Những điểm sáng của dự án Luật KH-CN và đổi mới sáng tạo
Một số điểm nổi bật của dự án Luật KH-CN và đổi mới sáng tạo phải kể đến việc mở rộng nhân lực hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo, bổ sung chính sách khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu và phát triển để đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ…
Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt, hiện nay, KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang phát triển rất mạnh mẽ, có vai trò ngày càng quan trọng, được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng mới, đưa đất nước trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Việc xây dựng dự án Luật KH-CN, đổi mới sáng tạo cũng cần dựa trên quan điểm tinh gọn bộ máy để tập trung đầu tư nâng cao năng lực của các tổ chức KH-CN, tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập; thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; thu hút đầu tư ngoài ngân sách cho KH-CN và đổi mới sáng tạo.
Theo đó, dự án Luật KH-CN và đổi mới sáng tạo có một số điểm nổi bật như sau:
Đối với tổ chức KH-CN, có bổ sung quy định về làm rõ hệ thống tổ chức KH-CN; bỏ quy định đăng ký hoạt động KH-CN đối với tất cả các tổ chức, thay vào đó chỉ quy định về việc thành lập và đăng ký hoạt động đối với tổ chức nghiên cứu, phát triển.
Bổ sung nguyên tắc chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Đối với nhân lực KH-CN và đổi mới sáng tạo, sẽ mở rộng nhân lực hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo. Quy định các chính sách ưu đãi phù hợp với từng đối tượng nhân lực hoạt động KH-CN, đổi mới sáng tạo.
Bổ sung quy định cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong tổ chức KH-CN được thành lập, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức KH-CN mà mình là thành viên tạo ra.
Đối với quản lý chương trình, nhiệm vụ KH-CN, đơn giản hóa các bước phê duyệt nhiệm vụ KH-CN sử dụng ngân sách nhà nước, giảm thời gian phê duyệt nhiệm vụ theo hướng giảm tải thời gian xét duyệt, yêu cầu, hồ sơ.
Quy định rõ 2 nội dung chương trình KH-CN và nhiệm vụ KH-CN. Bổ sung quy định về cụm nhiệm vụ KH-CN, chuỗi nhiệm vụ KH-CN, cách thức xét chọn. Bổ sung quy định về đánh giá chương trình KH-CN, nhiệm vụ KH-CN.
Bổ sung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Đơn giản hóa quy định về hợp đồng thực hiện nhiệm vụ KH-CN.
Về đầu tư và tài chính phục vụ phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo, dự án Luật KH-CN và đổi mới sáng tạo bổ dung quy định về xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo quốc gia. Hoàn thiện quy định về lập dự toán, cấp, sử dụng, quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH-CN từ ngân sách nhà nước.
Hoàn thiện quy định về Quỹ phát triển KH-CN quốc gia, quỹ phát triển KH-CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Trung ương, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc thù hoạt động tài trợ của quỹ.
Bổ sung về nguyên tắc tài chính thuế đối với hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo để làm căn cứ đề xuất những ưu đãi cụ thể trong các luật về thuế; bổ sung chính sách tín dụng đối với hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, trong dự án Luật KH-CN và đổi mới sáng tạo cũng đề cập tới việc hoàn thiện quy định về hạ tầng thông tin KH-CN và đổi mới sáng tạo; hoàn thiện quy định về thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển; bổ sung quy định về lan tỏa tri thức; bổ sung quy định thúc đẩy hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp…
Dự kiến dự án Luật KH-CN và đổi mới sáng tạo sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5.2025) và trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10.2025).