Những điểm nhấn của Nghị quyết giúp TPHCM chủ động, giải quyết các vấn đề nhanh gọn, hiệu quả
Lý giải vì sao dự thảo nhận được nhiều ý kiến tán thành, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho hay, 'vì hệ thống cơ chế, chính sách này giúp cho TP tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, từ đây phát huy được tiềm năng, thế mạnh của TP, giúp TP phát triển đúng với vị trí, vai trò của mình, đóng góp vào sự phát triển chung của vùng và cả nước'.
Thảo luận tại tổ vào chiều 30/5 về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ về quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết.
“TP và các bộ ngành chuẩn bị cả năm trời mới có được dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội” - ông Mãi nói.
Lý giải vì sao dự thảo nhận được nhiều ý kiến tán thành, ông Phan Văn Mãi cho hay, “vì hệ thống cơ chế, chính sách này giúp cho TP tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, từ đây phát huy được tiềm năng, thế mạnh của TP, giúp TP phát triển đúng với vị trí, vai trò của mình, đóng góp vào sự phát triển chung của vùng và cả nước”.
Đặt TP như một đầu mối, đầu tàu trong hội nhập và cạnh tranh quốc tế, ông Mãi nhận định, đây là việc chung, việc của quốc gia chứ không phải của riêng TP. Theo ông, nếu thực hiện thành công các nhóm cơ chế, chính sách sẽ đem lại kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình xây dựng pháp luật, thực hiện pháp luật.
“Luật PPP có rồi, nhưng thực hiện cơ chế, chính sách ở Nghị quyết này chắc chắn sẽ làm sáng rõ hơn, giúp luật PPP thực hiện trên địa bàn TPHCM hiệu quả hơn” – ông Mãi nêu ví dụ.
Một số luật sửa đổi dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp 6 của Quốc hội vào cuối năm nay sẽ có hiệu lực giữa năm 2024 nhưng theo Chủ tịch UBND TPHCM, các bộ cũng đồng ý để TP thí điểm trước để ít nhất có một năm thực tiễn, để khi luật thông qua, việc tổ chức thực hiện sẽ cho những kinh nghiệm.
Đề cập đến các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch UBND TPHCM thông tin, các cơ chế chính sách tập trung vào việc khơi thông các nguồn lực xã hội. “Nếu làm tốt, tôi tin rằng TPHCM trong 5 năm tới sẽ huy động được hàng trăm ngàn tỉ đồng cho đầu tư phát triển” – ông Mãi tin tưởng.
Vẫn trong dự thảo được trình, ông Mãi chia sẻ, cơ chế chính sách về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là tiềm lực rất to lớn. “Chúng ta có thể chưa đo đếm được kết quả đó đâu, nếu làm tốt, đây sẽ trở thành động lực mới của TP và đất nước…” – ông Mãi nói.
Việc phân cấp, phân quyền, tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động về nhân sự cho TPHCM và TP.Thủ Đức cũng là những điểm nhấn của dự thảo Nghị quyết, giúp TP chủ động hơn, giải quyết các vấn đề nhanh gọn, hiệu quả hơn.
Vấn đề là, theo lãnh đạo chính quyền TPHCM, phải tổ chức thực hiện làm sao cho sớm, chủ động và đạt được kết quả nhiều nhất.
“Nghị quyết 54 đạt được những kết quả nhất định nhưng chưa đạt được như mong muốn của chúng ta. Nghị quyết 54 là khởi đầu từ cái mới, còn bây giờ chúng ta làm Nghị quyết này đã có kinh nghiệm của Nghị quyết 54” – ông Mãi nhìn nhận.
Rút kinh nghiệm từ triển khai Nghị quyết 54, Chủ tịch UBND TP cho hay, TP đã chủ động tham mưu xây dựng Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện và phối hợp với các bộ ngành xây dựng thông tư, hướng dẫn để triển khai.
“Ngay từ bây giờ, chúng tôi đang phối hợp với Bộ KH&ĐT, các bộ ngành để tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định này…” – ông Mãi nhấn mạnh.
Lãnh đạo UBND TPHCM cũng cho biết, ngày 19/5 vừa qua ông đã ký kế hoạch phân công chuẩn bị triển khai Nghị quyết này. Theo ông, có 11 việc phải hoàn thành trong quý 2 để trình HĐND TP; trong đó có 3 việc về mặt chuẩn bị (chuẩn bị Nghị định của Chính phủ, Chỉ thị của Thành ủy, Kế hoạch toàn diện của UBND TP).
“3 việc này có khi không cần chờ đến tháng 7 mà cuối tháng 6 Thành ủy sẽ tổ chức hội nghị triển khai” – ông Mãi nói thêm.
8 việc khác, được Chủ tịch UBND TP nêu, là cụ thể hóa các cơ chế, chính sách (nâng trần trung hạn; bố trí vốn cho chương trình giảm nghèo; chương trình kích cầu; chi thu nhập bình quân tăng thêm; quy định số lượng, tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ các cơ quan TP. Thủ Đức; thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất lúa dưới 500 ha; sử dụng ngân sách TP thực hiện nhiệm vụ đền bù giải phóng mặt bằng và trình hồ sơ thành lập Sở An toàn thực phẩm).
Có 37 công việc phải cụ thể hóa cho các nội dung chính sách còn lại sẽ trình trong tháng 9 hoặc 12.
“Thời gian qua, TP đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đối tác để nghiên cứu triển khai một số cơ chế, chính sách, trong đó Sở Nội vụ đang xây dựng đề án nâng cao chất lượng công vụ của TP. Chúng ta sẽ cụ thể hóa để thực hiện ngay từ năm đầu khi Nghị quyết được thông qua” – ông Phan Văn Mãi nêu rõ.
Liên quan đến tổ chức bộ máy, ông Mãi thông tin, UBND TP đã giao Sở Nội vụ xây dựng đề án nâng cao chất lượng nền công vụ với 6 nhóm nội dung: tuyển dụng, đào tạo, bố trí, chính sách thu nhập tăng thêm, chính sách nhà ở và chuyển đổi số.
Với việc triển khai thực hiện Kết luận 14, đến giờ này, UBND đã có kế hoạch, từng sở, ngành đã đăng ký những việc “dám nghĩ, dám làm”.
“Vừa rồi sơ loại có 30 đề án và đang tập trung triển khai. Có đề án liên quan đến thủ tục đất đai, nhà ở, thủ tục doanh nghiệp… có thể nói sẽ rất phát huy được tác dụng” – ông Mãi nói, đồng thời khẳng định, bên cạnh đề xuất nội dung cơ chế, chính sách thì cần củng cố đội ngũ tổ chức thực hiện.
“UBTVQH cũng nhắc TPHCM, HĐND TP không chỉ thông qua Nghị quyết về đề án, kế hoạch mà phải xây dựng một đội ngũ đủ sức thẩm định, thông qua, đủ sức giám sát; còn UBND TP phải tổ chức lực lượng để tổ chức thực hiện” – Chủ tịch UBND TP chia sẻ.
Liên quan đến việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, ông Phan Văn Mãi cho hay, TPHCM đã mời chuyên gia nước ngoài, cùng Đại học Fulright, các cơ quan trong nước xây dựng đề án xong, trình Thủ tướng.
“Thủ tướng phân công Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với TP hoàn thiện đề án này và sẽ trình Quốc hội có một nghị quyết riêng, vì đây là vấn đề rất lớn” – ông Mãi khẳng định và cho biết nếu kịp, sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6, cuối năm nay.
Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM gồm 12 Điều, trong đó 7 Điều (từ Điều 4 - Điều 10) quy định 44 cơ chế, chính sách khá toàn diện trên 7 lĩnh vực khác nhau, cụ thể là: (i) Quản lý đầu tư; (ii) Tài chính ngân sách; (iii) Quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; (iv) Thu hút nhà đầu tư chiến lược; (v) Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; (vi) Tổ chức bộ máy của TPHCM; (vii) Tổ chức bộ máy TP.Thủ Đức. Cụ thể được phân thành 4 nhóm:
Nhóm 1: Các CCCS đã được quy định tại Nghị quyết số 54 bao gồm các CCCS kế thừa toàn bộ và các CCCS sửa đổi, bổ sung như: HĐND TP quyết định dự toán ngân sách thành phố; quyết định phí, lệ phí mới; tăng mức dư nợ vay, …
Nhóm 2: Các CCCS có nội dung tương tự đã được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác như: HĐND TP quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; UBND TP thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị;…
Nhóm 3: Các CCCS có trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian sắp tới như: UBND TP được ban hành và áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất trong một số trường hợp; thành phố thực hiện thủ tục về giao đất, thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất hình thành sau khi thực hiện lấn biển, tạo quỹ đất mới, không gian phát triển mới cho thành phố.
Các CCCS này nhằm khắc phục các vướng mắc trong thực tế triển khai, bảo đảm việc định giá đất công khai, đẩy nhanh quá trình xác định, phê duyệt giá đất cụ thể; hạn chế khiếu nại liên quan đến đất đai. Khắc phục các vướng mắc trong thực tế triển khai, bảo đảm người thu hồi đất có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, tạo điều kiện triển khai công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư.
Việc thông qua các cơ chế chính sách mới này sẽ tạo cơ sở thực tế để đánh giá về hiệu quả chính sách mới trong khi các quy định pháp luật về đất đai, nhà ở,… vẫn đang tiếp tục được soạn thảo và trình thông qua áp dụng chung cho cả nước trong thời gian tới.
Nhóm 4: Các CCCS mới, chưa được quy định tại NQ 54/2017/QH14, chưa có trong Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác và chưa có trong các dự thảo Luật sửa đổi dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới nhưng rất cần thiết tạo điều kiện thành phố phát triển đột phá trong thời gian tới như: (i) mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); (ii) cơ chế đầu tư các dự án theo phương thức PPP trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa; BOT đối với các dự án đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu; thực hiện lại hình thức hợp đồng BT; (iii) cơ chế phát huy hiệu quả vai trò của Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố (HFIC); (iv) cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; (v) ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; (vi) phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; (vii) đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và tổ chức bộ máy TP.Thủ Đức.
Tăng trưởng trong quý II của TPHCM đạt 5,87%
Cũng tại phiên thảo luận, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng quý II của TPHCM đạt được 5,87% (quý I chỉ được 0,7%). Như vậy cộng cả 2 quý tăng trưởng của TPHCM đạt 3,55%. Trong quý II khu vực công nghiệp xây dựng tăng 4,77%, cộng 6 tháng của khu vực này là 0,8% (quý I âm). Riêng khu vực dịch vụ quý II tăng 7,16% và cộng 6 tháng là 4,96%. Đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân Thành phố, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, của các cơ quan Trung ương, các bộ ngành...