Những điều bất thường báo hiệu ô tô của bạn sắp mất phanh
Ô tô bị mất phanh là tình huống vô cùng nguy hiểm khi lái xe và là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghỉem trọng. Dù vậy, người dùng có thể nhận biết phanh có vấn đề thông qua một số dấu hiệu bất thường, đặc biệt là xi-lanh.
Xi-lanh chính của hệ thống phanh đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo an toàn khi lái xe. Đây là bộ phận chịu trách nhiệm tạo ra áp suất thủy lực cần thiết để truyền lực phanh từ bàn đạp tới các bánh xe, giúp xe dừng lại.
Qua thời gian sử dụng, xi-lanh có thể bị mòn hoặc hư hỏng, dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng hiệu suất phanh. Điều này không chỉ khiến xe dễ mất kiểm soát mà còn gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông.
Dù vậy, người sử dụng ô tô vẫn có thể phát hiện sớm xi-lanh phanh đang gặp vấn đề thông qua các dấu hiệu sau đây:
Rò rỉ dầu phanh
Sự xuất hiện của chất lỏng dưới gầm, tại vị trí đậu xe có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, vì vậy chủ xe cần quan sát kỹ vị trí và màu sắc của chất lỏng để xác định xem đó có phải dầu phanh bị rò rỉ hay không.
Theo anh Quang Thanh, kỹ thuật viên ô tô tại TP.HCM chia sẻ: "Dầu phanh thường có màu trong hoặc vàng nhạt, có độ nhớt vừa phải so với dầu động cơ hay dầu hộp số". Vì vậy, thấy chất lỏng có đặc điểm như trên bị rò rỉ dưới nền đất hoặc trên bề mặt trong của lốp xe, cần nhanh chóng kiểm tra hệ thống phanh.
Ngoài ra, rò rỉ dầu phanh có thể khiến các bộ phận như dây phanh, kẹp phanh hoặc xi lanh bánh xe bị ướt và phủ đầy cát, sạn nhỏ. Kiểm tra các bộ phận phanh xem có dấu hiệu nhỏ giọt chất lỏng, ẩm ướt hoặc đổi màu không để xác định tình trạng rò rỉ.
Bàn đạp phanh nhẹ bất thường
Lực tác dụng lên bàn đạp phanh nhẹ bất thường cũng là dấu hiệu cho thấy xi-lanh phanh đang gặp vấn đề.
Khi xi-lanh chính không còn kín, không khí có thể lọt vào hệ thống phanh, gây ra tình trạng thiếu áp suất thủy lực. Điều này làm cho bàn đạp phanh mất đi độ nặng vốn có, khiến người lái cảm thấy bàn đạp nhẹ hoặc nhún nhiều hơn bình thường.
Nếu bạn cảm thấy bàn đạp phanh lún sâu mà không tạo được đủ lực phanh, hãy đưa xe đi kiểm tra ngay. Đây là một dấu hiệu nghiêm trọng cho thấy hệ thống phanh không còn hoạt động hiệu quả.
Xe bị trôi hoặc lệch khi phanh
Khi xi-lanh phanh chính hư hỏng, có thể dẫn đến sự phân phối áp suất phanh giữa các bánh xe không đồng đều. Điều này khiến xe bị kéo lệch hoặc trôi sang một bên khi phanh, đặc biệt là khi phanh mạnh. Sự bất thường này xảy ra do một trong các buồng xi-lanh không tạo đủ áp suất, khiến lực phanh tại một hoặc các bánh xe hoạt động không đồng đều.
Trôi xe khi phanh là một dấu hiệu nguy hiểm, đặc biệt trên đường trơn hoặc khi phanh gấp. Nếu gặp phải tình trạng này, người dùng nên kiểm tra hệ thống phanh ngay lập tức để đảm bảo an toàn khi lái xe.
Má phanh mòn không đều
Khi xi-lanh không tạo ra áp suất đồng đều, một số bánh xe sẽ bị tác động lực phanh mạnh hơn so với các bánh còn lại. Điều này dẫn đến hiện tượng một hoặc các bánh xe có má phanh mòn nhanh hơn bình thường.
Khi bảo dưỡng, thay thế má phanh và phát hiện một trong các má phanh mòn nhanh hơn so với số còn lại, có thể đây là dấu hiệu cho thấy xi-lanh phanh đang gặp vấn đề. Người sử dụng ô tô có thể nhờ kỹ thuật viên kiểm tra hệ xi-lanh chính để đảm bảo an toàn.
Âm thanh lạ khi phanh
Mặc dù tiếng ồn khi phanh thường liên quan đến má phanh mòn, nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu của xi-lanh phanh bị hỏng. Khi xi-lanh không phân phối áp suất phanh đều, một số bánh xe có thể chịu tải lớn hơn và gây ra tiếng kêu rít hoặc nghiến.
Đèn cảnh báo phanh sáng
Trên các mẫu xe đời mới, hệ thống phanh thường được trang bị cảm biến và hệ thống điện tử giám sát. Khi xi-lanh chính gặp sự cố, cảm biến có thể phát hiện sự thay đổi áp suất hoặc mức dầu phanh bất thường và kích hoạt đèn cảnh báo phanh. Đây là dấu hiệu cho thấy hệ thống phanh đang gặp vấn đề và cần được kiểm tra ngay.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!