Những điểm sáng giải ngân vốn đầu tư công ở TP HCM (*): Quyết liệt và sáng tạo

Sự linh hoạt trong cách làm, cách thuyết phục người dân cùng tư duy dám nghĩ, dám thực hiện đã giúp nhiều quận, huyện ở TP HCM giải ngân vốn đầu tư công rất tốt

Đầu tuần này, chúng tôi tìm đến đường Trần Văn Giàu, đoạn qua xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP HCM. Ghi nhận cho thấy một số hộ dân và cây xăng đã phá dỡ công trình hoặc rời đi, nhường lại mặt bằng cho đường Vành đai 3 - dự án giao thông trọng điểm của thành phố.

Chân thành thuyết phục, biểu dương kịp thời

Anh Nguyễn Dương Thuật (ngụ đường Trần Văn Giàu) cho biết có phần đất 270 m2, thuộc diện giải tỏa toàn phần, được nhà nước hỗ trợ hơn 42 triệu đồng/ m2 đất thổ cư và 5,5 triệu đồng/ m2 cho phần đất còn lại. Anh Thuật mong dự án sớm được bàn giao toàn bộ mặt bằng, thi công nhanh chóng để phục vụ người dân cũng như sự phát triển của thành phố.

Mặt bằng được người dân quận 10, TP HCM bàn giao để phục vụ xây dựng tuyến Metro số 2 .Ảnh: NGUYỄN PHAN

Mặt bằng được người dân quận 10, TP HCM bàn giao để phục vụ xây dựng tuyến Metro số 2 .Ảnh: NGUYỄN PHAN

Sống cách đó không xa, hộ bà Hiếu cũng thuộc diện giải tỏa toàn phần. Bà Hiếu kể đang dỡ nhà chuẩn bị chuyển đến quận 12 sinh sống. "Tôi bàn giao mặt bằng để phục vụ thi công. Mỗi người dân đều thuận lòng thì tin rằng công trình trọng điểm này sớm hoàn thành" - bà Hiếu nói.

Theo Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Võ Đức Thanh, mấu chốt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chính là sự đồng thuận của người dân. Do đó, công tác vận động nhân dân bị ảnh hưởng bởi dự án được chính quyền đặc biệt quan tâm.

Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc điều chỉnh, điều hòa các dự án giải ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân sang dự án có khả năng để đẩy mạnh giải ngân, lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ kế hoạch giải ngân theo từng tuần...

Xuất phát từ tính quan trọng của dự án, huyện đã có hàng loạt động thái thúc đẩy. Từ đó, tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 thuận lợi đã góp phần không nhỏ cho huyện Bình Chánh đạt tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao.

Cũng theo ông Võ Đức Thanh, trong năm 2023, huyện được giao giải ngân 2.342 tỉ đồng vốn đầu tư công. Tính đến hết tháng 11, tỉ lệ giải ngân đạt trên 94% kế hoạch với hơn 2.215 tỉ đồng.

Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập các tổ vận động riêng cho từng dự án, như dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50; dự án đường Vành đai 3. Những tổ công tác trên có nhiệm vụ tiếp xúc, vận động, thuyết phục, giải thích cho các hộ dân hiểu, hợp tác và tự nguyện bàn giao mặt bằng "Hình thức tuyên truyền cũng đa dạng, vừa tuyên truyền miệng, vừa phát thanh, vừa trên mạng xã hội... Những cá nhân, hộ gia đình tích cực, có nhiều đóng góp cho việc triển khai dự án là huyện ghi nhận và biểu dương ngay" - Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nêu cách làm.

Đi cùng, làm cùng các sở, ngành

Quận Phú Nhuận cũng là địa phương có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công rất cao với 98% khi kiên trì đeo bám nhiệm vụ, phối hợp đồng bộ với các sở, ngành và vận dụng linh hoạt cách làm.

Nói về yếu tố giúp địa phương đạt thành tích rất tốt trong công tác này, Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Đông Tùng khẳng định trước hết là có sự quyết tâm, chỉ đạo sát sao, liên tục của Chủ tịch UBND thành phố, UBND thành phố.

Theo Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận, việc phối hợp triển khai công tác giải ngân vốn đầu tư công nói chung và bồi thường, giải phóng mặt bằng nói riêng trong năm 2023 khác với mọi năm. Cái khác rõ nhất là các sở, ngành chấp hành tốt chỉ đạo của Thành ủy - UBND TP HCM khi chủ động phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ các đầu việc.

Về phía quận, không chỉ gửi kiến nghị, đề xuất lên là đủ mà luôn làm cùng, đi cùng với sở, ngành để mọi việc trôi chảy nhất. Nếu trong năm 2024 làm việc theo cách này thì kết quả giải ngân vốn đầu tư công sẽ càng rõ hơn.

Một điều nữa mà lãnh đạo quận Phú Nhuận rất tâm đắc là cách bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhận nhiều sự đồng thuận. Ông Nguyễn Đông Tùng dẫn chứng dự án đường Trương Quốc Dung, phường 8 phải giải tỏa 51 hộ, trong đó nhiều hộ phải giải tỏa trắng. Cách làm của quận là đầu tiên lấy ý kiến những hộ dân bị ảnh hưởng. Việc này được tiến hành rất kỹ trên cơ sở quyền lợi của người dân. Tiếp đó, để vận động họ, quận thành lập 2 tổ công tác, một tổ của phường, một tổ của quận, liên tục tuyên truyền, thuyết phục. Song song với đó, các phương án bồi thường được quận công khai, minh bạch; phương án tái định cư phù hợp... nên kết quả mang lại tốt.

Đến từng nhà, thuyết phục từng người

Với quận 10, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Chủ tịch UBND quận, cho biết năm nay địa phương được giao hơn 78,7 tỉ đồng vốn đầu tư công, đến ngày 30-11 giải ngân hơn 67 tỉ đồng (85,25%). Đáng nói ở nhóm dự án có vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng, quận giải ngân đạt hơn 94%.

Điển hình như dự án Bồi thường, giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành - Tham Lương (Metro số 2) trên địa bàn. Dự án ảnh hưởng 74 trường hợp trên địa bàn quận 10 và tới nay quận đã hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ.

Hay như dự án Cải tạo, nâng cấp đường trước Bệnh viện Nhân dân 115 hiện đạt tỉ lệ giải ngân 98,74%. Ở dự án này, bên cạnh việc chủ động, mạnh dạn nhiều biện pháp, quận cũng kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc, đề xuất hướng xử lý, giải quyết làm cơ sở thực hiện bước tiếp theo. Sau đó, thực hiện đầy đủ quy trình công khai, minh bạch (niêm yết, phổ biến qua các ứng dụng số như Zalo, Viber...) và đối thoại trực tiếp với người sử dụng đất bị thu hồi đất để vận động, thuyết phục.

"Quận thực hiện tuyên truyền, vận động, thuyết phục không kể ngày đêm. Đến từng nhà, giải thích thuyết phục từng người sử dụng đất đồng ý bàn giao mặt bằng. Kết quả 100% trường hợp bị ảnh hưởng ký biên bản thỏa thuận đồng ý để UBDN quận 10 thu hồi đất trước thời hạn theo quy định, đồng thuận nhận tiền với sự phấn khởi, thống nhất cao" - Chủ tịch UBND quận 10 chia sẻ cách làm.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-12

Nhận diện khó khăn để hóa giải

Những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công được các cấp ở TP HCM phân tích, mổ xẻ trong rất nhiều cuộc họp. Nguyên nhân lớn nhất được chỉ ra là vướng mắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Kế đến là việc chậm thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch; nhà thầu thi công không đủ năng lực; do chậm thực hiện thủ tục quyết toán dự án...

Với 60 ngày đêm thi đua đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, đến nay, TP HCM đã đi hơn một nửa chặng đường. Thành phố đặt quyết tâm cao nhất để nếu không đạt mục tiêu 95% thì tối thiểu cũng phải 80%.

Chịu trách nhiệm với Thủ tướng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), tính đến ngày 30-11, cả nước đã giải ngân được hơn 460.000 tỉ đồng vốn đầu tư công, đạt khoảng 58,33% kế hoạch. Để đạt mục tiêu giải ngân 95% thì trong 30 ngày cuối năm phải giải ngân thêm khoảng 247.000 tỉ đồng. Áp lực giải ngân vốn đầu tư công trong tháng cuối cùng của năm 2023 là rất lớn.

Một cây xăng rời đi nhường lại mặt bằng để phục vụ xây dựng tuyến Vành đai 3, đoạn qua huyện Bình Chánh, TP HCM .Ảnh: ANH VŨ

Bộ KH-ĐT đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trung ương, bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vào cuộc quyết liệt. Nếu giải ngân chậm, các lãnh đạo trên phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.

Việc gắn trách nhiệm người đứng đầu với công tác giải ngân vốn đầu tư công từng được lãnh đạo Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh và yêu cầu thực hiện. Tại hội nghị với các bộ ngành, địa phương hôm 27-11, một lần nữa Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu trong giải ngân đầu tư công. Đồng thời, hoàn thiện các chế tài để có công cụ xử lý hiệu quả hơn các đơn vị, tập thể, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân, để xảy ra tiêu cực, lãng phí...

M.Chiến

ANH VŨ - PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhung-diem-sang-giai-ngan-von-dau-tu-cong-o-tp-hcm-quyet-liet-va-sang-tao-196231205213745752.htm