Những điểm sáng trong công tác bồi thường nhà nước góp phần vào thành tích chung của Bộ, ngành Tư pháp
Kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2024) là dịp để các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành Tư pháp ôn lại truyền thống vẻ vang của Ngành qua 79 năm xây dựng, phát triển, qua đó phát huy sự đoàn kết, thống nhất, hăng hái thi đua, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, phấn đấu xây dựng Ngành Tư pháp trong sạch, vững mạnh, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Cùng với lịch sử phát triển của Bộ, Ngành Tư pháp nói chung, Cục Bồi thường nhà nước vinh dự là đơn vị ra đời và phát triển được hơn 13 năm tuổi (Cục được thành lập theo Quyết định số 767/QĐ-TTg ngày 23/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ). Với sự quan tâm, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp; sự đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo của Chi ủy, Lãnh đạo Cục và đặc biệt là sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể Chi ủy, Lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động thuộc Cục, trong những năm qua, mặc dù khối lượng công việc ngày càng tăng, đòi hỏi cao về chất lượng và tiến độ nhưng kết quả công tác của Cục liên tục được Lãnh đạo Bộ ghi nhận, các đơn vị và địa phương đánh giá cao. Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về công tác bồi thường nhà nước theo quy định của pháp luật, trong những năm qua, mà nhất là giai đoạn tổ chức thực hiện công tác bồi thường nhà nước theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (TNBTCNN) năm 2017, công tác bồi thường nhà nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng kể như sau:
Một là,về kết quả công tác giải quyết yêu cầu bồi thường. Theo số liệu tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương, từ khi Luật TNBTCNN năm 2017 có hiệu lực (ngày 01/7/2018) đến ngày 30/6/2023, tổng số vụ việc đã được thụ lý, giải quyết là 168, trong đó, số vụ việc đã có văn bản giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là 103 (đạt tỷ lệ 61,3%). Tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường được xác định trong các văn bản giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là 76.985.530.000 đồng. Tổng số tiền mà người thi hành công vụ gây thiệt hại phải hoàn trả được xác định trong các quyết định hoàn trả có hiệu lực là 868.407.000 đồng.
Hai là, các cơ quan giải quyết bồi thường đã chủ động hơn trong việc tiếp nhận, thụ lý và giải quyết các yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại, đồng thời, rất chủ động trong việc thường xuyên phản ánh khó khăn, vướng mắc và đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước cả ở trung ương (Bộ Tư pháp - qua đầu mối Cục Bồi thường nhà nước) và địa phương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh - qua đầu mối Sở Tư pháp) để được hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường, giải đáp vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật về TNBTCNN.
Sự chủ động này thể hiện rõ nét nhất qua tỷ lệ những vụ việc được giải quyết xong tính theo trung bình năm. Đơn cử: năm 2020, tỷ lệ các vụ việc yêu cầu bồi thường được giải quyết xong tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại theo Luật năm 2017 là 52,27% - cao hơn so với các vụ việc được thụ lý, giải quyết theo Luật TNBTCNN năm 2009 - với tỉ lệ là 47,82%.
Ba là, chất lượng giải quyết yêu cầu bồi thường được nâng cao, những sai phạm trong áp dụng trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường đã giảm nhiều hơn trước, qua đó giảm thiểu những tác động tiêu cực tới việc bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại.
Bốn là, việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại được thực hiện đúng pháp luật hơn, trách nhiệm chứng minh được thực hiện đầy đủ hơn. Tình trạng người bị thiệt hại gửi đơn yêu cầu bồi thường “sai địa chỉ” hoặc tình trạng đưa ra yêu cầu bồi thường quá cao tới mức “không tưởng” đã giảm đáng kể. Điều này đã giúp giảm tải áp lực cho cơ quan giải quyết bồi thường, tháo gỡ được những xung đột tâm lý giữa các bên trong quá trình giải quyết bồi thường để từ đó đi đến thống nhất nhanh hơn trong quá trình thương lượng việc bồi thường.
Năm là, cơ quan tài chính có thẩm quyền - ở trung ương là Bộ Tài chính, ở địa phương là Sở Tài chính - đã thực hiện việc cấp phát kinh phí bồi thường kịp thời hơn và qua đó giúp cho cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại đúng như nội dung thỏa thuận trước đó giữa các bên về việc chi trả tiền bồi thường. Cơ quan tài chính cũng linh hoạt hơn trong việc đổi mới phương thức tiếp nhận, xem xét tính hợp pháp của hồ sơ đề nghị cấp phát kinh phí bồi thường và chủ động hơn trong việc phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước để thực hiện hoạt động thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình.
Sáu là, về công tác phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước. Ở Trung ương, hoạt động phối hợp liên ngành giữa Bộ Tư pháp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Bộ, ngành có liên quan trong quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước có chiều sâu và đạt được kết quả đáng ghi nhận (hoạt động rà soát vụ việc yêu cầu bồi thường, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước), góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, đặc biệt là trong hoạt động tố tụng. Việc phối hợp được thực hiện thông qua nhiều hình thức đa dạng như hội nghị sơ kết, tổng kết, tổ chức các cuộc họp, ban hành văn bản trao đổi.
Để đạt được những kết quả trên đây, Cục Bồi thường nhà nước và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tích cực phối hợp, chủ động thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước theo quy định của pháp luật. Cục đã tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện một cách nền nếp việc quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trên cả ba lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Ở địa phương, việc phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước đã tiếp tục được nhiều địa phương quan tâm thực hiện bài bản và đạt hiệu quả. Tính đến nay, đã có 53/63 tỉnh, thành phố ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước tại địa phương trong hoạt động quản lý hành chính, thi hành án và tố tụng. Hoạt động phối hợp liên ngành đã giúp địa phương tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết vụ việc yêu cầu bồi thường, thúc đẩy công tác phối hợp giữa các ban, ngành trong việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước tại địa phương.
Có thể nói, với những điểm sáng trong công tác bồi thường nhà nước nêu trên, tuy là đóng góp còn khiêm tốn so với sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước và truyền thống hào hùng của Bộ, ngành Tư pháp, tuy nhiên, đây sẽ là động lực to lớn cho mỗi công chức, viên chức, người lao động của Cục Bồi thường nhà nước và các Sở Tư pháp vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp tục hoàn thành các công việc, nhiệm vụ mà Bộ, Ngành Tư pháp giao.