khi đó, TGPL cung cấp dịch vụ công thiết yếu của nhà nước, mang tính đặc thù nghề nghiệp cao, đòi hỏi phải gần dân, nhất là các nhóm yếu thế, cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời, TGPL phải phối hợp kịp thời với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Vì vậy, để giúp cho công tác TGPL triển khai một cách thông suốt, không bị gián đoạn, đơn vị đã tăng cường tính chủ động và phối hợp với các địa phương thực hiện công tác TGPL; đổi mới cách giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực TGPL, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các tổ chức trong việc tiếp cận TGPL trên môi trường điện tử, không bị giới hạn bởi địa giới hành chính; tiếp tục hỗ trợ sát sao các địa phương trong suốt quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ này khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giai đoạn hiện nay.
● P.V: Xin cảm ơn ông!