Những điểm nhấn của du lịch Nam Bộ trong những tháng cuối năm

Du lịch Nam Bộ đổi mới nhiều dịch vụ, sản phẩm du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng gắn tài nguyên du lịch biển đảo, đồng thời có các chương trình kích cầu, thu hút du khách những tháng cuối năm.

Khu du lịch bãi trước nhìn từ núi Tao Phùng, phường 2, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Khu du lịch bãi trước nhìn từ núi Tao Phùng, phường 2, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trên đà thuận lợi phát triển, những tháng cuối năm 2024, các địa phương trọng điểm du lịch ở Nam Bộ nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm, tổ chức nhiều sự kiện, tạo điểm nhấn, thu hút du khách.

Nhiều điểm nhấn “hút” khách

Là địa phương có vị trí “cửa ngõ” hướng ra Biển Đông của vùng Đông Nam Bộ, Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục đổi mới nhiều dịch vụ, sản phẩm du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng gắn tài nguyên du lịch biển đảo, đồng thời có các chương trình kích cầu, thu hút du khách những tháng cuối năm.

Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Trịnh Hàng, ngành du lịch tỉnh vừa công bố thông tin trên 230 điểm đến du lịch nổi bật, hơn 50 tour, tuyến tại tỉnh cùng các chương trình kích cầu, giảm giá dịch vụ lưu trú, ẩm thực, lữ hành của nhiều doanh nghiệp.

 Tượng Chúa Kitô Vua (hay còn gọi là tượng Chúa dang tay), được xây dựng trên đỉnh núi nhỏ (thuộc núi Tao Phùng), phường 2, thành phố Vũng Tàu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tượng Chúa Kitô Vua (hay còn gọi là tượng Chúa dang tay), được xây dựng trên đỉnh núi nhỏ (thuộc núi Tao Phùng), phường 2, thành phố Vũng Tàu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu tăng cường quảng bá, đưa ra nhiều gợi ý mới, các tour, tuyến liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu nhằm tối ưu hóa tiềm năng du lịch của hai điểm đến, tạo thêm trải nghiệm cho du khách.

Trong số đó, có các tour như Thành phố Hồ Chí Minh-Vũng Tàu gói gọn trong ngày dành cho du khách lựa chọn chuyến đi ngắn.

Tour trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh-huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh)-trung tâm thành phố Vũng Tàu-đảo Long Sơn-Hồ Mây.

Tour trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh-trải nghiệm phà vượt biển Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) tới Vũng Tàu, đảo Long Sơn hoặc từ Thành phố Hồ Chí Minh tới điểm tắm suối khoáng nóng Bình Châu, trải nghiệm môn thể thao golf tại khu vực nghỉ dưỡng nổi tiếng Hồ Tràm...

Một sự kiện văn hóa, lễ hội hứa hẹn thu hút sự quan tâm của nhiều du khách là lễ hội truyền thống Giỗ bà Phi Yến diễn ra từ ngày 16-18/11, tại huyện Côn Đảo. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được tổ chức trang trọng, góp phần phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, đồng thời đa dạng sản phẩm du lịch, thu hút du khách.

Ủy ban Nhân dân huyện Côn Đảo thông tin trong khuôn khổ lễ hội này có nhiều hoạt động nổi bật, đậm bản sắc văn hóa, tâm linh của cư dân vùng biển đảo như lễ mộc dục (lễ tắm bà), rước linh vị hoàng tử Hội An, chương trình nghệ thuật Côn Đảo vọng mãi lời ru, lễ thả hoa đăng, giao lưu đờn ca tài tử, các gian hàng giới thiệu đặc sản, quà lưu niệm Côn Đảo...

Cùng ở Đông Nam Bộ, Đồng Nai tổ chức Tuần lễ Văn hóa-Du lịch-Ẩm thực từ ngày 28/11 đến ngày 1/12, tại thành phố Biên Hòa.

Với chủ đề “Du lịch Đồng Nai - Cất cánh cùng hàng không,” sự kiện giới thiệu nhiều điểm đến quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương liền kề Thành phố Hồ Chí Minh, có thế mạnh giao thông kết nối, góp phần thực hiện mục tiêu đề ra là đón khoảng 3,4 triệu lượt khách, tăng trên 23% so với năm 2023.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai Lê Thị Ngọc Loan cho biết tỉnh tăng cường quảng bá, khảo sát nhiều điểm đến, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các gói kích cầu ưu đãi, cam kết chất lượng và giá trị sản phẩm; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thị trường, xúc tiến bán sản phẩm du lịch.

Ngay trong tháng 10 vừa qua, Đồng Nai tổ chức xúc tiến du lịch tại tỉnh duyên hải miền Trung Bình Thuận, giới thiệu đến du khách trên 20 điểm du lịch nổi bật ở Đồng Nai như Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai với nhiều sản phẩm trải nghiệm du lịch rừng, dã ngoại gắn bảo vệ môi trường, các điểm đến di tích lịch sử, văn hóa, điểm du lịch làng nghề, ẩm thực...

Đậm bản sắc văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long

Địa phương ngay tại cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long là Long An đang tích cực đổi mới sản phẩm, giới thiệu đến du khách nhiều điểm đến tham quan, trải nghiệm hấp dẫn trong những tháng cuối năm tại các điểm đến: Khu du lịch Cánh đồng bất tận, khu du lịch sinh thái Chavi Garden, Vàm Cỏ Farmstay, khu du lịch làng nổi Tân Lập với nhiều trải nghiệm thú vị như, đi xuồng ba lá, tắm khoáng, tắm lá thuốc, thưởng thức ẩm thực miệt vườn, mua sắm đặc sản...

Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An cho biết từ ngày 28/11 đến ngày 4/12, Tuần Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024 chủ đề "Long An- Khát vọng sông Vàm" là điểm nhấn thu hút du khách và nhà đầu tư tìm hiểu, khám phá trải giá trị văn hóa, điểm du lịch, hàng hóa nông sản nổi bật của vùng đất này.

Ở phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Long được mệnh danh là “vùng đất sử-tình người” tập trung giới thiệu tới du khách 4 sản phẩm du lịch chủ đạo gắn với thế mạnh địa phương là du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa, lịch sử và du lịch ẩm thực trong đó có nhiều homestay đã đoạt giải thưởng du lịch ASEAN, điểm tham quan làng nghề...

 Làng nghề sản xuất gạch, gốm bên dòng kênh Thầy Cai (huyện Mang Thít) đang dần trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)

Làng nghề sản xuất gạch, gốm bên dòng kênh Thầy Cai (huyện Mang Thít) đang dần trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)

Bên cạnh đó, sự kiện Festival Gạch, gốm đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần thứ nhất năm 2024, quy mô cấp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mở rộng dự kiến diễn ra từ ngày 10-16/11 sẽ có nhiều hoạt động quảng bá nét văn hóa của đất và người nơi đây.

Du khách có cơ hội khám phá nghề sản xuất gạch, gốm đỏ độc đáo hay nghề làm tàu hũ ky (di sản văn hóa phi vật thể quốc gia) và chứng kiến xác lập kỷ lục Việt Nam với trên 100 món ăn được chế biến từ tàu hũ ky và dùng kèm tàu hũ ky.

Cùng thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Sóc Trăng có trên 30% số dân là người Khmer.

Quảng bá, lan tỏa nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer cùng cộng đồng các dân tộc đang sinh sống ở Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối hoạt động du lịch, thương mại, xúc tiến đầu tư, từ ngày 9-15/11, tại Sóc Trăng có Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng Trần Minh Lý cho biết với chủ đề “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, hội nhập và phát triển,” sự kiện là dịp tôn vinh, tái hiện nhiều nét đẹp văn hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của đồng bào, lồng ghép với hoạt động kích cầu, quảng bá du lịch của tỉnh.

 Các vận động viên tập luyện tích cực, chuẩn bị Giải đua ghe Ngo tại Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Các vận động viên tập luyện tích cực, chuẩn bị Giải đua ghe Ngo tại Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Những hoạt động đậm bản sắc văn hóa như, đua ghe Ngo, lễ cúng trăng, thi thả đèn trời, trình diễn ghe Cà Hâu, trình diễn trang phục dân tộc, trình diễn nghề làm cốm dẹp, giới thiệu sản phẩm OCOP Sóc Trăng và các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, xác lập kỷ lục trình diễn Nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam với sự tham gia của 20 dàn Ngũ âm, 200 nghệ nhân, nhạc công hứa hẹn mang lại nhiều cảm xúc, ấn tượng cho người dân và du khách.

Tăng cường quảng bá, phát triển du lịch những tháng cuối năm cũng như Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2025, Sóc Trăng tiếp tục vận hành hiệu quả hệ thống du lịch thông minh, cập nhật danh sách điểm du lịch, doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ ẩm thực, lưu trú. Đồng thời tăng cường số hóa, giới thiệu thông tin liên quan các điểm du lịch nổi bật, tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan, trải nghiệm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nhung-diem-nhan-cua-du-lich-nam-bo-trong-nhung-thang-cuoi-nam-post988757.vnp